Thứ Hai, 29/11/2010 13:41

Đầu tư ra nước ngoài: Sau những khoản tiền chuyển đi

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu túi nhựa PE từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đã giảm gần một nửa so với năm 2008, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp mức thuế suất thuế chống phá giá tạm thời trên 50% đối với các doanh nghiệp Việt.

Tại Hải Dương, một doanh nghiệp chịu thiệt hại từ mức thuế chống phá giá nói trên đã tính chuyện đầu tư ra nước ngoài. “Sang Lào lúc này là thuận lợi nhất, vì cự ly gần và quan hệ hai nước tốt đẹp. Hơn nữa, với mức thuế suất trên 50% như vậy, đầu tư ra nước ngoài kiểu gì cũng lợi hơn sản xuất trong nước”, vị chủ tịch của doanh nghiệp nọ tính toán.

Năm 2009, Viettel khai trương mạng viễn thông di động Unitel tại Lào và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu.

Ngược dòng với các khoản vốn lớn từ nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam kể từ giai đoạn đất nước mở cửa mạnh mẽ, một lượng ngoại tệ không nhỏ cũng âm thầm từ trong nước chảy ra, đầu tư vào các dự án ở nước ngoài, nơi kinh doanh thuận lợi hơn. Nhưng đằng sau câu chuyện này vẫn có những điểm đáng bàn.

Ngày càng rầm rộ

Trường hợp doanh nghiệp ngành nhựa nói trên chỉ là một ví dụ cho thấy, đầu tư ra nước ngoài đôi khi là giải pháp vẹn toàn trên phương diện mở rộng thị trường kinh doanh, cũng như tối đa hóa lợi nhuận.

Khi nhiều nguồn nguyên, nhiên liệu đang dần cạn kiệt tại Việt Nam, nhiều tập đoàn khai thác khoáng sản lớn đã nhanh chân kiếm tìm những mỏ mới tại nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới.

Một trường hợp điển hình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Tính đến tháng 9/2010, tập đoàn này đã đầu tư, góp vốn vào 25 dự án dầu khí ở 17 nước trên thế giới. Riêng 18 dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện đã có tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt xấp xỉ 900 triệu USD, bằng 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), hiện Tập đoàn có 5 dự án đầu tư tại Lào và Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 25 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 6,6 triệu USD. Tương tự là các lĩnh vực viễn thông, thủy điện, cao su…

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tập đoàn Cao su đã có 16 dự án đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng vốn đăng ký gần 793 triệu USD; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông có 3 dự án đầu tư tại Malaysia, Hồng Kông và Lào trị giá 7 triệu USD; Tập đoàn Viễn thông Quân đội có 5 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 251 triệu USD.

Chưa hết, lĩnh vực thủy điện cũng ghi nhận 3 dự án tại Lào được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 895 triệu USD, vốn thực hiện đạt hơn 75 triệu USD. Dự kiến, đến cuối năm 2011, dự án Xekaman 3 sẽ phát điện tổ máy số 1…

Lịch sử đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận, năm 1989, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đầu tiên được tiến hành với duy nhất một dự án, vốn đăng ký hơn nửa triệu USD, sang Nhật Bản. Sau hơn 10 năm, đến khi nghị định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được chính thức ban hành vào năm 1999, mới chỉ có khoảng 17 dự án được đăng ký với trị giá vốn 13,6 triệu USD.

Tuy nhiên, số dự án và quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài bắt đầu tăng cao trong giai đoạn 2006-2010. Đã có 410 dự án với tổng vốn đăng ký trên 7 tỷ USD được hình thành trong 5 năm gần đây, tăng 3,1 lần về số dự án và 5,3 lần về vốn đầu tư đăng ký so với giai đoạn 1999-2005. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt trên 17 triệu USD mỗi dự án, cao hơn nhiều so với các thời kỳ trước. Riêng tại Lào - quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất - đã có 178 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,2 tỷ USD. Tại Campuchia, đã có 81 dự án do các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký vào khoảng 1,3 tỷ USD…

Tính cho đến tháng 9/2010, các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã giải ngân được số vốn gần 1,8 tỷ USD.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đăng ký vào các lĩnh vực như khai khoáng; nông, lâm nghiệp, thủy sản; nghệ thuật giải trí; sản xuất và phân phối điện, khí, nước, điều hòa; và công nghiệp chế biến chế tạo… Hiện tại, Việt Nam có 40 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; 20 dự án đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản; 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo; 10 dự án trong lĩnh vực lưu trú ăn uống; 6 dự án trong lĩnh vực kho bãi…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một báo cáo gần đây đã đề xuất: “Cần cho phép thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn chiến lược, có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar…, nhằm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các doanh nghiệp đầu tư của Việt Nam tại địa bàn nước sở tại”.

Lo quản dòng vốn

Vào tháng 6 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát đi văn bản yêu cầu chủ đầu tư của 516 dự án đầu tư ra nước ngoài báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động của dự án. Tuy nhiên, chỉ có 300 dự án thực hiện báo cáo, 149 dự án không thấy phản hồi và 69 dự án đã “bốc hơi”, không còn ở địa chỉ cũ.

“Trong khi việc chấp hành chế độ báo cáo của doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc, còn tồn tại nhiều khó khăn trong đánh giá hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo Bộ, các khó khăn trong việc quản lý sử dụng vốn tại nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước một phần do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ, chặt chẽ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, điều này dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, thất thoát nguồn vốn đầu tư của nhà nước.

Một số trường hợp qua kiểm tra đã xác định, dự án thực hiện chuyển vốn ra nước ngoài nhưng sau đó không hoạt động, hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn mà không có báo cáo về việc xử lý vốn đã chuyển, hay báo cáo số vốn còn lại sau khi khấu trừ chi phí.

Điểm lưu ý khác là hiện có xu hướng đầu tư mang tính mua sắm tài sản cố định như nhà, đất và các tài sản khác có giá trị tại nước ngoài để phục vụ mục tiêu định cư học tập, hoặc sinh sống lâu dài tại nước ngoài.

Trong khi đó, số vốn đã chuyển ra nước ngoài của các tập đoàn được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu (nguồn gốc vốn nhà nước), nhưng đến nay chưa có cơ chế giám sát riêng về khâu đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí quản lý doanh nghiệp của dự án đầu tư ra nước ngoài.

“Nếu không có cơ chế giám sát và chế tài xử lý khả thi sẽ dấn tới không kiểm soát được ngoại tệ chảy ra nước ngoài qua kênh đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.

Thống kê 300 dự án đầu tư ra nước ngoài cho thấy, lợi nhuận lũy kế chuyển về nước đến nay mới chỉ đạt 39 triệu USD. Cũng theo cơ quan này, tỷ suất lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn đầu tư của nhiều dự án không cao, bình quân chỉ đạt tỷ lệ 0,46% cho giai đoạn 1989-2010.

Trong khi đó, phân tích số liệu của 5 tập đoàn nhà nước có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn (Petro Vietnam, TKV, Viettel, Sông Đà và Công nghiệp Cao su) cho thấy, số vốn đã chuyển ra nước ngoài đạt trên 1,24 tỷ USD, chiếm 69% tổng vốn đã chuyển ra của các thành phần kinh tế, nhưng hầu hết các dự án chưa có lợi nhuận.

“Hiện tượng này cho thấy, về ngắn hạn đã và đang tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Trước dòng vốn đầu tư chuyển ra có xu hướng ngày càng tăng cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều này ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước, cũng như tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam, nhất là trong điều kiện cán cân thanh toán đang có sự thâm hụt lớn.

Anh Quân

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Ba kịch bản cho CPI năm 2010 (29/11/2010)

>   Dường như Việt Nam "đắp đê" hơi nhiều trong điều hành kinh tế (29/11/2010)

>   Một nguyên nhân nữa của lạm phát (29/11/2010)

>   Thế giới nhiều bất ổn, khó khăn cho Việt Nam (29/11/2010)

>   Cần giải pháp chống lạm phát (29/11/2010)

>   Tỷ giá, lạm phát và mối lo nhập siêu (27/11/2010)

>   Kiến trúc sư nền kinh tế Ba Lan đến Việt Nam (27/11/2010)

>   Nhiều cam kết đầu tư vào Huế (26/11/2010)

>   Khởi công dự án thủy điện Lai Châu vào cuối tháng 12 (26/11/2010)

>   Khởi công xây dựng nhà máy điện gió đảo Phú Quý (26/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật