Thứ Bảy, 06/11/2010 10:26

“Tháo ngòi” tỷ giá, giảm áp lực với TTCK

Trong cuộc họp báo khẩn sáng 4/11, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thông báo, giải pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ đang lên cơn sốt được thường trực Chính phủ thống nhất: Không tăng tỷ giá, không ép hạ lãi suất VND, mà điều hành theo cơ chế thị trường.

Thay vì chạy theo thị trường, quan điểm cứng rắn trong điều hành chính sách tiền tệ lần này được kỳ vọng sẽ khắc phục phần nào những méo mó trên thị trường và giải tỏa nhiều nút “cổ chai” đang hiện hữu.

Không tăng tỷ giá, mà bán ra ngoại tệ

Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, căng thẳng trên thị trường vàng, ngoại tệ đã lên mức đỉnh điểm trong khoảng 1 tháng trở lại đây, bằng chứng là chỉ trong nửa đầu tháng 10 đã có 45.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và được nhận định đổ vào ngoại tệ và vàng là chủ yếu.

Tăng tỷ giá, chính sách điều hành sẽ lặp lại kịch bản những lần điều chỉnh trước, gây ra tác động lớn đối với giá cả hàng hóa, nhập khẩu…, tạo ra sức ép với lạm phát và có thể phá vỡ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra, làm mất niềm tin đối với đồng nội tệ, vốn đang “ngược dòng” với xu hướng của các đồng tiền khác so với USD.

Do đó, Chính phủ quyết định từ nay đến cuối năm không điều chỉnh tỷ giá, đồng thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung ứng đầy đủ ngoại tệ cho các nhu cầu cần thiết cho nền kinh tế. Trong tháng 10, NHNN đã bán ra thị trường 200 triệu USD. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, liều lượng này là chưa đủ. “Nhu cầu vốn phục vụ hoạt động kinh tế cần thiết (xăng dầu, phân bón, thiết bị kỹ thuật…, ngân hàng cần đáp ứng ngay, chứ không phải đợi xem xét, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thúy nói.

Trước những lo lắng về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, ông Thuý cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy có giảm so với thời kỳ đỉnh cao (23 tỷ USD công bố trước đây), nhưng lượng còn lại vẫn khá lớn và đủ sức cho NHNN can thiệp vào thị trường. Cùng với quyết định không tăng tỷ giá, Chính phủ chỉ đạo NHNN không thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại, mà để lãi suất diễn biến theo cung cầu thị trường. Biện pháp này nhằm mục đích trả lại mặt bằng lãi suất cho VND, thay vì bị “ép” lép vế trước lãi suất USD.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK, với biện pháp như vậy, lãi suất huy động và cho vay được dự liệu sẽ tăng đến đâu, ông Thuý nhận định, lãi suất có xu hướng tăng lên, song mức huy động có thể chỉ vào khoảng 12 - 13%, cho vay là 13 -15%, không cao hơn nhiều so với hiện nay. Để đạt được điều này, NHNN được yêu cầu sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên thị trường mở, các công cụ như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc…, để ổn định mặt bằng lãi suất.

TTCK giải tỏa áp lực tâm lý

Bài toán tỷ giá đã được giải và theo lời ông Thúy, Chính phủ cũng đã có kịch bản đối phó nếu thị trường ngoại tệ tiếp tục diễn biến căng thẳng. Phân tích mọi yếu tố thì thấy, kinh tế vĩ mô năm 2010 hoàn toàn có khả năng ổn định. Theo tính toán của các bộ, ngành tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 3/11, nhập siêu năm nay khoảng 12 - 12,5 tỷ USD, thấp hơn mức dự kiến 13 - 14 tỷ USD từ đầu năm; cán cân thanh toán năm 2009 thâm hụt xấp xỉ 9 tỷ USD thì năm nay chỉ khoảng 4 tỷ USD; xuất nhập khẩu theo chiều hướng khả quan, CPI cố gắng kiểm soát ở 1 con số…

Chấp nhận để lãi suất tiền đồng tăng đồng nghĩa với xu hướng thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thông điệp của Chính phủ là rất rõ ràng. Tuy nhiên, bằng biện pháp điều hành, liệu mặt bằng lãi suất có được giữ ở mức doanh nghiệp chấp nhận được lại là câu hỏi phụ thuộc động thái của NHNN. Thực tế, căng thẳng tiền tệ như hiện nay bắt nguồn một phần lớn ở phương thức điều hành. Tính đến ngày 14/10, tín dụng bằng đồng USD tăng 52%, trong khi tín dụng bằng VND chỉ tăng 14,6%.

Ông Thúy đề cập đến đề xuất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia với Chính phủ là rà soát lại Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 1913/2010/TT-NHNN để xem liệu có phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam hay không. “Yêu cầu thực thi Basel 3, các nước đều nghiên cứu và triển khai dần để đến năm 2018 mới phải thực hiện đầy đủ. Với Việt Nam, việc ban hành chính sách liệu đã phải đưa ra ngay để đáp ứng vội vã như vậy?”, ông Thúy nói.

Trước những thông tin không mấy tích cực đến từ thị trường ngoại tệ trong những ngày qua, TTCK Việt Nam đã có những điều chỉnh nhất định. Mặc dù vậy, có thể thấy hiện tượng bán tháo đã không xảy ra trên diện rộng trong bối cảnh thanh khoản thị trường liên tục ở mức thấp. Hoạt động bán cắt lỗ của nhà đầu tư trong thời gian qua diễn ra ở mức hết sức hạn chế. Chưa rõ phản ứng của thị trường đối với biện pháp điều hành tỷ giá và lãi suất sẽ ra sao, song nhà đầu tư đã phần nào được giải tỏa áp lực tâm lý. Thông điệp về định hướng điều hành chính sách được đưa ra tương đối rõ ràng, có thời gian cụ thể, vấn đề quan trọng là thực thi. Khi niềm tin dần ổn định trở lại, thị trường có cơ hội khởi sắc hơn, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài hứa hẹn vận động tích cực. Thực tế, tháng 9, NHNN vẫn mua ròng hơn 300 triệu USD, tăng dự trữ ngoại tệ.

Phong Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Những "cảnh báo" không thể bỏ qua trên TTCK (05/11/2010)

>   HNX-Index giảm nhẹ trong tuần, thị trường trái phiếu tích cực (05/11/2010)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng dòng tiền nóng (05/11/2010)

>   TTCK chưa hấp dẫn: Vì đâu? (04/11/2010)

>   Thị trường ngày 05/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/11/2010)

>   Bể kế hoạch (04/11/2010)

>   Vòng lẩn quẩn của thị trường chứng khoán (04/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (04/11/2010)

>   Triển vọng TTCK nhìn từ các chỉ tiêu kinh tế 2011 (04/11/2010)

>   TTCK: Những ngày dài trước mắt (04/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật