Viện trưởng viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch
Không đổi cách đầu tư, phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng không đủ
|
Ông Trần Du Lịch |
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, cần phải thay đổi phương thức, cách đầu tư ngân sách. Còn nếu vẫn duy trì cách đầu tư công như hiện nay, chúng ta phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng không đủ.
Trong khi đồng USD mất giá mạnh trên thị trường thế giới, tỷ giá giữa VND/USD vẫn liên tục tăng mạnh thời gian qua, khiến cho VND mất giá tới hai lần. Nguyên nhân, theo đại biểu Quốc hội, TS kinh tế, Viện trưởng viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch, là do tỷ giá VND/USD chưa tương xứng với sự mất giá của đồng tiền Việt Nam trên chính thị trường nội địa.
Diễn biến này là sức ép căng thẳng đối với dự trữ quốc gia, khả năng cân đối cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét tổng cung ngoại tệ bao gồm cả dự trữ của doanh nghiệp, người dân thì dự trữ quốc gia cũng không mất cân đối. Do vậy, chính sách của chúng ta phải hướng tới giảm cất trữ của doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực VND mất giá.
Chúng ta một mặt nỗ lực để giảm lãi suất tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn có chi phí hợp lý đến doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, nếu lãi suất xuống thấp, doanh nghiệp, người dân sẽ lại chuyển sang giữ vàng, đô-la. Theo ông, làm thế nào để cân bằng mục tiêu này?
Chủ trương của Chính phủ là giảm mặt bằng lãi suất, nhưng tôi cho rằng, lãi suất không thể giảm mạnh trong một sớm một chiều. Bởi ngoài lo ngại vốn VND được chuyển sang ngoại tệ, vàng hay các tài sản tài chính khác, lãi suất phụ thuộc rất lớn vào cung – cầu tín dụng và kỳ vọng lạm phát. Năm nay, Chính phủ giữ được lạm phát ở mức một con số cũng là thành công mà theo tôi có thể xoay quanh 9%.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát khó thực hiện, phải chăng bởi trong khi chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt thì chính sách tài khóa của chúng ta lại có phần rộng rãi, thưa ông?
Đây đúng là điều mà tôi đang băn khoăn. Công tác quản lý của chúng ta quả đang thiếu đồng bộ, thậm chí theo nhận xét của tôi thì chính là điểm yếu nhất trong điều hành năm 2010. Tôi lấy ví dụ, trong điều hành ngân sách của chúng ta, 2 năm qua, nguồn thu năm nào cũng tăng, nhưng bội chi vẫn cứ tăng, rõ ràng là do yếu kém trong điều hành. Chẳng hạn năm 2009, đầu năm Chính phủ dự kiến thất thu 30.000 tỉ đồng, sau đó tháng 11 báo cáo tăng thu 750 tỉ đồng, thực tế cuối năm tăng thu tới 53.000 tỉ đồng, nhưng vẫn xài hết.
Năm 2010, ngân sách dự kiến vượt thu hơn 50.000 tỉ đồng, dù Chính phủ thừa nhận, thất thu ngân sách còn lớn. Phần vượt thu, phải chăng do chúng ta đặt mục tiêu quá thấp?
Cơ cấu tăng thu năm 2010 của chúng ta, ở địa phương chủ yếu là thu từ đất đai năm 2009. Nguồn tăng thu thứ hai, là từ xuất nhập khẩu, mà thực chất là từ nhập khẩu. Điều đó cho thấy, nguồn tăng thu này không bền vững, thậm chí là dấu hiệu mất cân đối do nhập siêu.
Chính phủ dự kiến phát hành 45.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2011. Với lượng trái phiếu phát hành lớn như vậy, theo ông, chúng ta có thể giảm được lãi suất, bội chi ngân sách?
Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi phương thức, cách đầu tư ngân sách. Còn nếu vẫn duy trì cách đầu tư công như hiện nay, chúng ta phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng không đủ. Theo đó, chúng ta phải thuân thủ hai nguyên tắc đầu tư: một là phí tổng cơ hội, theo đó dự án nào có hiệu quả trước ta làm trước thay vì dàn đều. Thứ hai là phải tuân thủ tính đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, cách chúng ta làm là trải đều vốn cho tất cả các tỉnh, thành phố, các ngành, mỗi nơi một chút, và kéo dài dự án 3 năm, 5 năm, 7 năm mới hoàn thành. Thay vì vậy, chúng ta phải bàn, thống nhất trong tài khóa này tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề nào, làm dứt điểm rồi mới chuyển sang chương trình khác, dự án khác. Nên bây giờ, nếu dừng phát hành trái phiếu, hàng loạt công trình dang dở sẽ “lôi thôi”. Nhưng nếu phát hành không thay đổi phương thức thì năm nào chúng ta cũng sẽ bội chi.
Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyễn – Tư Giang (thực hiện)
sài gòn tiếp thị
|