NHNN Việt Nam: Đảm bảo ổn định giá vàng, lãi suất cho vay
° TPHCM kiến nghị bãi bỏ hạn ngạch nhập vàng
Ngày 19-11, tại TPHCM, ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp (DN) TPHCM để bàn về những giải pháp ổn định giá vàng, giá ngoại tệ và lãi suất cho vay phục vụ sản xuất hàng hóa cung ứng cho Tết Nguyên đán sắp tới.
Những trăn trở của doanh nghiệp
Cuộc họp được bắt đầu với nhiều băn khoăn, trăn trở của các ngân hàng và các DN. Có hai ngân hàng cho biết, thời gian qua, khi giá vàng tăng mạnh, khách hàng của họ đã rút hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng để mua vàng, làm cho hoạt động của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) - một trong những đơn vị kinh doanh vàng chuyên nghiệp và có uy tín cho biết, công ty chỉ được nhập một lượng vàng không lớn để bình ổn thị trường. Trong khi đó, có không ít DN không có tên tuổi trong hoạt động kinh doanh vàng lại được nhập vàng về với số lượng lớn hơn. Các đơn vị này, sau đó lại đưa vàng đến SJC để gia công lại trước khi bán ra thị trường (?).
|
Mua bán tại một cửa hàng vàng trên đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM. |
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, bức xúc: Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay quá cao, ước khoảng 18%-20%/năm, làm cho nhiều DN lâm vào cảnh khó khăn về vốn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Theo ông Huỳnh Văn Minh, NHNN và lãnh đạo UBND TPHCM cần có cơ chế chính sách cân đối vốn cho các DN nhỏ và vừa theo hướng cho áp dụng lại lãi suất vay bằng lãi suất vay trước đây (trước khi có biến động giá), nhất là đối với các DN sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và DN có hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân.
Một số DN sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ bị tác động mạnh do tăng tỷ giá như: sắt thép xây dựng, dệt may, da giày, dây cáp điện, nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, phân bón… Trong đó, đối với ngành sản xuất có vật liệu nhập khẩu chiếm 80% giá thành sản xuất thì khi có biến động tăng về tỷ giá khoảng 6%, chi phí sản xuất sẽ tăng 4%-5%. Nếu tỷ giá vẫn không có sự điều chỉnh giảm thì đến tháng 12-2010 và tháng 1-2011 (tháng Tết Tân Mão), DN sẽ gặp khó khăn hơn nữa do áp lực nhập khẩu nguyên vật liệu, thanh toán các hợp đồng mới.
Kiến nghị tiến tới bỏ hạn ngạch nhập vàng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, TPHCM đã cố gắng bình ổn giá cho 8 mặt hàng thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của người dân nhưng do lãi suất vay của các DN tăng nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy, khi TPHCM kềm giá thấp để bình ổn thị trường thì theo quy luật thị trường, không ít người dân và DN ở các địa phương khác đổ về TPHCM mua hàng, làm cho việc bình ổn thị trường của thành phố đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Ngoài các vấn đề nêu trên, UBND TPHCM còn kiến nghị: Do thị trường vàng và ngoại tệ khá nhạy cảm, có tác động mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người dân, đề nghị NHNN chủ động thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của ngành để tránh thông tin sai lệch.
Đồng thời, đề nghị NHNN tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các NHTM nhằm hạn chế tình trạng thiếu minh bạch trong việc cung ứng nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Về việc ổn định thị trường tiền tệ và giá vàng, UBND TPHCM kiến nghị: NHNN có giải pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ thông qua nhiều hình thức như bán, hoán đổi ngoại tệ… nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu của các DN trong hai tháng cuối năm. Chưa kể, do giá vàng trong nước và thế giới luôn có sự biến động, dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa trong nước và thế giới, làm xuất hiện tình trạng vàng nhập lậu, xuất lậu qua biên giới. Nếu kéo dài tình trạng này, nhà nước vừa thất thu thuế vừa không quản lý được giá.
Chính vì vậy, TPHCM đề nghị NHNN nghiên cứu và tiến tới bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu vàng. Nếu chưa bãi bỏ được ngay thì nên nới lỏng việc cấp quota nhập khẩu đối với DN có uy tín, có chức năng kinh doanh vàng để các DN được chủ động kinh doanh xuất - nhập khẩu vàng. Trước mắt, đối với các DN đã được cấp phép nhập khẩu vàng, đề nghị bãi bỏ quy định về cấp hạn mức sản xuất vàng miếng để đảm bảo việc cung ứng vàng trên thị trường. Cho phép xuất khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế vì hiện nay nhà nước chỉ cho phép xuất khẩu vàng nữ trang (có thuế suất 0%), nhưng thực tế khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, DN gom vàng 999,9 để chế tác thành vàng nữ trang rồi xuất khẩu. Việc ấn định mức thuế suất cũng cần cân nhắc để đảm bảo nhà nước không thất thu thuế, nhưng cũng không gây khó khăn cho các DN kinh doanh vàng.
Xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm
Trả lời các bức xúc của DN, ông Trần Minh Tuấn cam kết, dứt khoát sẽ can thiệp kịp thời để bình ổn giá vàng. Đối với đề nghị của TPHCM về tiến tới bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu vàng, ông Trần Minh Tuấn cho biết sẽ nghiên cứu thêm vì điều này ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của nền kinh tế. Về lãi suất cho vay đối với các DN, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, năm 2008 lạm phát 18%-19% lãi suất cho vay khoảng 20%/năm. Năm nay, dự kiến lạm phát dưới 10% thì không có lý do gì lãi suất cho vay 18%-20%/năm. Nếu ngân hàng nào có hành vi đưa tiền cho các DN “sân sau” của mình, gửi tiền ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch sẽ bị xử lý nghiêm. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Trần Minh Tuấn nói. NHNN sẽ xem xét cụ thể vấn đề này để có hướng xử lý cũng như sắp tới sẽ kiểm soát chặt chẽ việc mua bán ngoại tệ. Chỉ ưu tiên bán ngoại tệ cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, theo đề xuất của các địa phương và các hiệp hội
Nguyễn Khoa
Giá vàng sáng tăng chiều giảm, nhưng vẫn cao
Chiều 19-11, giá vàng miếng SJC chốt ở mức 35,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 440.000 so với đầu ngày, nhưng vẫn tăng 400.000 đồng/lượng so với mức giá chiều ngày 18-11.
Trước đó, vào lúc 10 giờ, cùng với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại mức 36 triệu đồng/lượng lên 36,19 triệu đồng/lượng, tuy nhiên về cuối ngày giá giảm trở lại. Thị trường vàng và USD tuần này khá bình ổn.
Các chính sách ổn định thị trường như bán USD hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu và tiếp tục cấp quota nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp đã giúp cho giá vàng trong nước ổn định trở lại và theo sát với giá vàng thế giới. Giá USD trên thị trường tự do cùng ngày xoay quanh mốc 21.000 đồng (mua vào) và 21.150 đồng/USD (bán ra), giảm 50 đồng/USD so với phiên trước.
L. M. Thi |
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|