CPI khó đạt mục tiêu dưới một con số
Theo công bố của tổng cục Thống kê, tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm 1,86% – mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 15 năm qua, nâng chỉ số CPI cả năm lên đến mức 9,58%.
|
Chỉ số giá tháng 11.2010 so với tháng 11.2009 |
Mức gia tăng quá cao này tất nhiên là một thất vọng lớn cho các nhà điều hành bởi, theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ số CPI cả năm 2010 không được quá 7%. Nhưng sau đó, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh mục tiêu: CPI không quá 8% và gần đây nhất, là mục tiêu mới: CPI cả năm dưới một con số. Nhưng cả mục tiêu thay đổi đã không đạt được và mục tiêu gần nhất của Chính phủ cũng khó có thể đạt được vì chỉ còn một tháng nữa nhưng tháng 12, như quy luật mọi năm, là tháng có chỉ số CPI cao. Điều này ai cũng hiểu vì đó là tháng tết dương lịch và là tháng gần tết âm lịch, do nhu cầu, mức độ tiêu thụ hàng hoá lớn nên chỉ số CPI của tháng này bao giờ cũng cao hơn nhiều mức tăng giá trung bình của các tháng trong năm.
Nhìn vào các bảng tổng hợp cung cầu hàng hoá, dịch vụ các tháng cuối năm do các cơ quan tổng hợp, phân tích giá cả hàng hoá của các bộ: Tài chính, Công thương đã cho thấy khả năng CPI tháng 12 tăng cao, đưa chỉ số CPI năm nay lên hai con số là rất có cơ sở. Bởi có khá nhiều loại hàng hoá thiết yếu vẫn đang trong chiều hướng tăng giá.
Về nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đáng nói nhất là giá gạo, theo trung tâm Thông tin, công nghiệp và thương mại (bộ Công thương), viện Nghiên cứu thương mại, tại miền Bắc, do sản lượng gạo giảm do hạn hán và nạn rầy nâu đẩy giá gạo tháng 11.2010 tăng. Trong khi đó sản lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long tăng nhưng giá gạo vẫn tăng do giá gạo xuất khẩu tăng. Do đó, cho dù trong các tháng tới, nguồn cung lúa gạo trong nước vẫn ổn định đủ đáp ứng nhu cầu. Nhưng giá lúa gạo trong nước sẽ duy trì ở mức cao do giá gạo xuất khẩu tăng.
Giá thực phẩm tại Hà Nội đang tăng, giá thịt gia súc, gia cầm cũng như giá rau trong tháng 11 tăng trên 5%. Nhưng nhiều mặt hàng rau, củ tăng 15 – 20% so với các trung tâm bán buôn. Tại TP.HCM, giá hàng thực phẩm tháng 11.2010 cũng tăng khá so với tháng trước chủ yếu ở nhóm gia súc tươi sống tăng 1,45%, thịt chế biến tăng 1,24%, trứng các loại tăng 2,55%, dầu ăn các loại tăng 3,41%, thuỷ sản tươi sống tăng 2,73%, thuỷ sản chế biến tăng 1,14%. Sở Công thương hai thành phố này đều có dự báo, giá lương thực, thực phẩm trong các tháng tới sẽ có sự gia tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc sở Công thương Hà Nội, do dịch heo tai xanh liên tục bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, các tỉnh miền Trung bị thiệt hại khá lớn bởi lũ, nguồn giống gia súc, gia cầm trong cả nước đang khan hiếm nên công tác tái đàn đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, sở Công thương Hà Nội nhận định, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao vào cuối năm, lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch thịt heo sang Trung Quốc nên giá thực phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt heo sẽ tăng từ 15 – 20% so với tết năm ngoái.
Trong 11 tháng năm 2010, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 147.428 vụ vi phạm, xử lý 68.334 vụ (trong đó 12.076 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 9.507 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 36.484 vụ kinh doanh trái phép và 10.268 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với tổng số thu trên 200 tỉ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính trên 138,6 tỉ đồng; tiền bán hàng tịch thu 65,32 tỉ đồng và truy thu thuế 4,7 tỉ đồng.
(Nguồn: cục Quản lý thị trường) |
Giá các mặt hàng thuỷ, hải sản đã có thể trông thấy là sẽ tăng cao trong tháng tới do ảnh hưởng các đợt lũ liên tiếp tại miền Trung làm giảm sản lượng nuôi trồng, khai thác. Còn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng khai thác cá nước ngọt lại giảm mạnh vì nguyên nhân không có nước lũ lên đồng.
Một mặt hàng khác cũng có ảnh hưởng đáng kể trên thị trường là giá phân bón cũng được dự báo sẽ còn giữ ở mức cao do giá phân bón trên thị trường thế giới hiện đang tiếp tục tăng cao, cộng với tỷ giá USD/VND ở mức cao đang ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước.
Theo trung tâm Thông tin, công nghiệp và thương mại, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bên ngoài tăng. Tuy trong nước đã có nguồn nguyên liệu dự trữ tương đối dồi dào nhưng xu hướng tăng giá cuối năm là khó tránh khỏi. Đáng chú ý, theo cơ quan này, về mặt hàng dược phẩm, do nhiều nơi bị ngập lụt, dịch bệnh gia tăng, chi phí đầu vào tăng là những nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra để đẩy giá thuốc trong tháng 11 tăng.
Một mặt hàng khác đáng chú ý là đường ăn, theo viện Nghiên cứu thương mại, giá đường tăng cao trong các tháng qua không do cung khan hiếm mà do giá mía nguyên liệu, giá đường thế giới tăng. Hiện các nhà máy đường trong nước đã bắt đầu vụ sản xuất chính và tháng 12 sẽ có thêm 100 ngàn tấn đường tung ra thị trường, cộng thêm lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn khoảng 25.700 tấn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo viện này, đang có hiện tượng các nhà máy theo giá đường thế giới, đặc biệt là giá đường nhập lậu, để định giá bán ra thị trường. Chính vì thế trong thời gian tới, ít nhất từ nay đến tết Nguyên đán, giá đường trong nước sẽ rất khó có khả năng hạ do dự trữ đường quốc tế rất thấp.
Chỉ có một số mặt hàng như thép xây dựng, bột giấy... được cho là giữ ổn định đến hết năm. Nhưng chính với những tính toán về cân đối cung, cầu, xu hướng giá cả, một số cơ quan nghiên cứu, tổng hợp về giá của các bộ đã cho rằng, CPI năm nay khó giữ ở mức một con số. Ví dụ như trung tâm Thông tin, công nghiệp và thương mại của bộ Công thương đã dự báo CPI tháng 12 sẽ tăng khoảng 0,8 – 1% so với tháng 11. Nếu như dự báo (còn khiêm tốn) này là đúng thì năm nay, mục tiêu cuối cùng của Chính phủ về kiềm chế lạm phát cũng không đạt được.
Mạnh Quân
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|