Chủ Nhật, 12/12/2010 22:44

Là hệ quả khó biện giải

Như thường lệ, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ khai mạc ngày 7-12-2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”. Không hề gây ngạc nhiên, chủ đề trọng tâm của báo cáo lần này vẫn là những rủi ro vĩ mô. Điều gây ngạc nhiên nằm ở sự thiếu thuyết phục, thậm chí tự mâu thuẫn trong một số nhận định của báo cáo liên quan đến tỷ giá và lạm phát.

WB đã nhận xét rất đúng rằng trong hai năm trở lại đây, tỷ giá trên thị trường tự do hầu như luôn vượt trần. Trong khi trả lời câu hỏi: “Vì sao tiền đồng lại chịu nhiều áp lực như vậy?”, báo cáo phủ định giả thuyết cho rằng áp lực này là do tiền đồng bị định giá quá cao, với lập luận cơ bản cho rằng “mức độ tăng của tỷ giá hiệu dụng thực (REER) của đồng Việt Nam từ năm 2000-2009 không khác nhiều so với các đồng tiền khác ở châu Á. Trên thực tế, những nước như Indonesia và Philippines, với đồng tiền tăng giá nhiều hơn hẳn, lại không phải chịu áp lực như đồng tiền của Việt Nam”.

Lưu ý là mức thay đổi của REER (là tỷ giá tiền đồng so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính, có tính trọng số và hiệu chỉnh lạm phát, chứ không chỉ với đô la Mỹ) phụ thuộc vào mốc thời gian cơ sở. Trong tính toán của mình, WB sử dụng năm 2000 làm mốc, khi các nước trong khu vực vừa trải qua khủng khoảng tài chính. Thậm chí ở Việt Nam trong giai đoạn này còn xảy ra giảm phát (chỉ số giá tiêu dùng âm), một điều hy hữu ở Việt Nam.

Sử dụng năm 2006 khi kinh tế khu vực về cơ bản trở lại trạng thái bình thường làm mốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra một bức tranh gần như hoàn toàn tương phản so với báo cáo của WB. Cụ thể là theo IMF, từ tháng 1-2006 đến tháng 5-2010, mức tăng REER của tiền đồng là 20%, cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực trừ Philippines. Nói cách khác, lập luận của WB phụ thuộc hoàn toàn vào việc chọn mốc tính REER, mà như đã trình bày, mốc tính này không hợp lý. Sự không hợp lý này khiến ta phải đặt dấu hỏi đối với khuyến nghị chính sách được rút ra từ đó.

Khi một nền kinh tế đầu tư quá nhiều, kéo theo chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, trong khi đầu tư lại kém hiệu quả thì lạm phát là hệ quả tất yếu.

Nhận định về chính sách tăng hoặc điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nhằm đối phó với áp lực tăng giá tiền đồng, báo cáo cho rằng “chiến lược này cho đến nay vẫn phát huy tác dụng”. Không hiểu báo cáo định nghĩa “phát huy tác dụng” là như thế nào, nhưng ngay sau câu này, báo cáo viết tiếp “[chiến lược này] cũng dẫn đến những kỳ vọng vào việc tiền đồng sẽ tiếp tục bị phá giá và làm cho thị trường càng bất định hơn. Mức dự trữ ngoại hối tại các cơ quan quản lý tiền tệ giảm dần càng làm tăng thêm quan ngại”. Ở đây rõ ràng có sự mâu thuẫn, hoặc nếu không cũng là do một sự nhầm lẫn đáng tiếc trong diễn đạt.

Về lạm phát, báo cáo cho rằng “nhiều nước trên thế giới hiện cũng đang chịu áp lực lạm phát cao hơn dự kiến”. Phát biểu này mặc dù không sai về phương diện mô tả hiện tượng, nhưng lại hoàn toàn không có giá trị giải thích. Báo cáo không hề lý giải tại sao những nền kinh tế mở khác trong khu vực, cũng chịu những cú sốc tương tự như nền kinh tế Việt Nam, lại có mức lạm phát thấp hơn nhiều. Cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước vào tháng 11-2010 ở Việt Nam là 11,1%, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 4,4%, ở Thái Lan là 3,4%, ở Malaysia là 1,9%, và ở Philippines - một nước cũng chịu nhiều thiên tai, không những thế còn phải nhập khẩu lương thực - cũng chỉ là 4,5%.

Để bổ sung cho lập luận của mình, báo cáo lưu ý rằng “những lập luận về lạm phát ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận từ một góc độ lịch sử là Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng”. Một lần nữa, phát biểu này không hề sai về phương diện mô tả hiện tượng, nhưng lại hoàn toàn không có giá trị giải thích. Khác với vị trí địa lý hay điều kiện khí hậu, lạm phát của một quốc gia không hề có tính “tiên thiên” bất di bất dịch mà là kết quả của những chính sách có thể thay đổi. Khi tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong suốt giai đoạn 2000-2009 của Việt Nam luôn ở mức trên dưới 30%, trong khi chỉ số tương ứng ở Trung Quốc là dưới 20% hay ở Thái Lan và Malaysia dưới 10% thì việc lạm phát ở Việt Nam cao hơn các nước này là dễ hiểu. Nói đầy đủ hơn, khi một nền kinh tế đầu tư quá nhiều, kéo theo chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, trong khi đầu tư lại kém hiệu quả thì lạm phát là hệ quả tất yếu.

Người Việt Nam có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Thầy thuốc giỏi nếu thực sự thương bệnh nhân thì khi cần vẫn phải dùng thuốc đắng, người bạn tốt không thể vì nể bạn mà không nói thật, hay chỉ nói một nửa sự thật. Mong rằng WB mãi mãi là người bạn tốt, đồng hành và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vũ Thành Tự Anh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Các tập đoàn Thái Lan tăng đầu tư vào Việt Nam (12/12/2010)

>   TPHCM đặt chỉ tiêu GDP 2011 tăng 12% (10/12/2010)

>   Chất lượng tăng trưởng dịch vụ cải thiện không đáng kể (10/12/2010)

>   Đăng ký đầu tư ra nước ngoài 7 tỷ USD - Tiềm ẩn nhiều rủi ro (10/12/2010)

>   Năm 2011 sẽ tăng giá điện (09/12/2010)

>   Phía sau con số cam kết ODA năm nay (09/12/2010)

>   6 nước "cạnh tranh" xây nhà máy điện hạt nhân ở VN (09/12/2010)

>   Đầu tư vào khu vực Tây Bắc còn hạn chế (09/12/2010)

>   “2010, một năm khá đặc biệt!” (09/12/2010)

>   Tập đoàn Formosa Plastics sẽ đầu tư 8 tỉ USD tại Việt Nam (09/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật