Lo âu đường đi của giá
Ba tháng nay, giá cả thị trường có chiều hướng tăng cao mà biểu hiện là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tiếp trên 1%/tháng. Chỉ sau ít ngày VnEconomy đăng tải khảo sát trực tuyến về ảnh hưởng của việc tăng giá đến đời sống hàng ngày, luôn có trên 50% bạn đọc cho biết “Đang thực sự gặp khó khăn”.
Không còn là mơ hồ, doanh nghiệp và người dân đang cảm nhận “sức nóng” của giá cả hàng ngày. Vậy nên hiểu về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp đối với vấn đề giá cả tăng cao như thế nào?
Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cơ quan quản lý về vấn đề này.
Lãi suất là biểu hiện của lạm phát
(Ông Cao Sỹ Kiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam)
|
Ông Cao Sỹ Kiêm |
"Lý do dẫn đến lạm phát cao thì có mấy vấn đề. Một là do chúng ta là nền kinh tế mở, khi thị trường nước ngoài tăng thì mình cũng tăng. Thứ hai, chúng ta có một số điều chỉnh tăng lên làm cho giá cả năm nay tăng, như điện, xăng dầu, than, nước, vừa rồi là tỷ giá.
Thứ ba là thiên tai dịch bệnh dồn dập làm cho khan hiếm lương thực, thực phẩm, kể cả thực chất và tâm lý, đẩy giá cả tăng cao. Mà với chúng ta, giá lương thực, thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa, nên kích giá cả lên rất nhanh.
Thứ tư, chúng ta đang khôi phục kinh tế, cần đầu tư, từ đầu tư thì tăng việc làm, tăng sức mua lên, thì nó cũng tăng giá cả lên. Thứ năm là quản lý giá cả, thị trường tuy có nhiều giải pháp nhưng thực hiện chưa tốt nên có một số giá không phải do cung - cầu thị trường, mà do tâm lý.
Ví dụ ở các chợ đầu mối, giá rẻ nhưng ra chợ bán lẻ, tâm lý, họ chỉ để ít hàng thôi, tạo sự khan hiếm giả tạo, từng khu vực, bộ phận một, có khi mớ rau muốn 3 đồng lên 7 đồng, họ cứ đồn chuyện bão lũ không có hàng. Thực tế ở ngay Tp.HCM chợ đầu mối và chợ bán lẻ đã chênh lệch nhau.
Và gần đây là việc lãi suất tăng cao, lập tức tác động vào chi phí, vào giá thành ngay, các mặt hàng lại kích giá lên.
Tất cả cái này làm giá tăng lên. Tất cả các chính sách, cả khách quan và chủ quan, kể cả chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, rồi tâm lý… tạo nên áp lực lạm phát. Một nửa nguyên nhân là tâm lý, là cách quản lý giá, điều hành của chúng ta.
Lạm phát cao thì lãi suất cao, vì lãi suất là biểu hiện của lạm phát. Lãi suất cao dứt khoát làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn. Một là lãi ít, hai là chi phí tăng, giá cả tăng thì tồn kho tăng lên.
Những doanh nghiệp yếu thế sẽ bị đình đốn sản xuất, công nhân mất việc làm, thu nhập, sức mua kém, đó là điều hiển nhiên. Với người làm công ăn lương, lương chưa tăng giá đã tăng, tăng theo làn sóng thế này ảnh hưởng ngay tới đời sống người ăn lương, người hưởng phúc lợi…".
Chính sách lớn phải ở tầm trung ương
Ông Công Xuân Mùi, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội
"Về vấn đề kiềm chế tăng giá, lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm. Hiện lãnh đạo thành phố đã làm việc với các cơ quan chức năng, Sở Công Thương được thành phố giao nhiệm vụ tăng điểm bán hàng bình ổn giá. Hà Nội cũng đã dành 300-400 tỷ đồng để thực hiện chương trình này.
Bình ổn là có hiệu quả nhưng để cho hiệu quả toàn thị trường thì còn hạn chế. Cứ tưởng tượng là tổng mức bán lẻ của Hà Nội tháng 11 gần 20 nghìn tỷ đồng, thì vài trăm tỷ đồng (hỗ trợ của thành phố cho năm 2010 là 400 tỷ đồng - PV) về mặt tỷ trọng là thấp hơn nhiều, để làm thay đổi thì làm sao có thay đổi quá lớn được.
Cũng như Tp.HCM, tổng mức bán lẻ có thể gấp hai lần Hà Nội, chi 400-500 tỷ đồng để bình ổn thì cũng chỉ làm lợi cho nhân dân một phần thôi, và tạo chính sách chung với thị trường. Nếu nói lấy cái đó để kìm tối đa giá thị trường thì chắc là khó.
Giá lên hay xuống thì liên quan đến rất nhiều thứ, một là chịu ảnh hưởng của giá quốc tế, hai là chính sách từ trung ương đến địa phương… Nhưng có những vấn đề chính sách lớn phải ở tầm trung ương".
Không kiềm chế lạm phát, tăng lương không nhiều ý nghĩa
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
|
Ông Phạm Minh Huân |
"Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, chắc chắn đời sống của người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lương đuổi kịp giá, không đủ để trang trải chi tiêu hàng ngày.
Theo lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu năm 2011 tới đã được phê duyệt, cụ thể, lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước vùng 1 là 1.350.000 đồng/tháng, cao hơn mức hiện tại là 370.000 đồng, vùng 2 là 1.200.000 đồng, tăng 320.000 đồng so với mức cũ.
Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức tăng lương tối thiểu lần lượt là 1.550.000 đồng/tháng đối với vùng 1, 1.350.000 đồng vùng 2, vùng 3 là 1.170.000 đồng và vùng 4 là 1.100.000 đồng. Như vậy, lương tối thiểu nhiều vùng đã được điều chỉnh tăng đến hơn 30%.
Mặc dù vậy, nếu so với giá cả và mức chi tiêu hiện tại, mức tăng lương đó khó có thể bù đắp được, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Vì thế, nói tăng lương để tăng mức sống trong khi lạm phát tăng cao là không thực tế.
Cuộc sống người lao động có bớt khó khăn hay không chủ yếu phụ thuộc vào các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nếu không có giải pháp kiềm chế lạm phát thì tăng lương sẽ không có nhiều ý nghĩa, khi nó vẫn không thể đảm bảo mức sống tối thiểu chứ chưa nói đến chuyện tăng mức sống cho người lao động.
Ngoài ra, việc điều chỉnh lương tối thiểu phải có lộ trình và phụ thuộc vào ngân sách của nhà nước và doanh nghiệp, khó có ngoại lệ. Thực tế, tại các cuộc đối thoại ba bên xung quanh vấn đề lương tối thiểu thì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều cho rằng, tiền lương, tiền công cho người lao động ở Việt Nam tăng quá nhanh. Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra cho một lao động gia công như dệt may, da giầy ở Việt Nam đã bằng và cao hơn Indonesia, thị trường được đánh giá có chất lượng lao động rất tốt".
Anh Quân - Vũ Quỳnh
TBKTVN
|