“2010, một năm khá đặc biệt!”
“Nhìn lại năm 2010, vui có, ấn tượng có, nhưng nỗi lo còn nhiều hơn, nhất là những bất ổn về kinh tế vĩ mô mà ta chưa khắc phục được”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá (ảnh), người đã từng nhiều năm tham gia hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, chia sẻ với chúng tôi trước thời điểm năm cuối cùng của một chiến lược kinh tế sắp kết thúc.
Ông nói:
- 2010 là một năm khá đặc biệt! Nó không chỉ là năm cuối của kế hoạch 5 năm mà còn là năm cuối của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 10 năm 2001 - 2010. Đặc biệt, nó cũng là năm kết thúc một quá trình chao đảo kinh tế do nhiều nguyên nhân bên ngoài, và nhất là từ bên trong.
Kinh tế nước ta không bị suy thoái, chỉ bị suy giảm, bây giờ bắt đầu phục hồi. Riêng việc này, cũng rất đáng nói vì, các năm có con số cuối là 8, 9, 10 của 10 năm trước (năm 1997, 1998 và 1999 - PV) và bây giờ (năm 2008, 2009 và 2010 - PV) có quá nhiều điểm tương đồng, và cũng có không ít điều khác biệt.
Sự khác biệt
Trước hết, nhìn lại năm đặc biệt này, điều gì làm ông ấn tượng nhất?
Năm 2010, nếu nói một năm có những thành tựu lớn thì nó quá ngắn. Năm nay, giả sử GDP đạt được như Chính phủ đưa ra 6,7% thì đó là điều rất đáng mừng. Mức tăng này tương đương với năm 2000 là 6,8%.
Đáng ghi nhận là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành được nguồn lực lớn cho những mục tiêu về an sinh xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ta cũng hoàn thành một số công trình quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển của giai đoạn tiếp theo, điển hình như Thủy điện Sơn La, đưa các tổ máy đầu tiên vào hoạt động từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, sớm hơn kế hoạch 2 năm, góp phần làm giảm bớt khó khăn về năng lượng trong tương lai.
Ngoài ra, chúng ta cũng chuẩn bị được nhiều văn kiện rất quan trọng định hướng cho giai đoạn phát triển 5-10 năm tới, trong đó chắc chắn có nhiều chính sách mới mang tính đột phá.
Tuy nhiên, thực sự, bên cạnh những điểm ấn tượng nổi bật trên thì vẫn còn khá nhiều điều lo lắng!
Ông lo ở những điều gì vậy?
Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp và tiếp tục giảm sút. Mức tăng trưởng kinh tế mấy năm qua chưa phải nhờ vào kết quả của việc giải quyết những mặt yếu cơ bản của nền kinh tế, mà chủ yếu dựa vào các giải pháp tình thế. Các giải pháp thuộc nhóm này có góp phần phục hồi kinh tế nhưng cũng để lại không ít hậu quả xấu cho năm 2011 và một số năm sau.
Kinh tế vĩ mô của ta còn nhiều vấn đề. Năm nay hầu như tất cả các phiên họp thường kỳ hàng tháng, Chính phủ luôn nhắc đến vấn đề này, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, trên cả hai bình diện so với mục tiêu đề ra và, chuẩn bị điều kiện tiền đề cho sự phát triển bền vững năm sau và những năm kế tiếp.
Năm 2000, chỉ số CPI là -0,6%, còn năm 2010, giả sử là 10% thì cũng đã cao hơn năm 2000 gần 11 lần. Đây là điều rất đáng bàn và rất đáng quan tâm.
Cũng so với tình hình cách đây 10 năm, về tăng trưởng kinh tế na ná giống nhau, thậm chí điểm giảm sâu của lúc bấy giờ còn sâu hơn bây giờ. Năm 1999, GDP còn có 4,8% nhưng năm 2009, thấp nhất vẫn là 5,3%. Điểm phục hồi năm 2000 là 6,8%, và bây giờ dự kiến là 6,7%, gần như bằng nhau.
Nhưng khác biệt hết sức quan trọng là, thời điểm bước vào năm 2011 khác nhau nhiều lắm với 2001. Ngày ấy, bước vào năm 2001, các mặt của kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhiều so với bây giờ.
Đó có phải là điều dễ hiểu, thưa ông, khi mà chúng ta đã gia nhập WTO, đã chịu tác động rộng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và có sự ràng buộc với bên ngoài hơn...?
Ảnh hưởng xấu từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, cũng như khủng hoảng kinh tế châu Á cách đây hơn 10 năm, đến nền kinh tế nước ta là không thể phủ nhận, và cũng không thể phủ nhận một tình hình là ảnh hưởng từ bên ngoài lúc đó không gay gắt bằng bây giờ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, nguyên nhân bên trong là chủ yếu, là cơ bản, nguyên nhân từ bên ngoài chỉ làm bộc lộ sớm hơn, làm trầm trọng thêm những khó khăn bên trong mà thôi.
Lấy ví dụ như 2007, chưa có tác động gì từ bên ngoài nhưng lạm phát cũng đã rất cao rồi, đâu đợi đến cuối năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Đây là minh chứng rằng nguyên nhân bên trong là chính.
Sợ lạm phát hơn giảm phát
Thực tế, trong nỗi lo bất ổn vĩ mô mà ông nói, bây giờ, người dân, nhất là những người có mức thu nhập trung bình, thấp lo lắng đến vấn đề lạm phát nhiều hơn - khi mà giá cả cứ không ngừng leo thang?
Đúng vậy.
Trong kinh tế vĩ mô có hai trong nhiều vấn đề người ta hết sức lo ngại, đó là giảm phát và lạm phát. Ai cũng biết, hệ lụy của giảm phát và lạm phát, với mức độ khác nhau đều có ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh, tức là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, nhưng người ta dễ chấp nhận giảm phát hơn lạm phát, bởi lẽ giảm phát dẫn đến kiếm tiền khó hơn, tức người ta có thể mất cái có thể có, nhưng những gì đang có thì được bảo toàn.
Còn lạm phát làm cho người ta có cảm giác kiếm tiền dễ hơn, nhưng từng ngày từng giờ người ta bị mất đi cái đang có. Dân kêu ca nhiều nhiều về lạm phát là vì lý do này.
Nguyên nhân cơ bản của lạm phát đầu tiên là do hiệu quả của sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư thấp, do cơ cấu kinh tế kém hiệu quả...
Nhưng, xét đến cùng lạm phát chẳng qua là tiền nhiều hơn hàng. Nói một cách dễ hiểu, mặc dù không chính xác về mặt khoa học kinh tế thì đơn giản là lấy tổng lượng tiền chia cho tổng lượng hàng thì ra giá cả. Vì vậy, phát hành tiền nhiều hơn sự cần thiết, cho dù phát hành vì mục tiêu nào đi nữa và với mọi điều kiện khác không đổi thì cũng dẫn đến lạm phát. Do đó, phải kiên quyết "khóa van” của lạm phát lại, tức phải kiểm thật chặt chẽ việc bơm tiền vào lưu thông.
Từng là người tham gia chống lạm phát phi mã thành công, theo ông, giải pháp chống lạm phát phi mã ngày ấy bây giờ áp dụng còn có giá trị không?
Thời đó, khi chống lạm phát phi mã, câu cửa miệng mà mọi người đều nói là: ngân sách thu lấy mà chi, ngân hàng vay lấy mà cho vay. Và đó cũng là phương châm hành động số 1.
Tôi nghĩ đó là một bài học vô cùng quan trọng mà bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Cần tăng trưởng đúng nghĩa
Có thể hiểu vấn đề cấp bách bây giờ là giải quyết bài toán về ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông, ta phải bắt đầu từ đâu?
Cân đối kinh tế vĩ mô có nhiều mặt, ở đây chỉ xin nêu một vấn đề đang “nóng”, đó là vấn đề chống lạm phát. Lạm phát được đo bằng chỉ số giá hàng tiêu dùng và dịch vụ, mà giá cả luôn là phạm trù kinh tế rất phức tạp. Sự biến động của nó do rất nhều nguyên nhân. Theo tôi, để khắc phục cần phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp sau.
Thứ nhất, cho dù, chưa mang lại hiệu quả tức thì, nhưng phải bắt đầu ngay từ bây giờ việc cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và hiệu quả.
Thứ hai, trong ngắn hạn, phải kiên quyết giảm bội chi ngân sách, mà điều đầu tiên là phải giảm đầu tư công xuống. Ở đây, đầu tư công bao gồm cả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Chúng ta đã từng có bài học hồi chống lạm phát phi mã khi tuyên bố ngân sách thu lấy mà chi, vì ngân sách thu không đủ trả lương thì làm gì đủ tiền để cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, nên đã thực hiện chính sách doanh nghiệp nhà nước phải đi vay theo lãi suất thị trường mà hoạt động.
Để khỏi phá sản hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, lúc bấy giờ đã phải áp dụng chính sách “bù lãi suất”, để hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp tồn tại và bắt đầu quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Nhờ chính sách này trong thời gian ngắn đã sắp xếp lại từ hơn 13.000 doanh nghiệp còn 6.500 doanh nghiệp.
Cho nên, giảm đầu tư công không phải là câu chuyện nợ công không được vượt qua ngưỡng này ngưỡng nọ mà nó phải lập tức bắt đầu cắt giảm ngay tư bây giờ. Một trong những bài học chống lạm phát thành công lúc đó như đã nhắc lại trên đây thực chất là giảm đầu tư công. Nếu cứ tăng đầu tư công, tăng đầu tư từ ngân sách dẫn đến bội chi thì khó mà kiểm soát được lạm phát.
Thứ ba, cũng trong ngắn hạn, kinh nghiệm của lịch sử của thời kỳ chống lạm phát phi mã cho hay phải kiểm soát thật chẽ việc phát hành tiền tệ, đừng để tiền thừa trong lưu thông. Vì như trên đã nói nếu phát hành tiền nhiều hơn sự cần thiết cho dù qua kênh nào, nhằm mục đích gì cũng đều có thể gây ra lạm phát. Nên phải có cân đối giữa phát hành tiền tệ với tăng trưởng.
Về mục tiêu tăng trường GDP từ 7 - 7,5% cho năm 2011 đã được Quốc hội thông qua, theo ông, mục tiêu đó có khả thi?
Tôi nói thẳng, tôi ít quan tâm đến 7 hay 7,5% mặc dù tăng trưởng là yêu cầu số của 1 của nước ta. Nhưng tăng trưởng như thế nào để cho ổn định mới là cốt lõi.
Thà liên tục đạt mức tăng trưởng chỉ 7% trong 10 năm, còn hơn là 8%, 9% hay 10% rồi lại xuống 4-5%, để cuối cùng cả 10 năm không được 7%.
Quan điểm của tôi là phải đặt chất lượng tăng trưởng lên hàng đầu, bởi lẽ chất lượng tăng trưởng là nhân tố làm tăng trưởng kinh tế về số lượng, chứ không phải số lượng làm tăng chất lượng. Tôi quan tâm tăng trưởng kinh tế có chất lượng với hai ý nghĩa: tăng trưởng kinh tế có chất lượng làm cho tốc độ tăng trưởng của những năm tiếp theo cao hơn. Và tăng trưởng có chất lượng đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, người dân tăng được thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tăng lên.
Chạy theo tăng trưởng bằng bất cứ giá nào thì sự tăng trưởng đó sẽ không làm đất nước phát triển, thậm chí càng tăng trưởng, đất nước càng nghèo đi.
Mạnh Chung
TBKTVN
|