Thứ Ba, 02/11/2010 10:34

Nhập siêu, bội chi, nợ công: Chưa thấy giải pháp hiệu quả

Nhập siêu vẫn cao.

Ngoài Vinashin, vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm là chất lượng tăng trưởng, đa số các ĐB đều đồng tình với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.

Các ĐB cho rằng với việc đạt và vượt 15/21 chỉ tiêu mà QH đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được nguy cơ lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009 trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thiên tai, dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng... là một nỗ lực rất lớn trong điều hành của Chính phủ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Phải xác định đúng mức độ tăng GDP

ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng tất cả các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ và các báo cáo của các ủy ban của Quốc hội đều khẳng định mức tăng trưởng GDP hàng năm tuy có thay đổi tăng ít hay nhiều, đạt cao hay thấp cũng đều được cảnh báo là thiếu bền vững, chất lượng thấp, nhập siêu cao, sản xuất hàng hóa trong nước thiếu cạnh tranh, đầu tư tăng cao nhưng hiệu quả thấp bởi chi tăng, các DN nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng vẫn tồn tại và thách thức. Theo ĐB thì Chính phủ luôn xác định được nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp tích cực để điều hành. Quốc hội cũng ra nhiều nghị quyết để định hướng cho hoạt động điều hành của Chính phủ, nhưng những nhận định về tăng trưởng kinh tế nêu trên vẫn như một mặc định trong các báo cáo mà không biết khi nào mới chấm dứt.

ĐB Nguyễn Danh (Đà Nẵng) cho rằng, GDP tăng là điều đáng mừng, nhưng sự điều tiết về xã hội lại chưa tương xứng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Theo ĐB thì ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay là nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công, trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa thấy lối thoát an toàn. Nhập siêu liên tục nhiều năm với mức khá cao và không có chiều hướng giảm. Năm 2006 là 4,8 tỉ, năm 2007 là 14 tỉ, năm 2008 là 18 tỉ, dự kiến năm 2010 là 13,5 tỉ USD. Bội chi ngân sách cao, liên tục nhiều năm làm nợ công những năm gần đây tăng nhanh. Năm 2007 là 33,8%, năm 2008 là 36,2% và năm 2010 ước tính 52,6% GDP, hàng năm phải bố trí 14, 16% ngân sách nhà nước để trả nợ, đặc biệt nợ nước ngoài ngày càng tăng nhanh chóng nếu cộng tất cả con số lại thì mức nợ công của chúng ta mấp mé mức không an toàn.

Theo ĐB Nguyễn Danh thì báo cáo của Chính phủ vừa không xác định rõ hướng đi, vừa không có giải pháp cụ thể để thực hiện từng bước chuyển nguồn, tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu là chủ yếu gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đột phá quan trọng nhất và tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách kinh tế và cơ chế quản lý, cùng với nâng cao tầm vóc, chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. ĐB đề nghị: “Trước hết phải xác định đúng mức độ tăng trưởng GDP đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội. Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, mà nên tập trung ưu tiên kìm chế lạm phát, siết chặt quản lý thu, chi ngân sách, phải biết quý và có trách nhiệm đối với mỗi đồng tiền thuế của nhân dân đóng góp”.

Thiếu điện - điểm nghẽn bảo thủ nhất

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng: Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo. Do đó, các quy hoạch sẽ rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết, kém bền vững, gây lãng phí về cơ hội, về tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực. ĐB Tiến khẳng định: “Do thiếu tầm nhìn nên chỉ trong vòng 12 năm Bộ Xây dựng đã phải trình Thủ tướng Chính phủ 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành ximăng do bị vỡ quy hoạch, cung vượt quá cầu. Với 108 dây chuyền ximăng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 thì cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn ximăng dư thừa”.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, quy hoạch ngành thép có nguy cơ bị đổ bể, Bộ Công thương đã phải soạn thảo đề án trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành thép, nguyên nhân là do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Trong 65 dự án sản xuất thép có tới 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư song chưa được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc ý kiến thỏa thuận của Bộ Công thương, đó là hiện tượng “tiền trảm hậu tấu” trong quy hoạch. Đến nay tổng công suất thép cả nước đã lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn. Ngành điện hụt hơi vì ngành thép, các ngành công nghiệp khác và các khu dân cư cũng bị vạ lây do cắt điện bởi sự bành trướng thái quá của quy hoạch ngành thép.

Các ĐB cũng bức xúc về tình trạng thiếu điện. Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì hơn 10 năm qua năm nào chúng ta cũng thiếu điện. Trong hiện trạng cơ sở hạ tầng đất nước, thiếu điện là điểm nghẽn kiên cố và bảo thủ nhất. Để xảy ra khủng hoảng thiếu điện tức là đã cản trở đất nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp. Từ đó, ĐB đề nghị chủ toạ kỳ họp: “Nếu quy chế kỳ họp cho phép, nên yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn EVN đến báo cáo, giải trình về thiếu điện trước QH”. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Văn Cuông đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, báo cáo trước QH.  

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Không phải chúng tôi điều chỉnh quy hoạch ximăng đến 4 lần

Trong những năm vừa qua không phải chúng tôi điều chỉnh quy hoạch ximăng đến 4 lần như ĐB Lê Như Tiến nói mà quy hoạch 108 được Thủ tướng ký cách đây 5 năm, bây giờ chúng tôi đang điều chỉnh. Chúng tôi dự báo trong những năm tới thị trường ximăng tiếp tục tăng, hiện nay các dự án ximăng đưa vào quy hoạch đang đảm bảo cung phù hợp cầu, cung có cao hơn cũng có bởi tính toán bằng hệ số. Trong những năm tới dư thừa từ 2 - 5 triệu tấn ximăng, chúng tôi đang đề xuất những biện pháp để báo cáo với Chính phủ: Thứ nhất là tăng cường tiêu thụ ximăng, thứ hai là tăng các dự án đầu tư vào vật liệu không nung để thay thế cho gạch ngói, đất sét nung...

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Thiếu điện có trách nhiệm của Bộ Công thương

Hôm nay, một lần nữa chúng tôi xin được báo cáo Quốc hội trách nhiệm về việc chưa đảm bảo cung ứng điện trong thời gian vừa qua có phần trách nhiệm của Bộ Công thương.

Xung quanh vấn đề quy hoạch ngành thép, ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu là có cơ sở. Trong thời gian vừa qua đúng là chúng ta có tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Đối với một số địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nghèo cũng rất mong muốn có các dự án đầu tư vào địa phương để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp. Chính vì thế cho nên cũng không tránh khỏi tình trạng có thể có những dự án chưa nằm trong quy hoạch và vì thế dẫn đến ảnh hưởng đến quy hoạch.   

Lam Sơn

lao động

Các tin tức khác

>   Đại biểu Quốc hội và bộ trưởng “chia sẻ” về hệ lụy của quy hoạch (02/11/2010)

>   Kiềm chế lạm phát một con số là thành công (02/11/2010)

>   Bộ trưởng Công thương giải trình chuyện thiếu điện (01/11/2010)

>   Cho thuê 9.777 ha đất rừng trong 35 năm, thu ngân sách 1 tỷ đồng/năm (01/11/2010)

>   Việt Nam chọn Nhật Bản làm đối tác khai thác đất hiếm (31/10/2010)

>   Tránh “lệch pha” trong cấp phép (01/11/2010)

>   7 phút, 2 ngày và những nỗi lo (01/11/2010)

>   Đưa sân bay Phú Quốc vào khai thác trong tháng 10/2011 (01/11/2010)

>   Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm vụ Vinashin (01/11/2010)

>   Đưa trạm 500kV lớn nhất nước vào vận hành (01/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật