Thứ Tư, 08/12/2010 06:19

Áp lực gia tăng lên ổn định vĩ mô

Tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG năm nay, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô, về vấn đề lòng tin suy giảm thậm chí được nêu ra thẳng thắn và tập trung hơn so với các kỳ hội nghị năm 2008 và 2009, khi Việt Nam phải gồng mình vật lộn với hai mục tiêu trái ngược nhau là kiềm chế lạm phát rồi chống suy giảm kinh tế.

Các bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại trong những tháng cuối năm đã trở thành động lực để chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đặt tên cho Hội nghị CG năm nay là "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững".

* Hàn Quốc cam kết tăng 39% vốn ODA cho Việt Nam

Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG sẽ tiếp tục diễn ra trong hôm nay (08/12)

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thay đổi bên lề là hoàn toàn không hiệu quả. Nó đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng, và cam kết chính trị mạnh để hiện thực hóa các hành động nhằm vẽ nên tiến trình phát triển mới cho Việt Nam".

Bà Kwakwa đã kết luận mạnh mẽ như trên sau khi nêu bật lên hàng loạt các thách thức phát triển đối với Việt Nam như xác định lại vai trò của chính phủ phù hợp với nền kinh tế thị trường, xây dựng các nguồn lực có lợi thế cạnh tranh mới, lựa chọn con đường phát triển bền vững hơn với môi trường,... và hơn hết, là duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để tạo khuôn khổ cho tất cả những yêu cầu đó.

Giám đốc Ngân hàng thế giới, người giữ vai trò chủ tọa trong phiên họp CG ngày hôm nay 7/12, trước đó đã công bố hàng loạt các dấu hiệu bất ổn vĩ mô của Việt Nam trong những tháng gần đây trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2010 được phổ biến tại hội nghị.

Theo báo cáo này, lạm phát đứng ở mức 9,6% trong 11 tháng đầu năm và sẽ vào khoảng 11,1% trong cả năm nay. Từ góc độ lịch sử, Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng trong gần thập kỷ qua là khoảng 8,8%, so với 2,7% của Thái Lan và 5,1% của Philippines.

Đồng tiền của Việt Nam trong ba năm qua đã chịu áp lực nặng nề và đã mất giá gần một phần ba so với đo la Mỹ, trong khi tình hình càng trở nên quan ngại khi mức dự trữ ngoại hối giảm dần.

Bên cạnh đó, báo cáo nhận xét, một khối lượng lớn ngoại tệ đã được găm giữ bên ngoài hệ thống ngân hàng (lên 12,2% GDP năm 2009 và 5,9% trong 10 tháng đầu năm 2010). Có nghĩa là, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận xét, vấn đề ngoại hối của Việt Nam không chỉ xuất phát từ các bất ổn kinh tế vĩ mô, mà còn là kết quả của sự suy giảm niềm tin của thị trường vào khả năng của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các bất ổn đó.

Bà Kwakwa nhận định: "Bản thân mục tiêu hoạch định chính sách của Việt Nam dường như đã có thiên vị cố hữu, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô."

Nhận xét thẳng thắn của Giám đốc Ngân hàng thế giới được hầu hết các đối tác phát triển của Việt Nam chia sẻ. Trong bản tuyên bố chung của các đối tác phát triển do Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB và Austrailia dẫn đầu được phổ biến tại hội nghị, các nhà tài trợ yêu cầu chính phủ phải xem ổn định kinh tế là điều kiện tiên quyết.

Các nhà tài trợ khuyến nghị, Việt Nam phải xây dựng một chính sách tiền tệ rõ ràng trong dài hạn để có thể xếp hàng ngang với các nước láng giềng trong ASEAN về mục tiêu lạm phát đang chỉ ở mức trung bình khoảng 2-4%.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ quốc tế yêu cầu Chính phủ cần củng cố tài khóa bằng việc tăng cường giám sát các khoản chi tiêu công, nhất là với nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đang tiến hành các hoạt động đầu tư và vay nợ mang nhiều rủi ro và thiếu hiệu quả; cũng như giảm nợ công.

Tuyên bố chung của các nhà tài trợ nhấn mạnh: "Việt Nam cần gửi đi một tín hiệu rõ rằng với thị trường rằng, quốc gia nghiêm túc trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, dỡ bỏ áp lực đè nặng lên tiền đồng và duy trì tăng trưởng bền vững".

Tuy vậy, nhận định thẳng thắn nhất - như mọi khi - đến từ Quỹ tiền tệ quốc tế, cơ quan chỉ duy trì những hoạt động mang tính hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, thay vì cung cấp các  khoản vay trị giá lớn.

