Cổ phiếu chứng khoán “bốc đầu”
Lượng cầu “khủng” đẩy giá những cổ phiếu chứng khoán hàng đầu bật tăng trong phiên ngày 30/11 đem lại kỳ vọng về một sự khởi sắc dài hơi.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trước đây vẫn được xem là chỉ báo của dòng vốn đầu cơ. Tuy nhiên kể từ đầu quý 3 đến nay, nhóm cổ phiếu này thực sự gây thất vọng với kết quả kinh doanh tồi tệ cùng với diễn biến èo uột của thị trường. Liệu những chuyển biến bất ngờ gần đây có làm thay đổi xu hướng?
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 chứng kiến diễn biến thường thấy trong một chu kỳ tăng dài với lượng cầu chặn mua giá trần cực lớn ở những mã như SSI, KLS, BVS, HCM. Gần như toàn bộ nhóm cổ phiếu chứng khoán trong phiên hôm nay đều tăng giá, nhưng tâm điểm chú ý thường tập trung vào các mã dẫn dắt.
SSI có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp với khối lượng khớp lệnh đột biến: gần 4,02 triệu cổ phiếu. Sổ lệnh khớp với SSI cho thấy chỉ có 3 mức giá khớp, từ 24.500 đồng/cổ phiếu tới 24.700 đồng cổ phiếu. Tại giá trần, SSI giao dịch tới 3,15 triệu đơn vị, chiếm 78,5% tổng thanh khoản. Cuối ngày SSI vẫn dư mua trần trên 178.000 đơn vị, chưa kể lượng mua ATC.
KLS có một phiên giao dịch “khủng” với kịch bản quen thuộc: giá được “đóng đinh” mức trần do lượng cầu chặn ngay từ lúc mở cửa. Toàn bộ 1,85 triệu KLS được khớp hôm nay là bên bán thoát hàng. Thanh khoản sụt giảm khoảng 59% so với phiên trước. Có lẽ cung không “dám” bán mạnh khi bên mua biểu dương lực lượng hùng hậu như vậy.
Kịch bản tương tự cũng đến với BVS và cổ phiếu này cùng với KLS hợp thành bộ đôi “đình đám” trên HNX: Cầu chặn mua lúc đóng cửa vẫn còn khoảng 615.000 đơn vị ở giá trần. Tuy nhiên lượng giao dịch của BVS khá thấp với hơn 705.000 đơn vị và chỉ có một mức giá khớp tại trần.
HCM “đuối” nhất trong nhóm. HCM là một trong những mã blue-chip của HOSE bị xả trần khá sớm và bị bán ép về giá 29.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 5 bước giá so với mức cao nhất.
Đặc điểm chung của đa số cổ phiếu nhóm chứng khoán hai phiên gần đây là đều xuất hiện khối lượng giao dịch đột biến. SSI hôm nay thanh khoản kỷ lục trong 6 tháng gần đây. KLS hôm qua cũng nỗ lực tiêu hóa lượng bán ra mạnh nhất trong vòng 2 tháng. BVS đạt mức giao dịch cao nhất từ ngày 19/10/2010.
Dĩ nhiên không phải tất cả các cổ phiếu thuộc ngành này cùng tăng như nhau. SBS là ví dụ về sự lạc lõng khi chỉ khớp loanh quanh tham chiếu hôm nay. Số khác tăng yếu như APG, GBS, PHS, VDS... Tuy nhiên những cổ phiếu của các công ty chứng khoán hàng đầu hay những mã có tính đầu cơ cao luôn xảy ra đột biến từ rất sớm. Sự lan tỏa từ những mã này ảnh hưởng mạnh đến các cổ phiếu khác trong ngành. VIX – cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Vincom từng bị bán đổ bán tháo với tin thu hẹp hoạt động, giải tán chi nhánh Hà Nội hôm nay cũng kịch trần.
Nhóm chung 25 cổ phiếu chứng khoán đang niêm yết trên cả hai sàn lại thành một chỉ số chung thì diễn biến trong 7 phiên gần đây khá tốt: tăng trưởng đạt 13,3%. Căn cứ theo chỉ số này thì nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm rất mạnh kể từ tháng 7 đến nay. Đợt giảm mạnh nhất là quý 3 vừa qua, phù hợp với kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Vậy nguyên nhân của sóng tăng giá đang diễn ra là gì?
Mức độ giảm giá của các cổ phiếu chứng khoán đã khá mạnh và rất có thể đã phản ánh hết những gì xấu nhất của quý 3 vừa qua. Tính từ đầu tháng 9/2010 đến thời điểm VN-Index chạm đáy ngày 22/11, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm tương đối mạnh: SSI giảm 23,5% về giá thấp nhất 21.800 đồng/cổ phiếu; BVS giảm 38,4%, giá thấp nhất 13.400 đồng/cổ phiếu; HCM giảm 24,6%, giá thấp nhất 26.100 đồng/cổ phiếu...
Với nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán nhỏ hơn, mức giảm giá còn lớn hơn, khoảng 20-30% so với thời điểm đầu quý 3. Ngay đến thời điểm này, cũng có khoảng 19 cổ phiếu trong nhóm đang giao dịch loanh quanh mệnh giá. Mức giá thấp như vậy có thể tạo ấn tượng “rẻ” và khó có thể giảm sâu hơn.
Triển vọng kinh doanh của các công ty chứng khoán quý 4 vẫn là ẩn số. Thanh khoản thời gian qua giảm, mảng dịch vụ tài chính khó “kiếm” nhiều như trước, giá đa số cổ phiếu chưa phục hồi được bao nhiêu. Khả năng hoàn nhập dự phòng cũng chưa rõ ràng. Một số công ty ghi nhận lượng tiền mặt lớn cuối quý 3 có thể nắm được lợi thế nhưng cũng chưa hẳn sẽ tối đa hóa được lợi nhuận từ lượng tiền mặt đó.
Tuy nhiên, thị trường có thể suy luận xa hơn: Liệu đáy xấu nhất của thị trường năm nay đã xác lập chưa? Hiện tại ngưỡng 420 điểm của VN-index được xem là trụ vững ngay cả những tình huống bi quan nhất. Khả năng phục hồi đến đâu chưa rõ, nhưng nếu không thể xấu hơn thì rất có thể các công ty chứng khoán đã phải gánh chịu những tác động bất lợi nhất và giá có thể đã chạm đáy.
Khối lượng giao dịch tăng vọt ở đa số cổ phiếu chứng khoán hai phiên gần đây cho thấy dòng vốn đầu cơ bắt đầu chảy mạnh. Không phải ngẫu nhiên dòng vốn này chấp nhận mua vào khối lượng lớn như vậy. Khi giá đã giảm sâu thì chi phí vốn để giải quyết khối lượng cổ phiếu sẵn sàng cắt lỗ cũng không quá lớn. SSI là ví dụ: hôm nay xả hàng rất mạnh, giá thậm chí lùi nhẹ khỏi mức sàn nhưng rốt cuộc vẫn được đẩy lên vững chắc. Thông thường dòng vốn lớn chủ động vào trước và phát tín hiệu rõ ràng thì số đông còn lại mới cùng tham gia. Các mã cổ phiếu chứng khoán “nóng” hôm nay đều thanh khoản cả mua và bán dễ dàng chỉ cách đó vài phiên.
Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh sẽ tạo ra sức đẩy. Khi cơ hội lợi nhuận nhiều tháng nay khá hiếm hoi thì nhà đầu cơ khó có thể bỏ qua.
Khánh Hà
tbktvn
|