Thứ Hai, 01/11/2010 16:30

Cho thuê 9.777 ha đất rừng trong 35 năm, thu ngân sách 1 tỷ đồng/năm

Qua khảo sát, có dự án địa phương cho thuê 9.777 ha đất trồng rừng trong 35 năm, thì giá trị thu cho ngân sách cũng chỉ được 35 tỷ đồng (tức bình quân 1 tỷ đồng/năm).

Đây là con số được nêu tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình cho nước ngoài thuê đất, liên doanh trồng rừng tại Việt Nam đề ngày 29/10/2010 vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội sáng nay (1/11).

Việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng ở Việt Nam, theo Ủy ban Kinh tế, đã thu hút sự quan tâm và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Vào đầu kỳ họp này, báo cáo mới nhất về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng của Chính phủ cũng đã được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Tại đây, Chính phủ cho biết, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10/8/2010, cả nước hiện có 8 dự án có mục tiêu đầu tư trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD.

Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án này là 288.974,3 ha, trong đó diện  tích đã được cấp là 18.571 ha, diện tích đã đưa vào sử dụng là 15.268 ha.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, báo cáo này chủ yếu mới phản ánh một số tình hình, chưa đầy đủ, chưa làm rõ một số vấn đề được đại biểu quan tâm.

Đó là, Chính phủ chưa làm rõ từng dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng được quy hoạch và cấp đất vào các khu vực biên giới, giáp biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực an ninh quốc phòng, khu vực ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng; diện tích quy hoạch, cấp trùng vào rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên sản xuất, vào dự án trồng rừng 661 và đất đã có chủ; diện tích doanh nghiệp tự ý trồng giống cây mới chưa được phép là bao nhiêu, có ảnh hưởng gì, những dự án nào vi phạm các quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, một số dự án đầu tư quy mô lớn tập trung ở các tỉnh có vùng biên giới, vùng có tính chiến lược về an ninh quốc phòng, thậm chí có dự án đã cấp vào 5 xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, chỉ mới được gỡ bỏ sau khi đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc với địa phương và công ty nước ngoài.

Một số dự án khảo sát, quy hoạch không sát thực tế nên đã cấp trùng vào diện tích đất dự án trồng rừng 661, diện tích đã có chủ. Quy mô một số dự án thiếu cơ sở thực tế, diện tích cho thuê rời rạc, manh mún xen kẽ với đất rừng tự nhiên (là rừng sản xuất), có dự án chủ đầu tư đã tự ý du nhập giống cây trồng khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, chưa qua trồng thử nghiệm.

Trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế cũng nêu trên thực tế, nguồn thu ngân sách là không đáng kể từ việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, chủ yếu là mang lại lợi ích tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại vùng có dự án.

Tình hình phát sinh các dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng chủ yếu từ sau khi Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 108/2006 ngày 22/9/2006 để hướng dẫn thi hành Luật này, Ủy ban Kinh tế phân tích.

Theo đó, UBND cấp tỉnh được phân cấp phê duyệt, quyết định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó có các dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng. Nghị định chỉ đưa các doanh nghiệp trồng rừng chung vào danh mục ưu đãi đầu tư mà không đưa vào danh mục đầu tư có điều kiện, dẫn tới việc cấp phép như đã nêu.

“Do đó, từ ngày 1/7/2006 đến 9/3/2010, đã phát sinh thêm 9/10 dự án cho doanh nghiệp nước ngoài trồng rừng có tính chất nhạy cảm như báo cáo đã nêu”, Ủy ban dẫn chứng cụ thể.

Ngoài việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thiếu chặt chẽ, theo Ủy ban Kinh tế, UBND cấp tỉnh tuy trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư đã rà soát diện tích cho thuê, lấy ý kiến của các ngành chức năng liên quan của tỉnh như quân sự, công an và biên phòng…, “nhưng trách nhiệm và sự chủ động quan tâm tới các yếu tố về an ninh quốc phòng của nhiều địa phương trong việc quy hoạch và cấp phép các dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng chưa được đề cao”, sự phối hợp quản lý Nhà nước của một số Bộ, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương thiếu chặt chẽ nên việc phân cấp và tổ chức thực hiện trở nên buông lỏng quản lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhất trí với các biện pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh một số vấn đề, trong đó có giải pháp không tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng đối với diện tích đất chưa có quyết định cho thuê. Rà soát để sớm loại bỏ các diện tích, các cơ sở nhà xưởng đã có quyết định cấp đất cho doanh nghiệp nước ngoài thuê nằm trong khu vực biên giới, khu vực phòng thủ, khu vực an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, Ủy ban đề nghị thu hồi các dự án trong khu vực “nhạy cảm” về an ninh, quốc phòng. Với các dự án mới triển khai, diện tích trồng rừng và mức đầu tư còn thấp, đề nghị có biện pháp để thanh lý, chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước hoặc giao diện tích trồng rừng cho hộ dân tại địa phương.

Cơ quan này cũng kiến nghị Quốc hội xem xét để đưa vào nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội trong kỳ họp này nội dung quy định các dự án đầu tư trồng rừng thuộc nhóm các dự án đầu tư có điều kiện để Chính phủ triển khai thực hiện và sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ “khẩn trương tổng kết tình hình đầu tư các dự án trồng rừng, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định khi cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng”.

Nguyên Vũ

TBKTVN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật