Lạm phát cao sẽ tạo áp lực lớn trong điều hành kinh tế
|
Ông Cao Sỹ Kiêm |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ban Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, đáng lo nhất là hệ quả để lại cho năm sau, nếu lạm phát năm nay ở mức cao.
Thưa ông, Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 tăng 1,86% so với tháng trước. Ông có bất ngờ trước con số này?
Không bất ngờ. Những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát của chúng ta, nếu đồng bộ và thực thi quyết liệt, thì có thể chặn đà tăng giá, nếu không, nó có thể còn tăng.
Với mức tăng CPI tháng 11 lên tới 9,58% so với tháng 12 năm trước thì sao, thưa ông?
Thực ra, lạm phát ở mức một hay hai con số thì cách nhau cũng sẽ không nhiều. Nhưng vấn đề là, lạm phát cao sẽ tạo tâm lý xã hội, cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này cũng tạo áp lực lớn trong điều hành kinh tế trong những tháng đầu năm 2011. Hậu quả để lại cho năm 2011 mới là điều đáng lo nhất, còn hiện thời, có thể nói, mọi chuyện đã an bài.
Lạm phát năm nay dù ở mức dưới 10% hay hơn thì tăng trưởng GDP vẫn là 6,5-6,7%; chính sách tiền tệ có điều chỉnh thế nào, thì dư nợ tín dụng vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 25%...
Theo ông, đâu là lý do cơ bản nhất khiến lạm phát năm nay diễn biến như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, cả bên ngoài lẫn bên trong, vừa do chúng ta nhập khẩu lạm phát và do chủ động điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng.
Các nguyên nhân như tăng đầu tư, thiên tai, dịch bệnh, khiến giá lương thực, thực phẩm tăng... cũng tác động đến lạm phát. Nhưng còn một yếu tố khác tôi muốn nhắc tới, đó là việc quản lý giá cả, thị trường, tuy có nhiều giải pháp, nhưng thực hiện chưa tốt, nên có một số mặt hàng tăng giá không phải do cung - cầu thị trường, mà do tâm lý. Ví dụ, chuyện giá vàng, USD tăng vọt là do tâm lý, do đầu cơ, buôn lậu, găm giữ.
Việc mới đây chúng ta thực hiện tự do lãi suất cũng đã đẩy lãi suất lên cao, lập tức tác động đến chi phí, giá thành, và qua đó lại “kích” giá lên. Chuyện điều chỉnh tỷ giá cũng có tác động đến lạm phát.
Thực ra, ngay từ đầu năm, các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, lạm phát năm nay ở mức nào chủ yếu là do công tác điều hành. Theo ông, Chính phủ đã điều hành như thế nào?
Phải nói rằng, điều hành của Chính phủ tương đối tốt, chính sách ra kịp thời, toàn diện, sát thực tế. Tuy nhiên, việc thực hiện, triển khai, cụ thể hóa chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng.
Giả dụ nói can thiệp ngoại tệ, thì phải nói rõ can thiệp vào đâu, chỗ nào, bao nhiêu. Nhập vàng thì ai nhập, số lượng bao nhiêu, thời gian nào? Chúng ta nói ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại cho lãi suất tăng lên, mà kèm theo đó không có giải pháp cụ thể, nên ngay sau khi tự do hóa lãi suất, lãi suất đã lên tới 15-17%, vay tiêu dùng lên tới 20%...
Có ý kiến cho rằng, các giải pháp điều hành của chúng ta phần nhiều mang tính ngắn hạn. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Trong 3 năm qua, chúng ta thành công rất lớn ở các giải pháp tình thế, để chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế..., nhưng giải pháp dài hạn, nhằm ổn định vĩ mô, lâu dài thì chưa thành công. Chẳng hạn, vấn đề cơ cấu, cấu trúc lại doanh nghiệp, cải cách thể chế, nhập siêu, bội chi ngân sách...
Thông thường, lạm phát cao ắt sẽ dẫn tới việc có sự điều chỉnh nào đó đối với chính sách tiền tệ. Theo ông, thời gian tới, chính sách này sẽ được điều chỉnh như thế nào? Nếu cứ tiếp tục tăng lãi suất, thì có ảnh hưởng đến lạm phát?
Từ nay tới cuối năm, sẽ không có sự xáo trộn về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, gần đây có khuynh hướng đề nghị tiếp tục tăng lãi suất. Nhưng điều này là không đơn giản, thời gian rất gấp rồi, nếu không cẩn trọng sẽ đẩy từ cái sai này sang cái sai khác. Chúng ta có ý đồ lấy lãi suất tự do thị trường để ép lãi suất xuống, nhưng thực tế thì lại không làm được điều đó.
Tăng lãi suất ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp là một chuyện, nhưng điều đáng lo là tạo ra tâm lý là đồng tiền mất giá nhanh, dẫn tới đầu cơ, tích trữ... Vì thế, đây là biện pháp cần tính toán cẩn trọng.
Nguyên Đức
đầu tư
|