Đầu tư vào khu vực Tây Bắc còn hạn chế
Hiện nay, mới chỉ có hơn 200 dự án FDI, với tổng số vốn 1,4 tỷ USD đầu tư vào Tây Bắc. Con số này còn khá khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng ở khu vực này.
Năm 2008, tại tỉnh Lào Cai diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc lần thứ nhất. Tuy nhiên, sau 2 năm, đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc vẫn còn thấp so với các khu vực khác.
Hiện nay, mới chỉ có hơn 200 dự án FDI, với tổng số vốn 1,4 tỷ USD đầu tư vào khu vực này. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo Tây Bắc, con số này còn dưới mức tiềm năng.
Vùng Tây Bắc bao gồm các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng và một số huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, với diện tích tự nhiên hơn 109.000 km2, dân số chiếm trên 14% của cả nước. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn năm 2005 – 2010 vùng Tây Bắc đạt từ 9-11%, thu nhập đầu người xấp xỉ 11 triệu đồng/năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây của khu vực được đánh giá là theo hướng tích cực, song việc thu hút đầu tư thì vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu vào Tây Bắc lần thứ nhất cách đây 2 năm ở Lào Cai, có 13 dự án đăng ký vốn đầu tư, với số vốn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trao giấy chứng nhận đầu tư, còn quá trình triển khai các dự án thì đến nay đã không đạt được như cam kết tại diễn đàn.
Lai Châu là một tỉnh trong khu vực Tây Bắc, được coi có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện nhỏ, tài nguyên khoáng sản, trồng rừng, nhưng chiến lược thu hút đầu tư hàng năm đều không đạt như mong muốn. Riêng năm 2009, tỉnh chỉ cấp phép được cho 41 dự án, với số vốn hơn 4.400 tỷ đồng. Đây đều là dự án của các nhà đầu tư trong nước qui mô nhỏ, chủ yếu hoạt động theo phương thức thủ công, vào các lĩnh sản xuất vật liệu xây dựng, trồng rừng, khai thác khoáng sản… Hay tại tỉnh Yên Bái, mặc dù rất nhiều kỳ vọng, nhưng năm 2010 này cũng không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nào đến đầu tư tại địa bàn.
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế ngoài các thủy điện lớn trên dòng Sông Đà như thủy điện Hòa Bình, Sơn La và tới đây là thủy điện Lai Châu do nhà nước đầu tư. Các nhà doanh nghiệp còn có thể đầu tư các thủy điện nhỏ trên các nhánh sông và dòng suối lớn… Thế nhưng, năm 2009, tỉnh Lai Châu không thu hút thêm được các doanh nghiệp mà còn phải thu hồi 17 giấy chứng nhận đầu tư, chủ yếu là lĩnh vực thủy điện. Lý do thu hồi là quá hạn không khởi công thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương như: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… hiện mỗi năm trồng từ 12.000 đến 15.000 ha rừng nhưng cũng chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư vào phát triển kinh tế rừng.
Ông Lê Khả Đấu, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: “Đầu tư vào khu vực Tây Bắc có nhiều lợi thế. Việc phát triển vùng chuyên canh tập trung nếu có những doanh nghiệp chủ lực với tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường, liên kết với đồng bào để phát huy quyền sử dụng đất và sức lao động thì sẽ là cơ hội để người dân vươn lên thoát nghèo được. Khu vực Tây Bắc còn có lợi thế về chăn nuôi gia súc và nông- lâm đặc sản…”.
Cơ sở hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính chậm đổi mới
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thu hút đầu tư vào khu vực Tây Bắc chưa đạt như mục tiêu đặt ra, đặc biệt là vốn nước ngoài vào vùng này là do cơ sở hạ tầng giao thông chậm phát triển, suất đầu tư cao. Ví dụ như 1Mw công suất thủy điện thì phải tương đương với suất đầu tư khoảng 1,5 triệu USD. Mặt khác, các địa phương, ngân sách chi tiêu công dựa vào trung ương cấp, thiếu vốn đối ứng, do đó đã không thu hút được vốn FDI như mong muốn.
Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính ở một số tỉnh còn chậm dẫn đến các nhà đầu tư chưa mặn mà đến vùng đất được coi là nhiều tiềm năng cho đầu tư phát triển.
Ông Lê Kim Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết: “Với tỉnh Yên Bái, việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư ngoài tỉnh còn chậm. Hiện nay, có 36 dự án đầu tư vào tỉnh chậm tiến độ và 19 dự án chưa thực hiện, trong đó có 7 dự án ngừng không đầu tư ”.
Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, việc thu hút các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Tây Bắc lại rất hạn chế. Đây là những vẫn đề mà các cấp chính quyền địa phương trong khu vực, cũng như các bộ, ngành giúp đỡ Tây Bắc cần xem xét để sau những Hội nghị xúc tiến đầu tư cho vùng, Tây Bắc thực sự khởi sáng với nhiều dự án đầu tư có hiệu quả./.
Xuân Thọ - Thu Thuỳ
VOV
|