Thứ Hai, 29/11/2010 11:29

Ba kịch bản cho CPI năm 2010

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2010 như thế nào đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Có thể thấy, tốc độ tăng CPI của tháng 11 năm nay cao nhất tính từ tháng 3 trong năm và cũng là cao nhất so với tốc độ tăng của tháng 11 tính trong 18 năm qua.

Trước khi đưa ra nhận định về CPI, xin điểm lại diễn biến và những yếu tố tác động đến tốc độ tăng CPI trong 11 tháng qua.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao cùng với việc cấp bù lãi suất của năm 2009 và cộng hưởng với nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Noen, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, đã làm cho CPI tháng 1, tháng 2/2010 tăng cao hơn tốc độ của cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 1,36% so với tăng 0,32%, tăng 1,96% so với tăng 1,17%), tháng 3 tăng 0,75% (trong khi nhiều năm trước thường giảm). Đứng trước CPI tăng thấp, cộng với một số yếu tố khác, ngày 18/8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm trên 2%, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất theo hướng “vào 10, ra 12”. Ngoài ra, lúa mùa ở miền Bắc bị sâu rầy trên diện rộng, làm giảm năng suất, sản lượng; Các tỉnh miền Trung bị mưa lũ hiếm thấy chà đi xát lại, không chỉ gây thiệt hại cho những nơi này, mà còn làm cho việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền gặp khó khăn. Giá vàng tăng rất cao, cộng với giá USD tăng, chênh lệch giữa thị trường tự do với thị trường chính thức cao, tạo ra tâm lý lo ngại lạm phát cao. Nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm cả về đầu tư và tiêu dùng. Diễn biến ở trong nước đã cộng hưởng với sự tăng lên của giá nhập khẩu tính bằng ngoại tệ và sự biến động của tỷ giá VND/USD.

CPI tăng bình quân trong 3 tháng gần đây đã ở mức xấp xỉ 1,41%/tháng, đưa tốc độ tăng CPI sau 10 tháng (tức là tháng 11/2010 so với tháng 12/2009) lên đến 9,58%. Với những phân tích trên, có thể có những kịch bản sau:

Nếu tháng 12 năm nay tăng thấp như tháng 12 của năm 1995 (0,3%), của năm 2000 (0,1%), của năm 2002 (0,3%), hay giảm ở mức 0,68% như năm 2008, thì cả năm nay, CPI sẽ tăng một chữ số; Nếu tháng 12 năm nay tăng bằng với mức tăng bình quân tháng 12 từ năm 1993 đến 2010 (0,8%/tháng), thì cả năm nay CPI sẽ tăng xấp xỉ 10,5%;

Nếu tháng 12 năm nay tăng bằng với tốc độ tăng 1,38% của tháng 12/2009 thì cả năm nay CPI sẽ tăng 11,09%.

Rất khó có thể thực hiện được kịch bản thứ nhất; phải có giải pháp quyết liệt và đồng bộ thì mới có thể thực hiện được kịch bản thứ hai; khả năng rất dễ xảy ra kịch bản thứ ba. Hơn thế nữa, tốc độ tăng cao còn kéo dài trong tháng 1, tháng 2 của năm 2011.

Diễn biến CPI 11 tháng qua, đặc biệt là 3 tháng gần đây cũng như trong thời gian tới do các yếu tố thuộc các nhóm chi phí đẩy, cầu kéo, cung- cầu. Nhưng trong quản lý điều hành cần hết sức quan tâm đến các vấn đề sau đây.

Thứ nhất, lạm phát tiềm ẩn từ hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, thể hiện chất lượng tăng trưởng thấp, chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, vào số lượng lao động, tính gia công cao, giá trị gia tăng thấp. Đây là nguyên nhân cơ bản, nên chỉ cần có thêm các yếu tố khác ở trong và ngoài nước tác động thì lạm phát sẽ tăng cao.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan quản lý tài chính và cơ quan quản lý tiền tệ cần chặt chẽ và thống nhất theo cùng một hướng, tránh bên thắt bên mở, tránh can thiệp đến tính độc lập tương đối của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm đến độ trễ dài hay ngắn của chính sách. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay không cao, nhưng được tính trên số gốc đã tăng rất cao của năm trước.

Thứ tư, hết sức chú ý đến yếu tố cộng hưởng. Trong đó đặc biệt chú ý đến nhập khẩu lạm phát, nếu giá thế giới tăng mà điều chỉnh tỷ giá thì làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại; cộng hưởng cung- cầu; cộng hưởng yếu tố đầu cơ và tâm lý các chủ thể trên thị trường.

Thứ năm, nếu ổn định vĩ mô là ưu tiên, thì kiềm chế lạm phát là ưu tiên của ưu tiên. Lạm phát của Việt Nam thuộc loại cao; tháng 11/2010 so với tháng 12/2003, CPI đã gấp gần 2 lần, tức là có 100.000 đồng vào tháng 12/2003, thì đến tháng 11/2010 chỉ còn khoảng 50.000 đồng- hay bị giảm còn một nửa. Phải kiềm chế để nâng cao lòng tin vào đồng nội tệ.

Thứ sáu, việc dự báo cần sát thực tế hơn nữa, tránh có sự sai lệch lớn.

Minh Nhung

đầu tư

Các tin tức khác

>   Dường như Việt Nam "đắp đê" hơi nhiều trong điều hành kinh tế (29/11/2010)

>   Một nguyên nhân nữa của lạm phát (29/11/2010)

>   Thế giới nhiều bất ổn, khó khăn cho Việt Nam (29/11/2010)

>   Cần giải pháp chống lạm phát (29/11/2010)

>   Tỷ giá, lạm phát và mối lo nhập siêu (27/11/2010)

>   Kiến trúc sư nền kinh tế Ba Lan đến Việt Nam (27/11/2010)

>   Nhiều cam kết đầu tư vào Huế (26/11/2010)

>   Khởi công dự án thủy điện Lai Châu vào cuối tháng 12 (26/11/2010)

>   Khởi công xây dựng nhà máy điện gió đảo Phú Quý (26/11/2010)

>   Bài 2: Việt Nam còn bị động trong tháo gỡ các mâu thuẫn (23/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật