7 phút, 2 ngày và những nỗi lo
Hai ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (ngày 1 và 2-11) có thể là khá dài đối với người nghe, người xem truyền thanh, truyền hình trực tiếp, nhưng với các đại biểu Quốc hội vốn bề bộn lo toan trước những vấn đề quốc gia đại sự thì bảy phút tối đa cho mỗi lần phát biểu dường như quá ngắn.
TS Trần Du Lịch (đại biểu TP.HCM) cho biết ông đã viết một bản tham luận trình bày sáu nhóm vấn đề bức xúc đang đe dọa sự bền vững của nền kinh tế, nhưng bảy phút thì không đủ để ông nói cạn ý cạn lời.
Nhiều đại biểu Quốc hội được hỏi cũng có cùng tâm trạng như TS Lịch. Con số tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2010 đang phải “cõng” theo nó hàng loạt chỉ dấu mà Ủy ban Kinh tế định danh là “tiềm ẩn bất trắc”.
Quốc hội đánh giá khá cao khả năng điều hành linh hoạt của Chính phủ trong ba năm qua đã tạm đưa nền kinh tế vượt qua cơn chao đảo toàn cầu, nhưng sóng gió vẫn còn quá nhiều ở phía trước.
Ông Lịch nói thêm Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô là đúng nhưng vấn đề là có ổn định được không. Ông cho rằng bài toán này quả là khó có lời giải khi nhập siêu đã trở thành căn bệnh mãn tính, đầu tư công thiếu hiệu quả cùng với bội chi ngân sách triền miên.
Muốn tăng trưởng cao thì phải đầu tư vốn lớn. Muốn có nhiều vốn trong điều kiện nước nghèo thì phải đi vay, mà vay thì phải lo trả nợ. Nhưng muốn trả được nợ thì vốn vay ấy phải được sử dụng có hiệu quả...
Trong khi đó, nợ công đã ở mức 56,7% GDP, nghĩa là VN đang nợ trên dưới 60 tỉ USD. Với khoản nợ như vậy, Ủy ban Kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về “an ninh tài chính quốc gia”.
“Vay mà đầu tư có hiệu quả thì không nói làm gì. Nhưng mình đầu tư rất kém hiệu quả, chỉ số ICOR gần đến 10 rồi (tăng vốn đầu tư 10% mới được 1% tăng trưởng - NV). Tôi nghĩ chỉ số ICOR 10 thì mình đừng đầu tư nữa, thôi thì mình chịu khổ một tí, sau này con cháu mình đỡ phải trả nợ, khi nào mình quản trị tốt, làm ăn có hiệu quả thì vay sau” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng lo lắng.
Nỗi lo của ông Hùng được ông Ngô Văn Minh (đại biểu Quảng Nam) chứng minh bằng ví dụ hiện hữu ngay trước kỳ họp Quốc hội với vụ bể nợ 86.000 tỉ đồng của Vinashin. Đúng là vay để đầu tư kiểu Vinashin thì đừng đầu tư nữa còn hơn.
Mà đâu chỉ có nợ, nhập siêu, đầu tư hiệu quả thấp, lạm phát ở mức cao..., nhiều đại biểu Quốc hội còn bày tỏ sự lo ngại trước môi trường xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu như từ “bất trắc” được cảnh báo cho nền kinh tế thì từ “bất an” được dùng cho tình hình xã hội.
Bà Nguyễn Thị Khá, ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, liệt kê: dồn dập các vụ việc bạo lực, giết người bởi những lý do rất đơn giản nhưng hành vi rất dã man. Chạy xe ngoài đường va quệt nhẹ cũng thành xô xát rồi giết nhau; trong gia đình thì có trường hợp cha giết con, chồng giết vợ, người ở giết chủ nhà, mẹ hành hạ con nhỏ; trên học đường thì nữ sinh cũng đánh lộn như giang hồ, cô giáo thì dùng lời lẽ thô tục mạt sát học sinh, học sinh thì hành hung thầy giáo...
Và còn một nỗi bất an nữa được Ủy ban Tư pháp chỉ ra trong báo cáo giám sát công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 rằng không ít doanh nghiệp và người dân cho biết họ sẵn sàng chi tiền ngoài quy định cốt để được việc của mình. Một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội luận giải rằng nếu như vậy thì việc đưa và nhận hối lộ đã trở thành một hành vi bình thường được chấp nhận trong xã hội.
Với chừng ấy sự ưu phiền cần lời giải đáp hữu hiệu thì bảy phút cho mỗi đại biểu và hai ngày cho Quốc hội quả là khoảng thời gian căng thẳng.
Lê Kiên
TUỔI TRẺ
|