Vốn ODA trong các dự án giao thông: Đột phá về giải ngân
|
Hầu hết các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA đều đã hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm 2010. |
Đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong công tác thi công và chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA.
Bước đột phá
Việc Dự án Khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1 giai đoạn III, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (Dự án 16 cầu) sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có khả năng hoàn thành sớm sau gần 4 năm thi công đã giúp chủ đầu tư - Tổng cục Đường bộ Việt Nam tháo bỏ 2 gánh nặng lớn: kết thúc được một trong những dự án có “số phận long đong” bậc nhất ngành giao thông do vấn nạn bỏ thầu giá thấp và khắc phục được tình trạng lệnh pha tải trọng cầu đường trên Quốc lộ 1 từ Cần Thơ xuống Cà Mau.
Tính đến cuối tháng 11/2010, đã có 7/16 cầu thuộc dự án có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng này thông xe, gồm: Đầu Sấu, Nàng Mao, Dần Xây, Xã Bảo, Xóm Lung, Láng Tròn, Cái Dày. Các cầu còn lại sẽ lần lượt được nhà thầu thông xe từ nay đến Tết Nguyên đán.
Không chỉ Dự án 16 cầu có sự chuyển biến tích cực, tính đến thời điểm này, hầu hết các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA đều đã hoàn thành kế hoạch thực hiện, giải ngân của cả năm 2010. “Giá cả vật liệu xây dựng tương đối ổn định, công tác điều hành quyết liệt của chủ đầu tư là hai lý do khiến các dự án có nhiều chuyển biến về tiến độ”, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.
Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến ngày 3/12, các chủ đầu tư của 38 dự án sử dụng vốn nước ngoài đã thực hiện đạt 7.492 tỷ đồng (245,8% kế hoạch), tăng 111,1% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân 5.838,6 tỷ đồng (191,6% kế hoạch), so với cùng kỳ năm trước tăng 36%.
Khác với mọi năm, việc giải ngân vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án ODA cũng có bước đột phá, với kết quả thực hiện đạt 2.412,1 tỷ đồng (114,1% kế hoạch), so với cùng kỳ năm trước tăng 86,3%; giải ngân 1.742,1 tỷ đồng (82,4% kế hoạch) tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. “Kết quả giải ngân vốn đối ứng sẽ còn cao hơn nếu các bộ, ngành bố trí kịp và đủ vốn cho các dự án”, ông Hoằng cho biết.
Tăng tốc chuẩn bị các siêu dự án
Đầu tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã hoàn tất phương án tài chính cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (một bộ phận của trục đường cao tốc Bắc - Nam). Dựa trên các dữ liệu đầu vào như phí giao thông 800 đồng/km, tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân từ năm 2009 đến năm 2040 là 1,873%; tổng mức đầu tư Dự án là 1,472 tỷ USD, Bộ kiến nghị, Chính phủ và các nhà tài trợ cho phép chủ đầu tư - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được vay lại toàn bộ các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và JICA.
Ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC cho biết, đây là dự án xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc WB, với khoản vay lên tới 511 triệu USD, thời gian 25 năm, bao gồm 10 năm ân hạn, lãi suất Libor 6 tháng + 0,48%/năm.
Được biết, hiện JICA - nhà tài trợ vốn thứ hai cũng đã có cam kết tài trợ 692 triệu USD vốn vay ODA để thực hiện Dự án. Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, nếu Dự án hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2016, tuyến cao tốc này sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả đầu tư cho các khu công nghiệp do nước ngoài đầu tư tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cũng theo VEC, một khoản vay thương mại lãi suất thấp trị giá 635,7 triệu USD vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết tài trợ cho Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km, xuyên qua vùng lõi của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Tại khu vực phía Bắc, Bộ Giao thông - Vận tải đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 2 siêu dự án lớn là Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Dự án đường cao tốc Tân Vũ - Lạch Huyện để có thể chính thức ký hiệp định vay vốn trị giá khoảng 800 triệu USD với JICA.
Cùng với việc tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA, vốn vay thương mại (ORC) từ các nhà tài trợ, Bộ Giao thông - Vận tải đang khẩn trương tiến hành công tác xúc tiến, huy động vốn vay tư nhân cho các dự án có khả năng tạo bước đột phá về hạ tầng.
“Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông - Vận tải đã thành lập tổ Công tác liên ngành triển khai Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết áp dụng mô hình thí điểm PPP do WB tài trợ. Chúng tôi mong muốn đưa dự án này là trở thành công trình hình mẫu trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân”, ông Hoằng cho biết và khẳng định, tuy chưa thể xóa bỏ những nút thắt hạ tầng trong một sớm, một chiều, song việc xác định được nguồn vốn cho nhiều dự án có quy mô lớn là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư.
Anh Minh
Đầu tư
|