Thứ Ba, 23/11/2010 13:52

Bài 2: Việt Nam còn bị động trong tháo gỡ các mâu thuẫn

Nhìn lại kinh tế - xã hội nước ta trong năm năm (2006-2010) thấy rằng, Chính phủ luôn bị động giải quyết các mâu thuẫn trong ngắn hạn, chưa dung hòa được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn nên đã không đạt được các mục tiêu dài hạn, vì vậy chưa thoát ra khỏi "vòng kim cô".

Bài 1: Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô"

Căn cứ vào 5 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu trong thời kỳ 5 năm, có những nhận xét sau:

1.Về tăng trưởng kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao, kể cả trong lúc nhiều nước bị khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng GDP của nước ta vẫn đạt 5,3% (năm 2009); bình quân trong 5 năm (2006-2010), tốc độ tăng GDP đạt 7,5%.

Để có được tốc độ tăng trưởng cao như vậy, vốn đầu tư đã tăng bình quân 15%/năm (tính theo giá so sánh); tỷ lệ vốn đầu tư cả thời kỳ 2006-2010 bình quân mỗi năm chiếm 43%, trong khi thời kỳ 2001-2005 chỉ chiếm 38,5% so với GDP. Hệ số sử dụng vốn đầu tư ngày càng tăng (1), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng GDP ngày càng giảm.

Nếu cứ với cung cách đầu tư như những năm vừa qua thì tốc độ tăng GDP dù vẫn duy trì được ở mức cao, nhưng toàn bộ nền kinh tế sẽ có khả năng rơi vào khủng hoảng.

Nhiều "mánh" gây thiệt hại ngân sách

Vốn đầu tư cho nền kinh tế ở nước ta trong giai đọan vừa qua gồm có hai nguồn:

a/ Nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm:

- Nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): Nguồn vốn này trong những năm qua tăng lên đáng kể, các phương tiện thông tin đại chúng thường sử dụng con số này để nói lên thành tích thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Nó có hai mặt. Mặt tích cực: bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đất nước đang phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tạo cơ hội để các DN trong nước tiếp cận với công nghệ và phương thức làm ăn hiện đại của thế giới, tăng tính cạnh tranh giữa các loại hình DN, thông qua hoạt động của các doanh nghiệp FDI, DN trong nước sẽ trưởng thành nhanh hơn.

Mặt tiêu cực: Trước khi bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam, các DN nước ngoài luôn cân nhắc, chọn lựa những lĩnh vực, những dự án nào mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ. Họ không dại gì đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà đất nước đang cần nhưng lợi nhuận thấp.

Ở đây có thể nhận thấy rằng nguồn vốn FDI được sử dụng có hiệu quả cao. Các dự án nước ngoài cũng tranh thủ khai thác nguồn tài nguyên, dẫn đến hậu quả tài nguyên đất nước sớm bị cạn kiệt.

Mặc dù, nhờ nguồn vốn FDI đã góp phần làm tăng nhanh GDP nhưng phần lợi nhuận họ đem về nước cũng không phải là nhỏ, nên thu nhập của quốc gia (GNI) tăng chậm hơn tốc độ tăng GDP(2). Mặt khác là do có thế mạnh về vốn, công nghệ, nhân lực các doanh nghiệp FDI dễ dàng lấn át, dễ dàng chiếm lĩnh thị phần so với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DN ngoài Nhà nước.

- Nguồn vốn viện trợ ưu đãi (ODA): Ngoài một phần nhỏ là viện trợ nhân đạo cho không, còn chủ yếu là Chính phủ nước ngoài cho Việt Nam vay ưu đãi với lãi suất thấp, có nghĩa nguồn vốn này nước ta vẫn phải trả nợ trong tương lai.

Mang tiếng ODA là nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng hạn chế là Chính phủ phải cam kết đáp ứng một số điều kiện của nước cho vay, mà chúng thường bất lợi cho nước nhận vốn, ví dụ như nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu, sử dụng nhân lực của họ...

Vì vậy, trên thực tế những năm qua nguồn vốn này chưa hẳn lúc nào cũng sử dụng hiệu quả. Mặt khác theo thông lệ quốc tế, nguồn vốn này sẽ bị cắt khi bình quân Tổng sản phẩm trong nước đạt trên 1.000 USD/người năm.

- Nguồn kiều hối: Đây là tiền của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài kiếm được và của Việt kiều gửi về nước. Theo đánh giá, năm 2010, nguồn vốn này chiếm xấp xỉ 9% GNI.

Người dân quản lý và sử dụng số tiền đó tùy theo mục đích của họ, phần lớn để cải thiện cuộc sống của gia đình, phần còn lại dùng mua đất đai, vàng (để bảo toàn giá trị nhưng không tạo ra giá trị tăng thêm - tức GDP cho xã hội), một  tỷ lệ nhỏ còn lại đầu tư vào quá trình sản xuất, kinh doanh, có tạo ra giá trị tăng thêm, đóng góp vào tăng trưởng GDP nhưng không đáng kể.

b/ Nguồn vốn từ nền kinh tế trong nước: bao gồm vốn từ Ngân sách Nhà nước, vốn của các DN, vốn của hộ gia đình. Nhìn chung, đối với khu vực ngoài Nhà nước sử dụng đồng vốn có hiệu quả (kể cả vốn vay tín dụng) vì đấy là tiền của họ, là mồ hôi, nước mắt, là cuộc sống của chính gia đình và bản thân họ.

Riêng đối với khu vực các DNNN, được ưu tiên cấp vốn từ Ngân sách, ưu đãi vay vốn tín dụng nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Có thể kể ra đây hai tiêu cực điển hình trong cung cách sử dụng vốn của các DNNN:

Thứ nhất, sử dụng vốn của Nhà nước để đầu tư chứng khoán (lướt sóng), đầu tư đất đai, bất đồng sản, hoặc cho vay lại, hoặc sử dụng vốn để buôn bán lòng vòng lấy lãi, mua công nghệ, máy móc thiết bị cũ để được "lại quả" lớn...

Những lĩnh vực đầu tư này có thể có lãi rất nhanh, nhưng cũng có khi bị thua lỗ (nhưng quan trọng hơn là kể cả khi có lãi, thì đồng vốn sử dụng vào những đầu tư này không mang lại giá trị tăng thêm cho đất nước - tức GDP).

Thứ hai, với nhiều thế mạnh so với DN ngoài Nhà nước, đặc biệt là về vốn, về  mối quan hệ nên các DNNN thường trúng thầu các dự án của Nhà nước.

Một số DNNN khi trúng thầu đã không thực hiện Dự án mà bán lại cho doanh nghiệp khác (B') để hưởng phần trăm chênh lệch, bên B' do nhận thầu mức thấp hơn từ bên B nên khi thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ, chất lượng và khi đó bên B lại yêu cầu bên A (lấy vốn từ Ngân sách Nhà nước) cấp bổ sung vốn để hoàn thành dự án (các mánh lới làm ăn nói trên đều là biểu hiện trá hình của tham nhũng).

Dễ hiểu vì sao một số "quả đấm thép" có lúc mới chỉ đấm vào "gió" đã vỡ vụn mà không phải vì lý do "vô ý".

Nội lực nền kinh tế quá mỏng?

2. Về lạm phát (3):

Một điều rất lạ, trong những năm vừa qua (đặc biệt ba năm gần đây) nhiều nước trên thế giới đều không lạm phát, thậm chí còn thiểu phát, nhưng Việt Nam luôn lạm phát ở mức cao như năm 2008 và năm 2010. Phải chăng, nội lực của nền kinh tế nước ta còn yếu, giá trị của VND quá mỏng?

Gia nhập WTO là từ sông ra biển lớn, nhưng con tầu kinh tế Việt Nam với động cơ yếu, người cầm lái chưa có kinh nghiệm đi biển lại ra khơi đúng lúc có bão lớn (khủng hoảng kinh tế thế giới khi Việt Nam vừa gia nhập WTO) đã làm cho con tầu bị chao đảo, nghiêng ngả, khi chống được khỏi lật tầu về bên trái thì lại có nguy cơ lật tầu về bên phải?

Nhưng phân tích vĩ mô, ta thấy những nguyên nhân sau đã gây nên lạm phát cao những năm qua ở nước ta:

- Do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, đòi hỏi đầu tư tăng mạnh dẫn đến tăng tín dụng, tăng ngân sách cho đầu tư nhưng đầu tư hiệu quả thấp (đặc biệt là DNNN). Bội chi Ngân sách quá cao, không có biện pháp hãm khẩn cấp.

Từ hai vấn đề trên, dẫn đến nợ công tăng nhanh(4). Từ việc đầu tư tăng mạnh nhưng hiệu quả đầu tư thấp, bội chi Ngân sách lớn, nợ công tăng cao dẫn tới việc cung tiền đưa vào lưu thông cũng tăng, làm mất cân đối tiền - hàng; mặt khác việc sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá để điều hành kinh tế không đồng bộ. Đây là nguyên nhân chính làm lạm phát cao.

- Mất cân đối lớn giữa xuất - nhập khẩu(5). Tuy nhiên, trong vấn đề xuất, nhập khẩu của nước ta không hẳn chỉ thấy con số nhập siêu lớn mà quan trọng hơn cả là phải thấy được chính sách xuất, nhập khẩu đã phù hợp với một đất nước chậm phát triển chưa?

Xuất nhập khẩu đã tận dụng được lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước khác chưa? Việt Nam không thể cứ theo cách "mỳ ăn liền" trong ngoại thương được. Tại sao ta cứ xuất khẩu mãi tài nguyên, hàng nông, lâm, thủy sản sơ chế, hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp; trong khi đó thì lại nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng của Trung Quốc từ cái tăm tre, nhập khẩu vàng khi giá vàng thế giới ở mức cao?

Chính sách ngọai thương như vậy làm cho cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu dai dẳng, thử hỏi bao giờ Việt Nam mới không bị lệ thuộc vào nước ngoài để trở thành đối thủ ngang ngửa trong làm ăn buôn bán với khu vực và thế giới!

Trong đời sống kinh tế, lạm phát luôn luôn có tốc độ tăng cao là điều dễ làm cho người dân khó chịu nhất, bởi kiếm tiền đã khó nhưng chi tiêu như thế nào để vừa duy trì được cuộc sống, vừa để dành một phần phòng chuyện đột xuất hoặc sử dụng cho tương lai; nhưng tiền để dành được của từng năm cứ liên tục bị "đánh cắp" do lạm phát.

Chú giải:

(1) Năm 2001 là 6,8%; năm 2006 là 7,5% và năm 2010 ước tính là 12% (tính theo giá so sánh).

(2) GNI = GDP - Thu nhập của các doanh nghiệp và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam chuyển về nước họ + Thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân người Việt ở nước ngoài chuyển về trong nước, bao gồm cả kiều hối). Theo số liệu thống kê, tỷ lệ GNP/GDP năm 2000 là 98,6% nhưng đến năm 2009 chỉ còn 94,5%, có thể sẽ thấp hơn vào năm 2010 và các năm sau.

(3)Năm 2006 là 7,48%; năm 2007 là 8,30%; năm 2008 là 22,97%; năm 2009 là 6,88% và năm 2010 dự kiến là 9%.

(4) Năm 2009/2008 tăng 9%, năm 2010/2009 tăng 12%; tỷ lệ Nợ công/GDP năm 2010 đã vượt quá 50%, trong đó nợ nước ngoài xấp xỉ 40% so với GDP.

(5) Nhập siêu năm 2006 là 12,7%, năm 2007: 29,4%, năm 2008: 28.7%, năm 2009: 22,5%, năm 2010: 19%.

Kim Ngọc Cương

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Bài 3: Chi quá tay so với "sức khỏe" nền kinh tế (26/11/2010)

>   Lạm phát cao sẽ tạo áp lực lớn trong điều hành kinh tế (26/11/2010)

>   “Bật đèn xanh” cho hai sân bay mới (26/11/2010)

>   Quốc hội yêu cầu nâng cao hiệu quả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (26/11/2010)

>   CPI khó đạt mục tiêu dưới một con số (26/11/2010)

>   Việt Nam và UAE tăng cường hợp tác dầu khí (26/11/2010)

>   Pháp có hơn 300 dự án đầu tư vào Việt Nam (25/11/2010)

>   Mitsubishi Estate đầu tư xây chung cư ở Việt Nam (25/11/2010)

>   Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong khung pháp lý và hạ tầng (25/11/2010)

>   UAE muốn tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam (25/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật