Cần giải pháp chống lạm phát
Đó là ý kiến của ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
. Phóng viên: Ông nhìn nhận ra sao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đầu năm lên tới 9,58%, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội đặt ra?
- Ông Lê Quốc Dung:
Có nhiều nguyên nhân tác động đến giá cả. Cụ thể: Đồng VN bị hai lần mất giá so với mặt bằng giá cả thế giới vì trong khi mặt bằng giá thế giới giảm do suy thoái thì giá trong nước vẫn tăng bởi “neo đậu” vào đồng USD.
Giá vàng và một số đầu vào thiết yếu như xăng dầu cũng tăng mạnh, tác động giá cả trong nước. Các yếu tố mùa vụ như nhu cầu xây dựng, mua sắm tăng cao dịp cuối năm... cũng đẩy giá lên.
. Còn những nguyên nhân chủ quan thì sao, thưa ông?
- Chúng ta quản lý tiền tệ chưa tốt; chi ngân sách, giải ngân thường dồn vào cuối năm... Quan trọng không kém là quản lý dòng tiền. Giá cả tăng cao nên dân gửi tiền vào ngân hàng ít.
Ngân hàng muốn thu hút tiền thì phải đẩy lãi suất lên, lãi suất huy động hiện đã trên 13% nên lãi suất cho vay đã lên tới 15%-19%. Lãi suất cao như vậy thì giá sản phẩm đầu ra chắc chắn bị đội lên theo. Ngoài ra, các yếu tố về đầu cơ, găm giữ hàng... cũng tác động không nhỏ tới lạm phát.
Giảm đầu tư công
Theo ông Lê Quốc Dung, phải xây dựng một kế hoạch gắn cả trung hạn với ngắn hạn thì mới thực hiện được mục tiêu giữ chỉ số tăng giá năm tới không quá 7%. Ông Dung cho rằng cần tiếp tục cắt giảm những chi phí, đầu tư chưa hợp lý và giảm mạnh đầu tư công từ ngân sách. Trên cơ sở đó, tăng cường sản xuất xuất khẩu; giảm nhập khẩu bất hợp lý; tăng nguồn thu, dự trữ. Đồng thời, phải triển khai những biện pháp lâu dài là cấu trúc lại nền kinh tế một cách bền vững. |
. Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành của Chính phủ khi để lạm phát nước ta cao hơn khá nhiều so với khu vực?
- Chính phủ mới kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp ngắn hạn và tức thời. Những giải pháp cơ bản, lâu dài thì vừa chưa làm ngay lại chưa làm một cách tích cực nên chưa tạo ra tác động cộng hưởng để kiềm chế lạm phát một cách căn cơ.
. Giá cả tăng sau quyết định tăng giá xăng dầu vào đầu năm nay cũng như diễn biến bất thường trên thị trường vàng và ngoại tệ mới đây... cho thấy công tác quản lý, điều hành có vấn đề?
- Cái gốc của vấn đề là do nguồn dự trữ của ta từ xăng dầu cho tới vàng và ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ không dồi dào, dòng tiền vào ngân hàng lại ít nên Chính phủ không thể chủ động tung dự trữ để ổn định thị trường và tâm lý xã hội mà chỉ có những giải pháp tình thế. Đây là cái khó song cũng xuất phát từ nền tảng tổ chức nền kinh tế của chúng ta chưa bền vững.
. Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý, điều hành của hai bộ Tài chính và Công Thương trong vấn đề giá cả?
- Không chỉ riêng hai bộ này mà phải xuất phát từ điều hành, chỉ đạo chung của Chính phủ. Thời gian qua chúng ta làm chưa tốt một số vấn đề như quản lý về ngân sách; hệ thống phân phối, điều tiết hàng hóa; kiểm soát giá...
Hà Thành thực hiện
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|