Trưởng phòng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương Quỹ Tiền tệ Quốc tế Masato Miyazaki nói: "Chúng tôi tin rằng, sự bất ổn định của các điều kiện kinh tế vĩ mô phần nhiều là do sự mất niềm tin của thị trường vào định hướng chính sách kinh tế vĩ mô. Chính phủ phải thể hiện sự quyết tâm và cam kết lâu dài về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó với những rủi ro kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Thực tế là bất chấp có những tuyên bố chính thức thì ngược lại, những động thái chính sách của chính phủ thường xuyên gây ấn tượng rằng chính phủ coi trọng tăng trưởng ngắn hạn hơn là sự ổn định cần thiết để duy trì tăng trưởng trong dài hạn."

Ông khuyến nghị chính phủ nên thực hiện ngay ba chính sách như sau:

Thứ nhất, thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để khôi phục lại một cách trật tự các điều kiện trên thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát. Trong trung hạn, chỉ có thể có một thị trường ngoại hối ổn định nếu chính sách tiền tệ được tái định hướng nhằm đạt được mức lạm phát gần hơn với mực lạm phát trung bình 3-4% của các nước ASEAN.

Thứ hai, chính phủ cần thực hiện một kế hoạch củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để nâng cao niềm tin và tạo không gian tài khóa trong bối cảnh có sự lo ngại về các khoản nợ dự phòng được bảo lãnh và ngầm được bảo lãnh. Việc giảm hơn nữa thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% GDP trong năm 2011 và khoảng 3% năm 2015 dường như sẽ đạt được nếu quá trình củng cố ngân sách được duy trì.

Và cuối cùng, IMF cho rằng, chính phủ cần tiếp tục có các cuộc cải cách nhằm đảm bảo hệ thống tài chính vững mạnh, hiệu quả và dựa trên nguyên tắc thị trường do lo ngại rằng, tín dụng tăng mạnh trên 30% trong các năm 2007 và 2009 có thể dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản của họ, bao gồm các khoản vay cho Vinashin hay các công ty nhà nước và ngoài nhà nước lớn khác.

Trong nỗ lực tương tự, các đại sứ Hoa Kỳ, Anh, phái đoàn châu Âu, và Liên hiệp quốc... đều nhấn mạnh chính phủ cần tập trung nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô để vừa "giảm gánh nặng cho người nghèo", vừa "gia tăng lòng tin của các nhà đầu tư".

Những lo ngại nêu trên được nêu ra thẳng thắn và tập trung hơn so với các kỳ hội nghị CG năm 2008 và 2009, khi Việt Nam phải gồng mình vật lộn với hai mục tiêu trái ngược nhau là  kiềm chế lạm phát rồi chống suy giảm kinh tế.

Quan ngại trên lại được nêu ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong khu vực đã dần trở lại quỹ đạo phát triển, với GDP tăng cao và CPI giảm nhiều so với Việt Nam vào cuối năm 2010.

Mặc dù vậy, báo cáo của Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày cho rằng, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn, nhưng nhờ những biện pháp điều hành linh hoạt, phù hợp nên tình hình "đã có bước cải thiện".

Bản báo có này không đề cập đến con số lạm phát lên tới 9,58% trong 11 tháng đầu năm nay mà Tổng cục thống kê công bố.

Tuy nhiên, trong thông điệp nhằm trấn an các nhà tài trợ quốc tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chính phủ đặt mục tiêu cho năm 2011 là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cũng như ông Phúc, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cam kết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ "chủ động, linh hoạt và thận trọng" nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm tới.

Nhìn nhận lại khả năng điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc khẳng định, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng khoảng 25-27% trong năm nay là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hỗ trợ hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, lạm phát tăng cao trở lại, thâm hụt ngân sách, đầu tư công và nợ công lớn, và đặc biệt cơ chế điều hành thiên về hỗ trợ tăng trưởng là những thách thức cho Việt Nam.

Vũ Minh

TUẦN VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Tại sao phải gồng mình với "công nghiệp hiện đại"? (08/12/2010)

>   Hàn Quốc cam kết tăng 39% vốn ODA cho Việt Nam (07/12/2010)

>   Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn (07/12/2010)

>   Gần 491 triệu USD xây Cảng biển nước sâu Cửa Lò (07/12/2010)

>   GDP Hà Nội tăng 11% trong năm 2010 (07/12/2010)

>   TPHCM: Không đầu tư dàn trải trong năm 2011 (07/12/2010)

>   IMF: Việt Nam cần thắt chặt chính sách tiền tệ (07/12/2010)

>   WB dự báo lạm phát Việt Nam 2010 ở mức 10,5% (07/12/2010)

>   Khai mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (07/12/2010)

>   GS.TS Trần Ngọc Thơ: Chống lạm phát bằng thông tin (07/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật