Thứ Bảy, 13/11/2010 14:43

Chứng khoán không dễ “ăn xổi”

Trong khi TTCK nhiều nước trên thế giới có những chuyển biến tích cực, lấy lại điểm số của thời kỳ trước đen tối khi khủng hoảng xảy ra, thì thị trường Việt Nam lại vơi đi khá nhiều điểm số.

So với đầu năm, VN-Index hiện giảm hơn 13%, HNX-Index giảm hơn 41%. Thanh khoản giảm mạnh từ hơn 4.000 tỷ đồng/phiên xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng/phiên trên cả 2 sàn. Có nhiều lý giải như nguồn cung năm nay quá lớn, áp lực tăng vốn từ các ngân hàng, nhập siêu, tỷ giá, lạm phát…, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do tâm lý "ăn xổi" của nhiều NĐT.

Có rất nhiều cổ phiếu tốt, với nền tảng hoạt động kinh doanh và triển vọng kinh doanh sáng sủa, cũng đi xuống theo xu hướng chung của thị trường. Sự bắt đáy hầu như chỉ diễn ra ở các cổ phiếu có tính đầu cơ mạnh, với sự dao động giá rất lớn trong ngắn hạn. Nói cách khác, hoạt động bắt đáy chỉ diễn ra ở phương diện kỹ thuật hơn là phương diện cơ bản của cổ phiếu, của DN. Một số cổ phiếu blue-chip được NĐT nước ngoài tăng mua tại thời điểm thị trường "đỏ" mạnh trong ngày. Tuy nhiên, không nên hiểu đây là hoạt động thu gom, vì nếu thực sự vì mục tiêu này thì họ có thể "mượn gió bẻ măng" khi thị trường hoảng loạn và chờ đợi giá giảm thêm. Điều này phần nào làm "méo" đi sự vận động của chỉ số chung.

Có thể nói, xu hướng đầu tư giá trị của NĐT là khá ít, trong khi tinh thần đầu tư lướt sóng lại quá lớn. Quá ít cổ phiếu đi ngược thị trường và tăng giá hoặc chí ít là đi ngang trong thị trường giá xuống, cho dù nền tảng cơ bản của DN rất tốt. Dường như NĐT chỉ muốn và thấy một điều trước mắt là tiền phải sinh sôi nảy nở nhanh chóng và thấy được trong ngắn hạn, thậm chí chỉ vài ngày, trong khi DN phải cần rất nhiều thời gian để tạo ra lợi nhuận, gia tăng giá trị DN. Ai cũng cho cổ phiếu tại thị trường Việt Nam là rẻ so với nhiều nước, trong một đất nước phát triển đầy năng động và nhiều tiềm năng, nhưng mấy ai thực sự hành động vì điều này?

Thực ra, lướt sóng hay đầu cơ thì không TTCK nào không có. Tuy nhiên, điều đáng nói là thị trường Việt Nam thiếu một lực lượng chuyên nghiệp, hay nói cách khác là quá mỏng để thắng lại lực lượng lướt sóng. Tinh thần lướt sóng hay nói đúng hơn là hoạt động đầu cơ của NĐT lớn tới mức nào thì nhìn vào các cơn sốt vàng, ngoại tệ, đất đai… cũng sẽ thấy.

Quá nhiều hành động lướt sóng, thiếu sự tham gia đầu tư dài hạn cho thấy TTCK Việt Nam cho đến nay cũng mới chỉ là sân chơi "tay trái" của đa số NĐT. Do đó, sự vận động của thị trường và nhiều mã cổ phiếu thường xuyên "không giống ai". Cũng vì tham gia với "bàn tay trái" nên NĐT chỉ thực sự sốt sắng khi thị trường bùng nổ, còn khi thị trường đổ dốc hoặc trong cảnh chợ chiều thì thiếu vắng NĐT, đặc biệt là NĐT dài hạn.

Với diễn biến lình xình trong xu hướng giảm kéo dài thời gian qua, TTCK Việt Nam thực sự là liều thuốc thử tương đối mạnh đối với sự kiên nhẫn, sự hoài nghi kiến thức và bản lĩnh của NĐT dài hạn.

Để thắng được sự lướt sóng ngắn hạn, thậm chí cực ngắn T+0, T+4, thị trường cần có được lực cầu và sức mạnh dòng tiền lớn tại các đỉnh cao kỹ thuật, tức là tại các ngưỡng kháng cự. Nhưng năm nay, dòng tiền đã không ủng hộ thị trường. Với mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với năm trước, cộng với lãi suất cao và sự không khuyến khích tham gia thị trường của các tập đoàn kinh tế nhà nước (thậm chí một số phải thoái vốn) đã không tạo điều kiện và kích thích dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán như năm 2009.

Với một thị trường mà ai cũng có tư tưởng trước mắt và thắng trong ngắn hạn bằng sức mạnh của dòng tiền, mà chưa chú ý nhiều đến các yếu tố căn bản và tiềm năng dài hạn của DN để "chung sống cùng", thì khi không được hỗ trợ bởi dòng tiền, thị trường khó mà đi lên.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, thị trường sẽ dành phần thưởng xứng đáng cho những NĐT biết "nếm mật nằm gai", những người có kiến thức và tỉnh táo, đủ lực và bản lĩnh chấp nhận thực tế khắc nghiệt của thị trường để đợi đến ngày đơm bông kết trái. Bất kỳ cái gì tồn tại trên đời đều phải chứng minh được cái lý của nó. TTCK cũng vậy, nó cũng phải đem đến trái ngọt cho người tham gia, như thế mới tồn tại trên khắp thế giới hàng trăm năm qua.

Đinh Xuân Tấn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK “sợ hãi” trong vòng xoáy lãi suất, tỷ giá và vàng (13/11/2010)

>   "Ánh sáng" trên thị trường đang dần được hé lộ (12/11/2010)

>   Cổ phiếu ngược dòng sàn HNX: Hài hước với thanh khoản (12/11/2010)

>   AMV: Mạnh tay xử “đội” làm giá chứng khoán (12/11/2010)

>   Việt Nam đang hút vốn từ Trung Quốc (12/11/2010)

>   HSBC “không cho là VN-Index sẽ còn giảm nhiều” (12/11/2010)

>   Thời điểm dòng tiền trở lại không còn xa (12/11/2010)

>   Quỹ đầu tư nước ngoài: Thời oanh liệt nay còn đâu! (12/11/2010)

>   Làm gì khi thị trường lao dốc? (12/11/2010)

>   Kiên nhẫn chờ diễn biến tỉ giá và lạm phát (12/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật