Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói về “bất trắc tiềm ẩn” của kinh tế vĩ mô
Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ tám, sáng 1/11, Quốc hội sẽ bước vào phiên đầu tiên trong hai ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch 2011.
Trước đó, khi thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những bất ổn của kinh tế vĩ mô, dù vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, không chỉ riêng một kỳ họp.
Trao đổi với VnEconomy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh, nếu không sớm khắc phục thì những bất trắc tiềm ẩn của kinh tế vĩ mô sẽ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.
Đã nhìn thấy lạm phát trên 8%
Thưa ông, trong những năm gần đây, nhận định về kinh tế vĩ mô của Ủy ban luôn đi kèm với những quan ngại về “bất trắc, bất ổn”. Ông có thể phân tích rõ hơn những yếu tố này?
Đúng là trong những năm gần đây ở một số kỳ họp, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban đều có nhận định kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc và tiềm ẩn những yếu tố dễ gây ra bất ổn vĩ mô.
Biểu hiện tiềm ẩn ấy là gì, đó là lạm phát rất cao so với các nước trong khu vực, năm 2010 khả năng trên 8% đã nhìn thấy rồi, những năm trước cũng rất cao. Nên nếu để mãi như vậy thì hoàn toàn không được, nó ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Hay nhập siêu cũng luôn ở mức rất cao trong nhiều năm rồi, dẫn đến mất cân đối cán cân thương mại, đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ. Rồi bội chi cũng ở mức cao, nợ công cũng đã hơn 56,7% GDP trong khi tổng GDP chỉ trên 100 tỷ USD…
Tổng hợp các yếu tố đấy cho thấy nền tài chính quốc gia chưa thật vững chắc. Những cân đối vĩ mô tiềm ẩn những yếu tố thiếu vững chắc, không ổn định. Nhiều cơ quan khác và cả báo cáo của Chính phủ cũng nhận định như thế.
Có chuyên gia kinh tế cho rằng, sự mất ổn định vĩ mô có nguyên nhân do nền kinh tế phát triển không theo quy luật mà chịu các tác động hành chính quá nhiều. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Nói thế cũng không hoàn toàn đúng, thực ra chúng ta càng ngày càng có nhiều cố gắng trong việc tuân thủ cơ chế thị trường. Đương nhiên cơ chế thị trường ở Việt Nam có đặc thù, tức là còn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát triển kinh tế vừa phải ổn định an sinh xã hội nên những nhiệm vụ đó phải hài hòa với nhau.
Hiện nay một số giá cả như xăng dầu hay điện, than, phân bón… dần dần đang tiến tới giá thị trường. Nền kinh tế chúng ta phải có bước đi phù hợp chứ nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân. Theo tôi việc dần dần đạt tới yêu cầu theo cơ chế thị trường theo định hướng chúng ta đang tiến hành là hoàn toàn phù hợp.
Trong số những hạn chế bất cập của năm 2010 đã được Ủy ban Kinh tế nêu rõ tại báo cáo thẩm tra có việc các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động bởi một số chính sách cụ thể. Hay điều hành chính sách, quản lý thị trường, giá cả; điều hòa sản xuất, lưu thông, phân phối trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt. Vậy những hạn chế này có nguyên nhân từ tác động hành chính không, thưa ông?
Tôi cho rằng là có, nhưng định lượng thì không dễ, vả lại ở đây cũng cần nói là ngay cả trong cơ chế thị trường cũng không thể thiếu vai trò của Nhà nước, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế vừa qua càng cho thấy rõ điều đó.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế tại cơ quan thẩm tra thì những bất ổn ông đã nói trên chủ yếu do hạn chế nội tại của nền kinh tế hay do nguyên nhân chủ quan, thưa ông?
Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó cũng có những yếu tố nội tại tích tụ nhiều năm. Nhất là mô hình tăng trưởng kinh tế không phù hợp, chúng ta đã duy trì nhiều năm mô hình tăng trưởng lấy tăng vốn đầu tư là chủ yếu, trong khi đó hiệu quả đầu tư lại thấp nên bây giờ cần phải cơ cấu lại.
Ví dụ cơ cấu lại đầu tư bao gồm cả nguồn vốn, cả cơ cấu đầu tư ở các ngành, các lĩnh vực; phải tạo sự thay đổi căn bản về hiệu quả đầu tư; cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước mà việc xác lập rõ vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước là rất quan trọng; các ngành kinh tế trọng yếu như công nghiệp, nông nghiệp và kể cả trong xuất, nhập khẩu cũng cần cơ cấu lại.
Vì thế năm 2011 Ủy ban Kinh tế mới đặt vấn đề ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên tiếp theo là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và tiếp theo mới là đặt mức tăng trưởng cao hơn các năm trước.
Theo quan điểm của Ủy ban thì giữ mức tăng trưởng 7-7,5% GDP cũng không phải là khó với những cái mà nền kinh tế chúng ta đang có. Song ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng thì phải tập trung nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho bước đi dài hạn hơn.
Thưa ông, phải chăng để ổn định kinh tế vĩ mô thì không thể tiếp tục chạy theo “thành tích tăng trưởng”, như một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo?
Đúng là những năm trước 2008 thì tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô còn ít, vẫn chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhiều hơn.
Do vậy chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, đầu tư hiệu quả thấp, tăng trưởng dựa chủ yếu vào yếu tố vốn chứ yếu tố năng suất chưa cao nên chất lượng chưa tốt. Hạn chế này chưa phải là chưa nhìn ra, nhưng vấn đề là phải tập trung những biện pháp cụ thể như thế nào đó để tạo ra những chuyển biến cụ thể. Với năm 2011 thì quan điểm của Ủy ban Kinh tế vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Nhưng có ý kiến đại biểu cho rằng muốn đảm bảo ổn định vĩ mô thì phải chuyển đổi và đẩy mạnh tái cơ cấu, dịch chuyển cơ cấu để đảm bảo ổn định vĩ mô, chứ không phải ngược lại là ổn định rồi mới tái cơ cấu?
Trong mục tiêu tổng quát Ủy ban đề xuất đã ghi rõ là ổn định vĩ mô gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, hai cái đó tiến hành đồng thời với nhau. Ổn định vĩ mô có tính ngắn hạn và trung hạn, còn cơ cấu lại nền kinh tế thì mang tính dài hạn nhưng hai nội dung này lại quan hệ rất mật thiết với nhau. Từ năm 2010 đã nêu vấn đề và bắt tay vào làm rồi nhưng những việc cụ thể chưa làm được nhiều lắm và sẽ phải làm mạnh mẽ hơn từ các năm sau.
Ngay từ kỳ họp Quốc hội thứ tư, thứ năm, một số đại biểu cũng đã đặt vấn đề cần phải xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Vậy tại sao đến nay vẫn “chưa làm được nhiều lắm” như ông vừa nhận xét?
Tôi nghĩ rằng nghị quyết của Quốc đã đặt vấn đề đó rồi, Chính phủ phải tổ chức thực hiện thôi. Mà Chính phủ đã làm chứ không phải không làm nhưng làm chưa quyết liệt. Vậy nên Quốc hội phải yêu cầu riết róng hơn, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Điều hành có tiến bộ rõ rệt
Khi thảo luận tại tổ, không ít ý kiến cho rằng“Chính phủ và nhiều cơ quan của Chính phủ còn nhiều hạn chế trong điều hành”, ông có đồng tình?
Những năm vừa qua, nhất từ 2007 – 2010 nhìn tổng quan lại thì nền kinh tế đã trải qua những giai đoạn rất khắc nghiệt. Cuối 2007 đầu 2008 thì lạm phát rất cao, phải tập trung mọi biện pháp để kìm chế lạm phát. Sang đến cuối 2008 – 2009 thì ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lại phải chống suy giảm kinh tế. Hai giải pháp đó gần như ngược chiều nhau, để đảm bảo kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, còn ngăn chặn suy giảm kinh tế thì phải nới lỏng và tăng đầu tư. Năm 2010 thì phải tập trung phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nhìn lại 3 giai đoạn như vậy thì chúng tôi thấy rằng công tác điều hành đã có tiến bộ rất là rõ.
Chẳng hạn nếu đầu năm 2008 điều hành kìm chế lạm phát còn thiếu chủ động, kịp thời và chưa đồng bộ, thì đến cuối 2008 đầu 2009 đã đồng bộ hơn, kịp thời hơn và tổ chức thực hiện cũng quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế.
Tương tự 2010 thì ngay từ đầu năm đã khó khăn rồi, vốn cho doanh nghiệp thì thiếu, điện cũng vẫn thiếu gay gắt, đầu tư không tăng (năm 2009 là 42% GDP năm 2010 chỉ có 41%), lao động không tăng, hạn hán, dịch bệnh… Như vậy yếu tố mới không có gì tăng hơn nhưng đã hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu cơ bản của năm 2010. Tất nhiên do nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân quan trọng là do công tác điều hành chủ động, kịp thời và hiệu quả.
Năm 2010 Chính phủ dự kiến có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng chỉ có 15 chỉ tiêu, vì CPI cao hơn 7%. Vậy đánh giá là hoàn thành “rất tốt” liệu có lạc quan quá không, thưa ông?
Thực ra khi bàn các chỉ tiêu năm 2010 thì Ủy ban đề xuất chỉ tiêu lạm phát không quá 8%. Bây giờ tháng 10 đã là 7,58% nên còn hai tháng nữa khả năng trên 8% thì nhìn thấy rồi. Nền kinh tế chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, lạm phát cũng phụ thuộc rất nhiều vào giá cả thị trường thế giới nên điều hành như năm 2010 là tích cực. Nhất là điều hành chính sách tiền tệ rất cương quyết, nếu không thì không thể kìm chế được lạm phát ở mức như vậy.
Vậy tại sao vẫn có nhiều lời “phê” là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa nhịp nhàng, thưa ông?
Nhận xét thế cũng không mâu thuẫn gì cả, vì đầu năm thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp và một số chuyên gia đều kêu ca. Trong khi đó ngân hàng chịu hai sức ép, phải giữ lạm phát dưới 7% nhưng vẫn phải phấn đấu tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,5% nên hướng đi như vừa qua là hoàn toàn đúng đắn. Tôi nói điều hành chính sách tiền tệ cương quyết là như vậy, trước áp lực đó nếu không kiên quyết mà nới lỏng thì lạm phát sẽ có thể bùng phát trở lại.
Còn lãi suất ngân hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa, thực tế bây giờ đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Chỗ này chúng ta cũng phải thấy rằng điều hành chính sách tiền tệ nó phức tạp, liên quan chặt chẽ đến chính sách tài khóa. Chính phủ cũng nhận định quan hệ giữa hai chính sách này chưa nhịp nhàng đồng bộ.
Ví dụ khi thắt chặt tiền tệ, tín dụng rất thấp, nhưng đầu tư thì vẫn tăng, nhất là đầu tư công hoặc như xung quanh mức lãi suất của trái phiếu Chính phủ, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hay trái phiếu của doanh nghiệp. Khi lãi suất Chính phủ và lãi suất ngân hàng không phù hợp với nhau thì có xu hướng thiên về trái phiếu Chính phủ nhiều hơn, hoặc doanh nghiệp họ không vay được ngân hàng thì phát hành trái phiếu. Những mức lãi suất này không tương xứng nhau thì cái nọ nó đẩy cái kia tăng lên...
Theo ông, để nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì cần có giải pháp gì?
Quan trọng là phối hợp các chính sách, khi ban hành phải có sự nhuần nhuyễn hơn để tránh khi chính sách ra đời thì có sự xung đột, như ở trên đã nói, tín dụng thì thắt chặt mà không thắt chặt đầu tư, nhất là đầu tư công thì không thể nói là đồng bộ được. Hay trong tổ chức thực hiện chính sách đã có, cũng cần phải thật quyết liệt.
Có ý kiến đại biểu cho rằng, 2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) vì vậy Ủy ban Kinh tế nên đánh giá việc thực hiện kế hoạch này để làm cơ sở cho đại biểu thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng cho những năm tiếp theo. Báo cáo của Chính phủ có đánh giá sơ bộ về chỉ tiêu 5 năm, song báo cáo thẩm tra của Ủy ban thì không có, thưa ông?
Theo luật định thì tại kỳ họp này Ủy ban Kinh tế có báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2010 theo nghị quyết của Quốc hội thôi. Nên chúng tôi chỉ khuôn lại ở phạm vi đó. Bên cạnh đó, tài liệu để tham khảo cho kỳ họp này thì chúng tôi cũng đã gửi đến cho đại biểu qua nhiều kênh rồi.
Thúy Hòa
tbktvn
|