Thứ Ba, 07/12/2010 06:23

GS.TS Trần Ngọc Thơ: Chống lạm phát bằng thông tin

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), yếu tố tâm lý có tác động rất lớn đến lạm phát, vì thế vai trò của nhà điều hành là phải thông tin đầy đủ, kịp thời thông điệp của mình đến người dân. Ông Thơ nói:

- Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đưa ra được thông điệp cho thị trường biết hướng đi của chính sách sẽ như thế nào, NHNN đang muốn gì, tại sao như thế.

Đợt tăng tỉ giá vừa qua, kèm theo đó là NHNN tăng lãi suất cơ bản VND và hứa bơm USD ra thị trường, nhưng NHNN không giải thích rõ ràng nên thị trường không biết NHNN tăng lãi suất để kềm tỉ giá hay để chống lạm phát.

Nếu là lý do thứ nhất, sẽ có suy nghĩ tỉ giá còn tăng vì đó chỉ là giải pháp tình thế. Còn để kiềm chế lạm phát thì tỉ giá có thể dịu đi trong tương lai... Vấn đề là NHNN không giải thích gì, để cho thị trường muốn hiểu sao thì hiểu. Như vậy dễ dẫn đến cách hiểu sai lệch. Ở các nước, việc chuyển tải thông điệp rõ ràng từ lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng trung ương (NHTƯ) có ảnh hưởng quyết định đến tâm lý của thị trường.

* Đối tượng nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá tăng?

- Một nền kinh tế có tỉ lệ lạm phát quá cao sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm công ăn lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Một khi giá hàng hóa tăng, trong khi thu nhập của những người này không tăng kịp tốc độ tăng giá, đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng..

* Nhưng lạm phát năm 2010 cao còn do ảnh hưởng từ giá thế giới tăng?

- Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 ở mức hai con số có nguyên nhân khách quan từ giá thế giới tăng nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan. Đợt điều chỉnh tỉ giá gần đây được đưa ra không đúng thời điểm cũng khiến lạm phát thêm căng thẳng.

Quan điểm của NHNN là hạn chế sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp để bình ổn tỉ giá, tuy nhiên trong tình hình hiện nay không nên quá cứng nhắc mà nên đặt mục tiêu ổn định tâm lý, tạo niềm tin cho thị trường. Xử lý bài toán tỉ giá, lãi suất và lạm phát trước hết phải tạo lòng tin nơi người dân.

Giá cả tăng cao không thể đổ lỗi do dự báo thiếu chính xác. Khi Mỹ bơm 600 tỉ USD để vực nền kinh tế đầu tháng 11 vừa rồi thì nhiều tháng trước đó nhiều nhà phân tích đã dự báo hành động này, cùng với hàng ngàn tỉ USD mà NHTƯ Mỹ đã in ra vào năm 2009, sẽ làm cho giá vàng, giá nông sản, giá dầu tăng vọt, từ đó dẫn đến lạm phát toàn cầu.

Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đã có kế hoạch ứng phó với nguy cơ này rất lâu. Chúng ta phản ứng chậm trước các thông tin như thế, nhất là trong chính sách.

Khi nguy cơ lạm phát trên thế giới trở thành sự thật, giá hàng hóa trên thế giới tăng đã tạo nên những biến động không đáng có ở trong nước, ngành hàng nào cũng đua nhau tăng giá bán sản phẩm, làm méo mó nền kinh tế.

* Muốn đạt được mục tiêu năm 2011 lạm phát ở mức 7% như Quốc hội đã đề ra, nhà điều hành chính sách cần phải làm gì trước sức ép giá thế giới tăng cao?

- Theo tôi, cần phải có sự quyết tâm và đồng thuận cao về chống lạm phát. Chúng ta có thể học kinh nghiệm từ Trung Quốc. Ngày 3-12, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã chuẩn y cho NHTƯ nước này thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn để chống lạm phát, cùng với đó là thực hiện một chính sách tài khóa năng động thay vì thụ động. Các nhà quan sát xem đây là động thái mang tính bước ngoặt trong công cuộc chống lạm phát.

Trước đó, NHTƯ Trung Quốc đã tăng lãi suất, tức đã thắt chặt tiền tệ, nhưng nếu không có “quyết tâm chính trị” từ lãnh đạo cấp cao thì vẫn chưa chuyển tải thông điệp mạnh đến thị trường.

Đồng thời phải minh bạch chính sách tài khóa, không chỉ có nghĩa là công bố thông tin tình hình thu chi ngân sách và vay nợ của Chính phủ. Mà phải có thông tin về hiệu ứng của chi tiêu công.

Chính phủ vay nợ để xây một cây cầu thì phải chứng minh rằng tiền đó tạo ra bao nhiêu nhà máy, việc làm... Qua đó, người dân có thể giám sát. Nếu không minh bạch trong chi tiêu công thì lạm phát triền miên là hệ lụy phải đến sau đó.

* Với mục tiêu về lạm phát như trên thì theo ông, NHNN nên xử lý vấn đề lãi suất hiện nay ra sao?

- Theo tôi, ngoài giải pháp tăng lãi suất để hút tiền về, NHNN phải bơm hút nhịp nhàng để điều hòa cung tiền trên thị trường. Nếu chỉ tăng lãi suất thì không đủ để chống lạm phát mà còn làm cho tình hình xấu đi nhiều hơn do các NH thiếu thanh khoản phải chạy đua tăng lãi suất để huy động vốn.

Quy mô, thời điểm và đối tượng chính của mỗi lần bơm thắt như thế phải có chủ đích và minh bạch. Theo tôi, thời gian qua chúng ta đã làm không tốt điều này.

* Người dân có nên gắn giá trị VND với vàng hoặc USD không?

- Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro đi kèm. Do vậy người dân cần tính toán kỹ, đồng thời có khả năng phân tích, nắm bắt thông tin nhất định trước khi quyết định bỏ vốn vào đâu.

Việc chọn kênh đầu tư thời gian qua của người dân cũng đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà điều hành. Nếu giá trị các tài sản đảm bảo như vàng, USD chỉ đi theo có một chiều tăng hoặc giảm thì không khó để người dân chuyển VND vào tài sản nào là tốt nhất.

Ánh Hồng thực hiện

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Olympus Pacific đe rút 100 triệu USD khỏi 2 mỏ vàng Việt Nam (06/12/2010)

>   150 triệu euro xây tuyến metro số 2 tại TP.HCM (06/12/2010)

>   Vốn ODA trong các dự án giao thông: Đột phá về giải ngân (06/12/2010)

>   Đầu tư ra nước ngoài: đang chờ hiệu quả (06/12/2010)

>   TS Võ Trí Thành: “Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội để ổn định kinh tế vĩ mô” (06/12/2010)

>   Việt Nam khó phồn vinh nếu trọng phát đạt hơn phát triển (06/12/2010)

>   Phát triển công nghiệp hỗ trợ : Giàu lợi thế, nghèo nội lực (06/12/2010)

>   Lợi thế đang mất dần (06/12/2010)

>   Tăng trưởng của VN hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản (03/12/2010)

>   Từ “giá thị trường” đến “kinh tế thị trường” (03/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật