Khi Thủ tướng bị hỏi khó
Lần lượt giải đáp từng nhóm vấn đề, không né tránh, Thủ tướng từ chối việc được chủ tọa mời ngồi xuống trả lời và cứ thế đứng trên bục đến hết buổi.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Trong hơn tiếng rưỡi đồng hồ đăng đàn trước Quốc hội sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối mặt với những câu chất vấn trực diện nhất.
Người "nổ" phát pháo đầu tiên làm nóng nghị trường là nữ doanh nhân Phạm Thị Loan (Hà Nội) với câu hỏi sòng phẳng về khả năng tự trả nợ của Vinashin. Bà đưa ra tính toán chi li số tiền phải trả lãi hàng năm, nguy cơ gấp đôi số nợ, đồng thời không ngại hỏi Thủ tướng vì sao phân nửa số đại biểu không tán thành mà Chính phủ vẫn cấp vốn cho Tập đoàn Dầu khí.
Những vấn đề nhạy cảm nhất được đặt thẳng lên bàn chất vấn, bằng những câu hỏi tâm huyết, không còn thuần tuý là những chất vấn sáo mòn, đơn điệu.
Đỉnh điểm chất vấn Thủ tướng "xoáy" nhiều nhất vào Vinashin. Ai dõi theo hai ngày rưỡi chất vấn vừa qua sẽ thấy nóng nhất chuyện trách nhiệm cá nhân. "Quả bóng" đã được chuyền hết từ Bộ Tài chính sang Bộ Giao thông, đến Phó Thủ tướng thường trực.
Có người bị hỏi về nợ nần thì nói nước đôi "chúng tôi không nói là không mất nhưng không phải mất hết". Có người trả lời kiểu không khẳng định cũng chẳng phủ nhận "số nợ không có nghĩa là số lỗ".
Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc thì khiến hội trường cười ồ xôn xao khi ví von các vị bộ trưởng chẳng qua chỉ là "đười ươi giữ ống" và rằng ông không có bất kỳ trách nhiệm gì ở đây.
Đến cả Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, kiêm trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, người được mời nói cuối cùng sau các bộ trưởng cũng cho rằng việc tái cơ cấu Vinashin thành hay bại còn do "thiên thời và nhân hòa".
Dù đại biểu hỏi cụ thể về khả năng tự trả nợ, hay trách nhiệm riêng của bộ ngành mình, thì sự đồng thuận của các bộ trưởng thể hiện trong mỗi câu trả lời vẫn luôn là, các khoản nợ hiện nằm rải rác trong các dự án và trách nhiệm thì "phải đợi cơ quan chức năng".
Đáng ngạc nhiên là các bộ trưởng đều biết rõ, ngay phiên họp Chính phủ đầu tháng, Thủ tướng đã yêu cầu từng bộ tự xác định trách nhiệm và kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc này phải xong sớm trước Hội nghị Trung ương 14 (giữa tháng 12). Nhưng khi dân muốn biết từng bộ liên đới bao nhiêu phần trăm trách nhiệm, câu trả lời lại luôn ở thì tiếp diễn - "đang".
Hóa ra, bí quyết mà Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản trót "lỡ lời" tiết lộ mới đây về "chiêu" ứng phó chất vấn không chỉ diễn ra ở xứ Phù Tang. Bởi, giống như các trưởng ngành ở xứ ta, câu cửa miệng mà vị Bộ trưởng này luôn dễ dàng vượt vũ môn các cửa ải chất vấn là: "Chúng tôi đang giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp và bằng chứng”.
Rõ ràng, quả bóng trách nhiệm Vinashin chuyền suốt mấy ngày nay vẫn lơ lửng, thậm chí ngày càng bị đá xa hơn. Gánh nặng dồn lên vai Thủ tướng.
ĐBQH bước vào phiên chất vấn Thủ tướng sáng nay với nỗi ấm ức rằng không hiểu cuối cùng trách nhiệm gây ra khoản nợ khổng lồ thuộc về ai, ngoài các lãnh đạo Vinashin đã bị bắt để điều tra?
Nhiều cử tri lo lắng, có thể những đại biểu đang kiên trì bám đuổi vụ việc sẽ không kịp bấm nút để hỏi.
Hoặc, quá mệt mỏi vì quả bóng trách nhiệm đá qua đá lại mấy hôm nay, đại biểu sẽ dễ dàng bỏ qua vòng sát hạch với Thủ tướng vì e ngại phải nghe tiếp những lời vòng vo tương tự.
Khác với thông lệ, đại biểu đã dành những câu hỏi hóc búa nhất, "xương" nhất và "xoáy" nhất cho Thủ tướng. Hiếm phiên chất vấn nào mọi chuyện được hỏi thẳng thắn đến thế. Và người được hỏi, nếu không bản lĩnh, thiếu cầu thị, rất dễ khiến không khí chất vấn bị "căng".
Thoáng chút ngập ngừng, rồi đằng hắng giọng, sau đó tăng tốc dần, Thủ tướng lần lượt giải đáp từng nhóm vấn đề, không né tránh. Người đứng đầu Chính phủ cũng từ chối việc được chủ tọa mời ngồi xuống trả lời và cứ thế đứng trên bục đến hết buổi.
Hỏi về trách nhiệm, ông nói, "là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Xin báo cáo việc kiểm điểm sẽ không làm qua loa mà làm nghiêm túc, đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, tôi khẳng định điều đó... Kết luận kiểm điểm sẽ được công khai". Thủ tướng cũng cho hay không phải ông không kỷ luật ai. Việc kỉ luật cũng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc.
Hỏi ai chỉ đạo đăng bài trên website Chính phủ chụp mũ đại biểu, Thủ tướng không ngần ngại khẳng định, ông không trực tiếp quản lý tờ báo nào. Như mọi tờ báo khác, nếu website Chính phủ đăng tải sai pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình.
Khác với phiên chất vấn Thủ tướng ở kỳ họp thứ sáu, lần này, hầu như không ai bấm nút hỏi lại.
Trao đổi với báo chí ở hành lang, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói "rất khó để hỏi thêm Thủ tướng". Ông Thuyết cũng cho hay sẽ đợi kết quả công khai sau khi Chính phủ tổ chức kiểm điểm trước Ủy ban kiểm tra Trung Ương.
Thủ tướng đã trả lời không né tránh từng câu hỏi "hóc", không dùng "chiêu" ghép các câu hỏi vào trả lời một lúc kiểu đọc báo cáo. Người đứng đầu Chính phủ cũng thể hiện thái độ cầu thị khi liên tục nói, việc tái cơ cấu Vinashin chỉ thực hiện tốt khi có sự giám sát của QH và đồng thuận của nhân dân. Thủ tướng cũng chủ động khẳng định những việc đang làm để bảo đảm an toàn cho hồ chứa bùn đỏ bôxit, không cần đợi đại biểu hỏi.
ĐB Vũ Hoàng Hà cũng cho rằng, "trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm về phần mình, thì không thành viên Chính phủ nào nhận thiếu sót, toàn trả lời "vô can".
Thành viên Chính phủ điều trần trước QH là chuyện bình thường ở nhiều nước. Nhưng ở xứ ta, trường hợp Thủ tướng đăng đàn truyền hình trực tiếp để đối mặt với những câu hỏi hóc búa không phải lúc nào cũng xảy ra.
Đối thoại thẳng thắn như phiên chất vấn Thủ tướng, chính vì vậy, có thể coi như bước tiến đáng kể tạo không khí dân chủ trong Quốc hội.
Lê Nhung
VIETNAMNET
|