Bài 3: Chi quá tay so với "sức khỏe" nền kinh tế
Trong tổng số GDP của nước, Chính phủ sử dụng một tỷ lệ cao so với nhiều nước. Vậy mà vẫn bội chi Ngân sách vẫn ở mức rất cao so với sức khỏe của nền kinh tế.
Bài 1: Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô"
3. Về việc làm của người lao động
Thời kỳ 2006-2010, số người tham gia lực lượng lao động trong toàn bộ nền kinh tế tăng từ 1,2 đến gần 1,3 triệu người cho mỗi năm; nhưng điều quan ngại ở chỗ: số lao động tăng thêm mỗi năm trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lại giảm dần(1).
Điều đó đồng nghĩa với việc chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang các ngành khác rất chậm, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn ở mức cao trong khi đất canh tác lại bị thu hẹp.
Tỷ lệ người lao động bị thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn ở mức cao (2). Điều bất cập khác trong lao động, việc làm là: hàng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được hút vào lực lượng lao động chưa cao, sinh viên giỏi không thích vào làm việc trong bộ máy nhà nước, số lớn sinh viên không tìm được việc phù hợp ngành nghề đào tạo. Đây là sự lãng phí ghê gớm với một đất nước đang phát triển.
4. Thu nhập và khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư:
Số liệu thống kê cho thấy, bình quân tổng sản phẩm trong nước năm 2010 so với năm 2006 tăng xấp xỉ 2 lần.
Song, tốc độ tăng này không phản ảnh đúng ý nghĩa "tổng sản phẩm trong nước cho đầu người của Việt Nam tăng cao", bởi nó bị yếu tố lạm phát cao chi phối, che lấp mất sự thật.
Khi loại bỏ yếu tố lạm phát thì tốc độ tăng GDP/người năm 2010 so với năm 2006 chỉ được 1,24 lần.
|
Nếu làm tốt việc được giao phó, việc lãnh đạo được hưởng thụ như đi xe sang là xứng đáng. |
So sánh năm 2010 với năm 2006 thì bình quân GDP/người theo USD của nước ta tăng 1,58 lần. Tốc độ tăng này cũng hoàn toàn không thực tế bởi đồng USD trong mấy năm qua đã yếu đi rất nhiều so với các đồng tiền EUR, CAD, AUD, GPB, đồng nhân dân tệ... trong khi đó VND lại còn yếu hơn USD.
Vì lý do trên, Tổ chức Thống kê Liên hợp quốc đã đưa ra một cách tính thu nhập của quốc gia (GNI) bình quân đầu người bằng cách: lấy Tổng GNI (chứ không phải GDP) của mỗi quốc gia quy đổi ra đồng USD (theo tỷ giá chính thức của đồng tiền mỗi nước với USD) và sử dụng một "rổ hàng hóa" chung để loại trừ yếu tố khác biệt về giá hàng hóa, dịch vụ của mỗi quốc gia, sau đó mới chia cho dân số trung bình của nước đó (gọi là tính theo phương pháp sức mua tương đương - PPP).
Chi tiêu quá tay
Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới, tính theo cách trên, thì Việt Nam xếp hạng 143/193 nước, đến năm 2009 xếp thứ 138, tăng thêm được 5 bậc.
Cũng theo cách tính của Thống kê Liên hợp quốc, GNI bình quân đầu người năm 2009 so với năm 2006 của Việt Nam tăng 23%, Trung Quốc tăng 41%, Lào tăng 29%, Indonesia tăng 23%, Philippines tăng 14%, Malaysia tăng 11%.
Tuy nhiên, như trên đã nói trong GNI của Việt Nam còn bao hàm cả kiều hối mà năm 2010 ước chiếm gần 9% của GNI; nếu trừ cả phần kiều hối này thì giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do người Việt Nam ở trong nước tạo ra trong một năm chia cho đầu người còn thấp hơn.
Cần phải nói thêm là: trong tổng số GDP của nước ta thì Chính phủ sử dụng một tỷ lệ cao so với nhiều nước (thông qua việc thu Ngân sách): từ năm 2006 đến 2010 thường xuyên năm nào tỷ lệ thu ngân sách/GDP cũng khoảng 28-29%; vậy mà vẫn bội chi Ngân sách ở mức rất cao so với sức khỏe của nền kinh tế.
Trong tổng GDP hàng năm, khi trừ đi phần Nhà nước thu Ngân sách, trừ phần doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận, thu nhập về nước họ và trừ phần kiều hối thì chỉ còn trên dưới 55% GDP người dân và doanh nghiệp được trực tiếp sử dụng.
Với tỷ lệ thu ngân sách cao như thế thì khó có thể nói là "khoan sức dân". Thu cao nhưng vẫn không đủ chi, ngoài vấn đề tỷ lệ đầu tư quá lớn cho các DNNN mà không đem lại hiệu quả, còn là sự lãng phí lớn trong chi tiêu công của Chính phủ, như xây trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, mua sắm trang thiết bị cho cơ quan và cho cá nhân lãnh đạo quá mức.
Ví dụ: theo quy định hiện hành, lãnh đạo cấp Thứ trưởng trở lên mỗi khi đi công tác địa phương được ngủ ở phòng khách sạn giá 2,5 triệu đồng/một đêm (cao hơn lương tháng của cử nhân mới ra trường), sử dụng ôtô giá khoảng một tỷ đồng để đưa đón từ nhà đến chỗ làm việc và đi công tác gần (xa thì đi máy bay vé thấp nhất là loại C).
Có thể dùng hình ảnh so sánh như thế này: gần 1.000 nông dân (theo cách nói của Cụ Hồ là "ông chủ") hàng ngày mỗi người rong một con trâu ra đồng làm việc, đồng thời còn phải chăn dắt thêm một con trâu nữa để cho một vị lãnh đạo cấp Thứ trưởng trở lên (cũng theo cách nói của Cụ Hồ là "đầy tớ) cưỡi lên gần 1.000 con trâu đó để "đầy tớ" đi từ nhà đến nơi làm việc, thậm chí còn có lúc chở vợ, con đi lễ chùa, đi chơi...
Ở đây, không phải là sự so sánh suy bì mà muốn nói tới vấn đề đạo đức.
Nếu như lãnh đạo làm tốt công việc mà dân nước giao cho, duy trì nền kinh tế luôn ổn định, phát triển thì người dân đâu có tiếc gì cho các vị được hưởng thụ xứng đáng.
Hai câu hỏi cần giải đáp
5. Về tỷ lệ hộ nghèo và khoảng cách giàu nghèo
Nhìn vào con số thống kê tỷ lệ hộ nghèo, dường như mấy năm qua nước ta tiếp tục đạt được thành tích xóa đói giảm nghèo.
Song, đi sâu tìm hiêu thì thấy rằng, số liệu này không phản ảnh thực chất của hiện tượng, bởi từ năm 2006 đến 2009 lạm phát đã tăng 1,6 lần, vậy thì chuẩn nghèo ấy có còn phù hợp cho các năm từ sau khi ban hành hay không, nhất là cho các năm từ 2007 đến nay.
Vì lẽ đó, Chính phủ chuấn bị sửa đổi chuẩn nghèo (dự kiến thu nhập dưới 390.000 đồng/tháng (ở đô thị), dưới 300.000 đồng/tháng (ở nông thôn). Với chuẩn nghèo này, dự kiến năm 2010 nước ta còn khoảng 16-17% hộ nghèo.
Như vậy thì từ năm 2006 đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta đâu có giảm; đấy là chưa nói đến việc chuẩn nghèo dự định ban hành vẫn còn thấp so với mức độ lạm phát (nếu so năm 2010 với năm 2006 thì lạm phát là 1,8 lần, trong khi dự kiến chuẩn nghèo mới so với chuẩn nghèo cũ chỉ tăng 1,5 lần).
Ở đây mới chỉ nói theo chuẩn nghèo của Việt Nam, còn Liên hợp quốc quy định chuẩn nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người một tháng dưới 60 USD, tương đương 1,2 triệu VND.
Khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư cũng đang ngày càng tăng(3).
Tiền lương của công chức Nhà nước, về thực tế có điều chỉnh tăng(4), nhưng lạm phát từ năm 2006 đến 2010 tăng 1,8 lần. Như vậy về mặt danh nghĩa lương tối thiểu có tăng, nhưng trên thực tế lại giảm 9%.
Với những công chức liêm khiết và những công chức không có điều kiện làm thêm thì thử hỏi, làm sao họ có thể sống với kiểu trả lương luôn luôn đuổi theo giá mà không khi nào đuổi kịp? làm sao để họ có thể cống hiến tài năng, sức lực cho xã hội được?
Từ đó, sẽ dễ dàng trả lời cho câu hỏi: Vì sao Nhà nước chưa thu hút được nhân tài vào bộ máy Nhà nước, trừ những nơi có bổng lộc hay có thể tham nhũng (nhưng đâu phải ai cũng vào được); cũng dễ hiểu vì sao mà cải cách nền hành chính gần 20 năm rồi nhưng vẫn chưa có bước tiến triển.
5. Mức độ hưởng thụ các phúc lợi và an sinh xã hội
Phần này, người viết chỉ muốn nói một câu mang tính chất tổng kết dư luận: hoạt động của các ngành này đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Những người có điều kiện thì cho con em đi học, đi chữa bệnh ở nước ngoài hoặc bỏ thêm tiền để chữa bệnh "dịch vụ giá cao", chữa bệnh tại bệnh viện tư của các GS, bác sĩ giỏi.
Còn những người bình thường, người nghèo ngậm ngùi chấp nhận để con em học hành dang dở, chữa bệnh trong các điều kiện thấp, chấp nhận bòn rút từ hạt lúa củ khoai, con gà con lợn, cầm cố nhà cửa lấy tiền mua thuốc để chữa bệnh.
Để kết thúc bài viết, tác giả đặt ra hai câu hỏi:
- Nền kinh tế nước ta những năm qua đã ổn định chưa?
- Để nền kinh tế nước ta ổn định và phát triển, phải làm gì và làm như thế nào?
Câu hỏi thứ nhất, tự mỗi người đọc có thể tìm được câu trả lời thật dễ dàng.
Câu hỏi thứ hai, tác giả mong muốn có người tài hay một nhóm những người tài chỉ cần tổng hợp rất nhiều ý kiến của các bậc trí thức, chuyên gia kỳ cựu thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, cả người Việt trong nước và nước ngoài, các chuyên gia giỏi quốc tế phát biểu một cách chính thức trên báo chí, trong những cuộc hội thảo về cải cách thể chế, về Chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ tới là đủ để tìm ra câu trả lời xác đáng, một đáp án tốt nhất (mà Chính phủ chấp nhận thực hiện) thì nền kinh tế nước ta chắc chắn thoát khỏi "vòng kim cô" để phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, bền vững.
Khuyến nghị
Riêng người viết chỉ dám mạo muội đưa ra một vài ý kiến tổng quan của cá nhân (chưa thật đầy đủ) để trả lời câu hỏi thứ hai:
1.Về dài hạn:
Việt Nam cần phải có một thể chế kinh tế rõ ràng, minh bạch để tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi người dân nhận thấy thể chế ấy là đúng, có sức thuyết phục và nghiêm túc, tự nguyện thực hiện theo.
Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước đưa ra thể chế "kinh tế thị trường có định hướng XHCN". Nhưng phân tích cho cùng đó là "sự kết hợp giữa lửa và nước".
Kinh tế thị trường dựa trên căn bản sở hữu tư nhân để tồn tại và phát triển và phương thức phân phối sản phẩm xã hội là theo năng lực cống hiến của từng cá nhân, kết hợp với việc phát huy hiệu quả sở hữu vốn.
Còn kinh tế XHCN dựa trên căn bản sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể để tồn tại và phát triển (triệt tiêu sở hữu tư nhân) và phương thức phân phối dựa trên cơ sở "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu", hoặc khi ở giai đoạn thấp, Nhà nước là ông chủ đứng ra phân phối cho người lao động, cho toàn dân; tưởng là công bằng nhưng trên thực tế lại nảy sinh bất bình đẳng, suy bì tỵ nạnh trong làm việc và hưởng thụ, không tạo được động lực phát triển kinh tế.
Mặt khác, cũng phải biết rằng thuộc tính của con người về sở hữu tài sản là "cha chung không ai khóc" nhưng của bản thân và gia đình thì họ sử dụng rất hiệu quả, tiết kiệm.
Vì vậy làm sao để vừa "kinh tế thị trường", lại theo "định hướng XHCN" được? Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường, Nhà nước vẫn có sở hữu (thông qua tiền thuế của dân để đầu tư vào những dự án mang lại lợi ích cho toàn dân mà các doanh nghiệp tư nhân không thể đảm nhận; đồng thời Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm trước toàn dân về việc sử dụng có hiệu quả việc sở hữu đó);
Trong nền kinh tế thị trường, về cơ bản Nhà nước rất ít hoạt động kinh tế. Nhà nước chỉ đóng vai trò đảm bảo (bằng Hiến pháp, Luật pháp) để các chủ sở hữu về vốn và tài sản tham gia bình đẳng trong các hoạt động kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền và thực hiện những vấn đề như bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu quả...
2. Trong ngắn hạn:
Mọi chính sách kinh tế - xã hội trong ngắn hạn phải từng bước thể hiện được chiến lược dài hạn, bước sau phải khắc phục những khiếm khuyết của bước trước, để bước sau luôn là sự tiếp tục của bước trước nhằm đạt được mục tiêu dài hạn.
Chính sách kinh tế - xã hội trước khi ban hành cần tham khảo ý kiến các chuyên gia (độc lập) và các tổ chức dân sự.
Trong giải quyết các vấn đề tình thế, phải thông điệp rõ ràng đến toàn dân nói rõ giải quyết vấn đề đó là vì sao, sẽ được và mất gì khi giải quyết các vấn đề ấy.
Quá trình triển khai, nếu có phản ứng của một bộ phận dân cư (đặc biết là giới trí thức) thì Chính phủ cần xem xét lại, cần thiết thì sửa đổi hoặc đình chỉ nếu thấy đúng là chính sách đó không phù hợp; cũng cần có chế tài cụ thể với các cơ quan Nhà nước (chứ không chỉ đối tượng thực hiện), khi tổ chức thực hiện không tốt cũng phải truy cứu trách nhiệm, xét xử theo đúng Luật.
Chú giải: Mọi số liệu sử dụng trong bài viết đều lấy từ nguồn chính thức của Tổng cục Thống kê.
(1) Năm 2006 tăng thêm 763.0000 người, năm 2007 tăng thêm 787.000 người, năm 2008 tăng thêm 684.000 người, năm 2009 tăng thêm 552.000 người và năm 2010 tăng thêm khoảng trên 500.000 người.
(2) Năm 2009: tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,9%, riêng ở thành thị 4,6%, nông thôn 2,25%; tỷ lệ người lao động thiếu việc làm chung của cả nước là 5,61%, riêng ở thành thị 3,33%, nông thôn 6,51%.
(3) So sánh thu nhập của nhóm 20% dân số có thu nhập cao với 20% nhóm dân số có thu nhập thấp năm 2002 là 8 lần, năm 2004 là 8,3 lần, năm 2006 là 8,4 lần, năm 2008 là 9 lần, năm 2010 (chưa có số liệu).
(4) Tháng 10/2006, Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu của công chức nhà nước lên 450.000 đồng, tháng 5/2010 tiền lương tối thiểu của công chức tăng lên 730.000 đồng, nghĩa là tăng 1,62 lần.
Kim Ngọc Cương
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|