Chủ Nhật, 12/12/2010 22:56

Lạm phát năm 2010 sẽ là bao nhiêu?

Lạm phát năm 2010 sẽ là bao nhiêu? Một câu hỏi sát sườn với đời sống người dân và doanh nghiệp như thế lại không có câu trả lời thỏa đáng. Đọc tin trên các phương tiện truyền thông, tất cả đều chỉ đưa chung chung là “các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát năm 2010 sẽ lên đến 2 con số”. Không ai có thể đưa ra con số ước đoán là bao nhiêu.

Lạm phát năm 2010 sẽ vượt 10% và đang gây sự bức xúc không chỉ cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 2-12 vừa qua, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam Adam Sitkoff đã cho biết tiền đồng đang giảm giá và khuyến cáo Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định tâm lý thị trường, lấy lại niềm tin của người dân. Thế nhưng, cách trả lời báo chí của các nhà quản lý kinh tế vĩ mô và nhận định của các chuyên gia kinh tế một cách lấp lửng như trên có thể lại càng làm cho tình hình thêm rối ren.

Đành rằng chỉ số lạm phát, sau khi đã phá vỡ mốc 8% đề ra từ đầu năm, đang diễn biến rất phức tạp nên khó có thể đưa ra con số dự đoán. Cũng có thể hiểu các nhà quản lý kinh tế vĩ mô đang rất thận trọng, tránh đưa ra những nhận định chủ quan nhưng cách trả lời báo chí như thế chỉ giúp cho họ được an toàn chứ không làm cho tình hình tốt lên. Bằng việc sở hữu một hệ thống các ban, các vụ, các viện nghiên cứu kinh tế, Nhà nước có thể và có trách nhiệm xác định được mức lạm phát dự kiến sẽ xảy ra và kịch bản ứng phó kịp thời.

Chỉ số lạm phát ngoài hệ quả của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, ngoại thương, còn phản ánh niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Nếu mức lạm phát Nhà nước hướng đến là 8% nhưng diễn biến thị trường làm cho người dân và doanh nghiệp kỳ vọng rằng nó sẽ ở mức 10% thì họ sẽ hành xử theo niềm tin của mình, khiến cho xu hướng lạm phát tiệm cận đến mức kỳ vọng đó.

Một khi Nhà nước không xác định được mức lạm phát dẫn đường để người dân và doanh nghiệp tham chiếu thì tự mỗi người sẽ hoạch định cho mình một con số riêng. Và như thế, bài toán kiềm chế lạm phát của Nhà nước đã khó lại càng thêm khó. Chính vì vậy, không chỉ bằng các hành động khẩn cấp, Nhà nước còn phải đưa ra những thông điệp chính thức nhằm ổn định tâm lý và lấy lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy mức lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng thương mại là 16%/năm thì sự kỳ vọng mức lạm phát năm 2010 đã có thể lên đến 12-13%/năm. Thế nhưng, đó chưa phải là chỉ dấu duy nhất. Tỷ giá ngoại hối và giá vàng vẫn đang là kênh tham chiếu chính thức cho tâm lý thị trường. Có điều không phải người dân nào cũng có thể nhanh nhạy nắm bắt và xác lập được mức lạm phát năm 2010 cho riêng mình để hoạch định cuộc sống. Đại bộ phận người lao động nghèo, nông dân, giáo viên, người buôn bán nhỏ đang vất vả đối phó với cơn bão giá sinh hoạt hàng ngày thì còn thời gian đâu để tìm hiểu tin tức về giá vàng, tỷ giá, lãi suất và các giải pháp của Nhà nước.

Vậy thì câu hỏi trên không thể bị bỏ lửng cũng như câu trả lời không nên từ thị trường ngoại hối tự do.

Hoàng Ngọc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Là hệ quả khó biện giải (12/12/2010)

>   Các tập đoàn Thái Lan tăng đầu tư vào Việt Nam (12/12/2010)

>   TPHCM đặt chỉ tiêu GDP 2011 tăng 12% (10/12/2010)

>   Chất lượng tăng trưởng dịch vụ cải thiện không đáng kể (10/12/2010)

>   Đăng ký đầu tư ra nước ngoài 7 tỷ USD - Tiềm ẩn nhiều rủi ro (10/12/2010)

>   Năm 2011 sẽ tăng giá điện (09/12/2010)

>   Phía sau con số cam kết ODA năm nay (09/12/2010)

>   6 nước "cạnh tranh" xây nhà máy điện hạt nhân ở VN (09/12/2010)

>   Đầu tư vào khu vực Tây Bắc còn hạn chế (09/12/2010)

>   “2010, một năm khá đặc biệt!” (09/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật