Chính sách ổn định vĩ mô phải nhất quán
|
Ông Benedict Bingham |
Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong phiên đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ, cũng như với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong những tháng cuối năm này. Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Benedict Bingham trao đổi với TBKTSG quanh câu chuyện này.
- Ông Benedict Bingham: Không có gì ngạc nhiên khi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm nay đều tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, chủ đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Tôi nghĩ Chính phủ, qua những tuyên bố gần đây, đã phát đi tín hiệu dành ưu tiên cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Đó là một bước chuyển quan trọng trong chính sách của Chính phủ. Tháng 3 năm nay, Chính phủ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng khi lạm phát tăng cao, thì đã chuyển qua tuyên bố ưu tiên hàng đầu là giảm lạm phát. Tôi thấy Chính phủ đã xác nhận ưu tiên này trong các vấn đề mà họ phải giải quyết.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn vĩ mô hiện nay?
- Trong khuôn khổ nào đó, tình hình hiện tại giống như những gì xảy ra vào năm ngoái. Tình hình thế giới là khó khăn. Giữa năm ngoái, Chính phủ tập trung vào kích thích kinh tế, không để thất nghiệp tăng cao quá. Áp lực về cán cân thanh toán gia tăng...
Khi kinh tế vĩ mô đã bước đầu được ổn định vào quí 1 năm nay, Chính phủ có lẽ đã “thư giãn” ít nhiều. Lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể mua thêm ngoại tệ dự trữ... nên Chính phủ đã bắt đầu nói về tăng trưởng.
Trong khoảng 3-4 tháng giữa năm nay, chính sách đã chuyển từ ổn định kinh tế vĩ mô sang tăng trưởng, và rốt cuộc là trong quí cuối cùng thì lạm phát lại gia tăng trở lại. Lạm phát gia tăng do giá lương thực thực phẩm lại đang gây áp lực lên giá trị tiền đồng như ta đang thấy.
Theo tôi, Chính phủ nên duy trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô nhất quán trong thời gian dài hơn.
Xu hướng của năm tới sẽ như thế nào căn cứ trên những chỉ tiêu kinh tế đã giảm xuống (lạm phát, bội chi, trái phiếu...) mà Quốc hội vừa thông qua?
- Hãy nghe những thảo luận tại Quốc hội: lạm phát, nợ công, và thâm hụt ngân sách tăng cao đều là những vấn đề được quan tâm, và Quốc hội muốn tất cả những vấn đề đó phải được giải quyết. Hãy nghe những ưu tiên đặt ra cho năm tới. Ưu tiên số một là ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Quốc hội đã đưa ra tín hiệu rất rõ ràng là lạm phát chỉ dưới 7%. Về tài khóa, thâm hụt đã được điều chỉnh xuống, và Quốc hội cũng muốn Ngân hàng Nhà nước có chính sách tiền tệ ổn định. Rõ ràng là Quốc hội không cảm thấy yên tâm với tình trạng hiện nay. Như vậy, Chính phủ có trách nhiệm với những quan tâm của Quốc hội.
Đấy cũng chính là bước đầu xây dựng niềm tin của thị trường?
- Tôi nghĩ là Quốc hội đã hoàn toàn đúng khi chọn chủ đề để giải quyết. Vì sao mà lòng tin bị đánh mất? Vì chính sách đã xoay như chong chóng giữa tăng trưởng, ổn định rồi lại tăng trưởng, và người dân thì mất phương hướng trước các chuyển biến đó. Tôi nghĩ Chính phủ đã nhận thức đây là thời điểm để thăng bằng lại. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì thường xuyên để người dân và doanh nghiệp có thể dự đoán tương lai dễ dàng hơn để còn đầu tư và làm ăn được.
Ông nhận định như thế nào về tình trạng kép khi lạm phát và lãi suất cao đã đeo đuổi Việt Nam suốt trong 4-5 năm qua?
- Trọng tâm vẫn phải là tăng trưởng và ổn định. Tôi rất ấn tượng với những tranh luận tại Quốc hội, đại biểu nói rằng lạm phát của Việt Nam là quá cao. Họ nói, hãy nhìn lạm phát chung của ASEAN chỉ 3-4%, còn của Việt Nam 7-8%, mà đấy là mục tiêu [mong muốn đạt được]. Như thế thật là điên rồ, chúng ta phát triển như thế để làm gì? Trong năm 2011, Chính phủ muốn lạm phát trên 7%, nhưng Quốc hội muốn dưới 7%. Như thế là Quốc hội đã quyết định. Nếu đưa được mức lạm phát xuống 3-4%, thì lãi suất mới xuống được. Một khi lạm phát còn ở mức 7-8%, và thậm chí là hơn 10%, thì không có cách nào đưa lãi suất xuống được.
Tình hình kinh tế hiện nay ở mức như thế nào so với giữa năm 2008, theo ông?
- Giai đoạn giữa 2008 là rất khác về một số điểm quan trọng. Nhớ lại năm 2007, luồng vốn ngoại đã đổ nhiều vào trái phiếu và chứng khoán, dẫn đến lạm phát cao và thâm hụt cán cân cao. Đến giữa năm 2008, các nhà đầu tư lo sợ và rút đi. Đó là áp lực mà Chính phủ đã rất vất vả để chống đỡ. Chiến thuật của Chính phủ là gì? Là giảm lạm phát, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước giữ giá, giảm thâm hụt thương mại, và hầu như tập trung giải quyết thị trường nội địa. Rõ ràng chiến thuật đó đã có tác động.
Tình hình hiện nay là khác vì vấn đề liên quan đến lòng tin của các nhà đầu tư trong nước với các chính sách vĩ mô. Quan tâm lớn nhất của họ là bất ổn vĩ mô và được thể hiện trên tất cả các diễn đàn, từ Quốc hội đến diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam.
Có cơ hội nào để ổn định lại tình hình trong thời gian tới hay không?
- Tôi nghĩ có hai việc. Thứ nhất là thị trường tiếp nhận thế nào chuyện thay đổi hướng chính sách kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã tuyên bố. Thứ hai, về dài hạn, nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào cách Chính phủ thực hiện định hướng mà Quốc hội đã đặt ra như lạm phát, thâm hụt ngân sách, chi tiêu công...
Tư Giang
tbktsg
|