Đằng sau con số lạm phát
Trong vòng 15 năm qua, chưa có tháng 9, tháng 10 nào chỉ số giá tiêu dùng lại tăng cao đột biến như năm nay, và cũng chưa có năm nào việc dự báo lạm phát cho cả năm lại liên tục được điều chỉnh như năm 2010.
Đầu năm, mục tiêu đề ra là 7%, sau khi giá cả tăng vọt, chỉ số giá tiêu dùng được nới lên 8%. Ngay sau đó, con số này lại được nhắc đến với 1 thuật ngữ đa nghĩa: Lạm phát dưới hai con số. Nhưng đằng sau những con số, những lần điều chỉnh này đã cho thấy công tác dự báo, dự đoán ngay cả trong ngắn hạn của chúng ta đã chưa thực sự sát với biến động giá cả.
Chưa hết năm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng được điều chỉnh tới 4 lần. Từ 7% rồi được nới lên 8%. Rồi 8% cũng có nguy cơ bị phá vỡ, thì chỉ số này được nhắc tới một cách mập mờ và chung chung là dưới 2 con số. Tiếp sau đó, con số 9% lại được đưa ra…
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về giá cả, theo TS.Vũ Đình Ánh thì kể cả 9% có thể vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Chuyên gia này thậm chí còn đưa ra những con số cao hơn thế. Nếu soi về quá khứ, như 2 năm gần đây thì chỉ số lạm phát năm nay của Việt Nam có thể còn lên đến 11, thậm chí 12%.
Vậy lạm phát năm nay sẽ là bao nhiêu sau những lần điều chỉnh nhích lên và nới lỏng, giờ vẫn là một ẩn số. Nhưng điều dễ nhận ra nhất đó là, ngay cả trong ngắn hạn, công tác dự báo đã thiếu chính xác. Hệ quả của việc dự đoán thiếu thực tế sẽ kéo theo hàng loạt những khó khăn trong hoạch định chính sách, kéo theo sự sai lệch về mục tiêu là điều dễ thấy.
Không thực sự làm chủ kế hoạch về chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay là điều đã thấy khá rõ, vì 2 tháng cuối năm thường là dịp giá cả biến động mạnh, kèm theo đó, những tác động bất lợi từ mưa lũ, dịch bệch sẽ lại dồn về cuối năm, nên giá cả cuối năm càng giống như “con ngựa bất kham” mà bộ cương ghìm đã kém tác dụng.
Chí Sơn
VTV
|