Chất lượng tăng trưởng dịch vụ cải thiện không đáng kể
Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ luôn được đánh giá là một trong những lĩnh vực quan trọng, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Cho nên, trong kế hoạch phát triển kinh tế năm năm 2006 – 2010, Quốc hội đã đặt những yêu cầu, chỉ tiêu phát triển lĩnh vực dịch vụ rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay, nhìn lại những kết quả đạt được của năm năm phát triển trong lĩnh vực này, dễ thấy những tiến bộ trong lĩnh vực dịch vụ là chưa đạt yêu cầu.
|
Logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế, các loại dịch vụ sản xuất nông nghiệp... cần được coi là những ngành dịch vụ ưu tiên phát triển để tái cơ cấu. |
Theo số liệu tổng hợp của bộ Kế hoạch và đầu tư, mức đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung giai đoạn 2006 – 2010 đạt khoảng 45,1%, vẫn thấp hơn ngành công nghiệp và xây dựng (46,1%) nhưng cao hơn đáng kể giai đoạn 2001 – 2005 (37,7%). Nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân năm năm, chỉ tương đương mức cận dưới của chỉ tiêu theo kế hoạch trong giai đoạn này (7,7 – 8,2%). Đáng nói hơn, tuy năm 2010, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ ước đạt khoảng 7,5% nhưng trong liền mấy năm trước đó: 2008 – 2009, tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ bị suy giảm là dấu hiệu đáng lo ngại: năm 2008 chỉ tăng 7,37% và năm 2009 chỉ tăng 6,63%. Tỷ trọng ngành dịch vụ đến năm 2010 mới đạt 38,6%, thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu trong kế hoạch năm năm (40 – 41%).
Điều đáng ghi nhận là trong các ngành dịch vụ, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh như vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc, tài chính – tín dụng có tốc độ tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2006 – 2009. Cụ thể, theo bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch vụ vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc tăng bình quân 10,47%, ngành tài chính, tín dụng tăng bình quân 8,97% – các mức tăng đứng thứ nhất và thứ ba trong lĩnh vực dịch vụ. Nhưng, theo đánh giá của một chuyên gia của bộ Kế hoạch và đầu tư, hoạt động khá sôi động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng lại ít chuyển hoá sang nền kinh tế thực. Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng cũng đạt mức tăng trưởng khá cao: bình quân 8,98% giai đoạn 2006 – 2009 – mức tăng trưởng cao thứ hai trong lĩnh vực dịch vụ. Các hoạt động dịch vụ về kinh doanh tài sản và tư vấn, thông thường rất mạnh ở các nước thì ở Việt Nam, năm năm qua chỉ tăng hơn 3% – mức tăng thấp nhất trong lĩnh vực dịch vụ.
Một điểm dễ nhận ra khác là các dịch vụ giá trị gia tăng cao, rất quan trọng đối với sản xuất kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nhưng chậm phát triển, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP.
Khách quan mà nói, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam là khá cao chứ không hề thấp. Nhưng chính bộ Kế hoạch và đầu tư cũng phải thừa nhận điều dở trong phát triển dịch vụ của Việt Nam từ trước đến nay là, khác với các nước công nghiệp, các ngành có tỷ trọng lớn nhất lại không phải các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp như công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, khoa học và công nghệ mà là các dịch vụ tay nghề thấp, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của cá nhân, cộng đồng buôn bán nhỏ. Đó là các ngành tạo việc làm cho lao động phổ thông không có trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc trong các nhà máy hoặc các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao.
Một điểm dễ nhận ra khác là các dịch vụ giá trị gia tăng cao, rất quan trọng đối với sản xuất kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nhưng chậm phát triển, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP như: khoa học và công nghệ chỉ chiếm 0,6%, tài chính và ngân hàng tuy phát triển nhanh nhưng vẫn chỉ chiếm 1,8 – 1,9% trong suốt các năm 2006 – 2009. Cho nên, có thể nói, chất lượng tăng trưởng dịch vụ chưa cải thiện đáng kể. Chính vì các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh chậm phát triển nên dẫn đến hậu quả, các chi phí trung gian như vận tải và các yếu tố đầu vào khác còn cao.
Sự lệch lạc, yếu kém trong phát triển dịch vụ có thể lý giải do đầu tư vào lĩnh vực này còn rất thấp so với yêu cầu phát triển đặt ra. Thống kê của bộ Kế hoạch và đầu tư còn cho thấy, trong tổng đầu tư giai đoạn 2006-2009, đầu tư vào lĩnh vực tài chính và tín dụng mới chiếm 1,7% và cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm có 0,7%. Các dịch vụ thiết yếu khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như giáo dục, y tế cũng có tỷ trọng đầu tư bị sút giảm, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch.
Mặc dù vẫn đưa ra đánh giá cao về vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực dịch vụ, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế mới trình và đã được Chính phủ thông qua mới đây, bộ Kế hoạch và đầu tư có đề xuất, mục tiêu đến năm 2020, cả hai lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phải chiếm ít nhất 85% GDP nhưng bộ này cũng chỉ đưa ra một số đề xuất rất mờ nhạt về giải pháp phát triển lĩnh vực này. Theo đề xuất của bộ Kế hoạch và đầu tư, trong những năm tới, các dịch vụ về thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch, viễn thông, tài chính – ngân hàng, logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế, các loại dịch vụ sản xuất nông nghiệp – cần được coi là những ngành dịch vụ cần ưu tiên phát triển để tái cơ cấu. Nhưng ưu tiên, đầu tư như thế nào để tạo sự phát triển thì bộ này cũng chưa nêu rõ.
Mạnh Quân
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|