Thứ Ba, 02/11/2010 06:21

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM:

Kiềm chế lạm phát một con số là thành công

Mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Co-opMart.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm đã tăng 7,58% so với thời điểm tháng 12-2009, vượt qua mức 7% theo Nghị quyết của Quốc hội và tiến sát mức 8% mà Chính phủ đưa ra năm 2010. Dự kiến 2 tháng cuối năm, CPI sẽ tiếp tục tăng cao. TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, chia sẻ vấn đề này với PV Báo SGGP. Ông Lịch nhận định:

Trong năm 2010, việc giữ chỉ số CPI ở một con số là thành công. Ngay cả mục tiêu Quốc hội đưa ra là 7%, rồi sau đó Chính phủ trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ nâng lên 8% là những ý tưởng mang tính quyết tâm để chúng ta kiềm chế thôi. Còn thật sự các chuyên gia kinh tế và bản thân tôi, cuối năm ngoái cũng đã dự báo và đề xuất năm 2010 là nên chủ động kiềm chế tốc độ lạm phát ở một con số. Ngay quý 4-2009, Việt Nam  đứng trước một mâu thuẫn vừa muốn phục hồi tăng trưởng nhưng lại chống cả lạm phát. Vì gốc của Việt Nam, lạm phát xuất phát từ cơ cấu kinh tế và đặc biệt với một cơ cấu kinh tế phải luôn ứng phó với nhập siêu, làm cho mất cân đối nghiêm trọng về cán cân thanh toán quốc tế tổng thể. Chính sự thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như vậy áp lực lên giá trị đồng tiền, áp lực lên tỷ giá…

Chính vì thế, dù nỗ lực thế nào, trong năm nay ta cố gắng giữ lạm phát ở mức một con số là thành công và tôi nghĩ sẽ ở mức 9%.

° PV: Diễn biến CPI 10 tháng qua theo ông có gì bất thường?

° TS TRẦN DU LỊCH: Có một phần bất thường, vì 10 tháng đầu năm nay, diễn biến CPI không theo các quy luật những năm trước. Nguyên nhân xuất phát từ độ trễ của khối chính sách kích cầu năm ngoái phát huy tác dụng chậm hơn; nguồn chi từ đầu tư. Riêng chuyện chúng ta tập trung cho các loại trái phiếu Chính phủ các dự án cũng tác động rất lớn. Chính phủ phát hành đến 45.000 tỷ đồng trái phiếu và dòng tiền bơm vào thị trường tác dụng ngay cuối quý 3 vừa rồi. Năm 2010, khuynh hướng chi tiêu cũng tăng rất cao vì do chúng ta có nhiều ngày lễ lớn. TPHCM trong 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu dịch vụ và thương mại tăng đến 33%; nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng tới 25%, đẩy tổng cầu của nền kinh tế lên rất lớn. Đó là thể hiện qua tháng 9, 10 vừa rồi. Còn vào tháng 11, 12 cuối năm, các công trình tập trung giải ngân, quyết toán nên dòng tiền sẽ tăng mạnh hơn. Trong 2 tháng cuối năm, nếu kiềm chế ở mức dưới 1%/tháng là rất xuất sắc và CPI cả năm sẽ ở mức 9%.

° Lạm phát cao ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu kéo giảm lãi suất?

° Chính phủ muốn kéo lãi suất xuống là đúng nhưng không thể làm một sớm một chiều được, không thể 1 tháng, 2 tháng có thể kéo xuống ngay 1-2% được. Bởi vì lãi suất dựa vào cung cầu tín dụng và kỳ vọng vào chỉ số lạm phát. Giữa năm chúng ta kỳ vọng 7%, để bảo đảm lãi suất dương là 2,5% thì lãi suất huy động phải rơi vào 9,5%; còn bây giờ, khi kỳ vọng lạm phát lên 9%, rồi cộng 2% nữa là lên 11%. Vì vậy làm sao mà kéo xuống ngay được. Nếu kéo lãi suất dương quá thấp, người dân, doanh nghiệp không gửi tiền nữa mà chuyển sang đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế là hỏng.

° Một trong nguyên nhân khiến lãi suất không hạ được và lạm phát như ông vừa đề cập là do lượng phát hành trái phiếu chính phủ quá lớn. Dù Chính phủ đã trình giảm xuống nhưng mức giảm đó đã hợp lý chưa?

° Tôi cho đây là vấn đề rất lớn khác. Chúng ta phải thay đổi phương thức, cách đầu tư ngân sách. Chúng ta phải tuân thủ 2 nguyên tắc đầu tư. Một là cái gì có hiệu quả trước thì làm trước, làm có lựa chọn chứ không dàn đều. Hai là phải tuân thủ tính đồng bộ và phải làm nhanh. Bây giờ thay vì ta trải đều tất cả tỉnh thành, các ngành mỗi thứ một chút, và kéo dài dự án 3 năm, 5 năm, 7 năm mới hoàn thành, thì theo tôi hãy bàn thống nhất trong tài khóa này tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề nào. Hiện nay chúng ta có quá nhiều chương trình mục tiêu dàn đều như vậy. Phải làm dứt điểm công trình cấp bách trước, chấp nhận công trình khác chậm lại, còn hơn dàn hàng ngang. Không thể dừng phát hành trái phiếu vì còn nhiều công trình đang dang dở. Nhưng nếu phát hành mà không thay đổi phương thức, cứ để dây dưa qua các năm thì không thể nào hạn chế bội chi.

° Thưa ông, ông lý giải thế nào về việc đồng USD trên thế giới ngày càng có xu hướng giảm giá, nhưng ở thị trường Việt Nam lại theo chiều hướng ngược lại?

° Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh tiền tệ trên thế giới, Mỹ luôn muốn giảm đồng USD để giảm áp lực nhập siêu, đồng thời ép các nước khác tăng giá lên. Còn tại Việt Nam, USD lại tăng giá vì bản thân đồng Việt Nam đã mất giá ngay trên thị trường của mình thông qua lạm phát rồi. Thành ra, thực sự là tỷ giá hiện nay giữa VND và USD là chưa tương xứng với sự mất giá của VND ngay chính trên thị trường của mình, nên không thể nói là USD tăng hay giảm giá được

Phan Thảo (ghi)

Sài Gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Công thương giải trình chuyện thiếu điện (01/11/2010)

>   Cho thuê 9.777 ha đất rừng trong 35 năm, thu ngân sách 1 tỷ đồng/năm (01/11/2010)

>   Việt Nam chọn Nhật Bản làm đối tác khai thác đất hiếm (31/10/2010)

>   Tránh “lệch pha” trong cấp phép (01/11/2010)

>   7 phút, 2 ngày và những nỗi lo (01/11/2010)

>   Đưa sân bay Phú Quốc vào khai thác trong tháng 10/2011 (01/11/2010)

>   Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm vụ Vinashin (01/11/2010)

>   Đưa trạm 500kV lớn nhất nước vào vận hành (01/11/2010)

>   800 triệu USD đầu tư vào Hà Nội trong năm 2010 (01/11/2010)

>   Lạm phát khó dừng ở mức 8% (01/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật