Cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản
Chính phủ Việt Nam ủng hộ Nhật Bản thực hiện dự án nhà máy điện nguyên tử thứ hai.
Theo nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần như chắc chắn, Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn Nhật Bản làm nhà thầu cho dự án nhà máy điện nguyên tử thứ hai ở Ninh Thuận. Sự ủng hộ này của Chính phủ Việt Nam xuất phát từ mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai nước.
Liên quan tới dự án này, ngày 29/10, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Akihiro Ohata đã bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn Nhật Bản là đối tác thực hiện dự án điện nguyên tử thứ hai. “Chúng tôi cam kết cung cấp công nghệ hết sức an toàn. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tài chính ở mức cao nhất có thể”, Bộ trưởng Akihiro Ohata nói.
Đánh giá cao công nghệ hạt nhân của Nhật Bản, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, ông đã nhiều lần đến thăm nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản, cũng như các cơ sở chế tạo thiết bị điện hạt nhân. “Chúng tôi nghĩ rằng, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, chỉ có Nga và Nhật Bản là cường quốc về điện nguyên tử. Hiện nay, Việt Nam đã hợp tác với Nga ở dự án nhà máy điện nguyên tử thứ nhất, thì khả năng hợp tác với Nhật Bản cũng là dễ hiểu và chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói và bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính để thực hiện dự án này.
Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, vì Nhật Bản là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nên các khoản viện trợ tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc của OECD.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn tham gia dự án nhà máy điện nguyên tử thứ hai ở Ninh Thuận. Tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã đề xuất với Việt Nam một gói hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử. Đây là một gói hỗ trợ toàn diện, bao gồm cả các hỗ trợ về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp nhiên liệu, cũng như bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân…
Trong khi đó, 7 tên tuổi lớn của Nhật Bản, bao gồm các tập đoàn Điện lực Tokyo, Điện lực Chubu, Điện lực Kansai, Toshiba, Hitachi, Mitsubishi và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhật Bản sẽ cùng nhau thành lập Công ty Phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế. Công ty này đóng vai trò đầu mối và sẵn sàng đáp ứng tất cả các nhu cầu của Việt Nam liên quan đến xây dựng, phát triển điện hạt nhân.
Cũng theo đề xuất của Nhật Bản, thì ngoài việc hỗ trợ tài chính trong việc nghiên cứu tiền khả thi các dự án, sẽ có một khung pháp lý nhằm hỗ trợ tài chính và đảm bảo (với sự cân nhắc về các khía cạnh an toàn môi trường và xã hội) 85% tổng số các thiết bị có liên quan được nhập khẩu từ Nhật Bản khi các công ty Nhật Bản nhận được đơn thầu xây dựng các dự án ở Việt Nam. Phía Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến các dự án điện nguyên tử.
Trong khi đó, về việc đảm bảo nhiên liệu, các công ty Nhật Bản cũng sẽ thiết lập một hệ thống đảm bảo cung cấp dài hạn, ổn định, với chi phí hợp lý cho các nhà máy năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng sẽ đảm bảo và chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề sử dụng nhiên liệu và quản lý rác thải phóng xạ.
Bên cạnh dự án điện nguyên tử, theo Bộ trưởng Akihiro Ohata, phía Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến việc khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu). “Nhật Bản rất mong hai nước có thể cùng nhau khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao. Đây sẽ là dấu ấn trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản”, Bộ trưởng Akihiro Ohata nói và cho biết, bên cạnh sự hợp tác ở cấp doanh nghiệp, Nhật Bản sẵn sàng triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác, như nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công nghệ từ khâu khai thác tới sàng lọc...
Không những quan tâm tới mỏ Đông Pao, Nhật Bản còn mong muốn được khai thác toàn bộ các mỏ đất hiếm ở Lai Châu. “Chúng ta có thể thành lập một diễn đàn, lấy ý kiến của các chuyên gia để đưa ra những giải pháp thích hợp”, Bộ trưởng Akihiro Ohata nói.
Liên quan tới dự án này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác lâu dài với Nhật Bản trong lĩnh vực khai thác đất hiếm. “Để đảm bảo sự hợp tác lâu dài, cần có sự thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ, từ khâu thăm dò, khai thác, đến chế biến...”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Hà Nguyễn
đầu tư
|