Sẽ có dữ liệu đầy đủ và cập nhật về doanh nghiệp FDI
Tại Lễ khởi động Chương trình khảo sát Đầu tư công nghiệp Việt Nam 2010, TS. Brian Portelli, chuyên gia tư vấn thuộc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam khẳng định, mục tiêu chính của khảo sát là nắm bắt thông tin chính xác về hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Thưa ông, đặt mục tiêu lấy dữ liệu về doanh nghiệp FDI, vậy tại sao, Chương trình khảo sát được tiến hành với cả doanh nghiệp Việt Nam?
Mẫu khảo sát dự kiến là 1.644 doanh nghiệp, được lựa chọn ngẫu nhiên từ 6.836 doanh nghiệp thuộc 9 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong số này, 60% là doanh nghiệp FDI.
Mục tiêu của Chương trình khảo sát là tìm hiểu đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng. Tuy nhiên, sẽ không thể đánh giá được đầy đủ hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI, tác động của khu vực này tới các doanh nghiệp nội địa, nếu như không có đánh giá từ chính các doanh nghiệp Việt Nam. Câu hỏi lâu nay về tác động lan tỏa của FDI tới các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm được câu trả lời thông qua sự có mặt của khoảng 40% trong tổng số mẫu điều tra là doanh nghiệp trong nước.
Chúng tôi cũng đặt câu hỏi điều tra đối với các địa phương, với kỳ vọng sẽ có thêm nhận định, đánh giá về những đóng góp, tác động thực sự của FDI tới nền kinh tế Việt Nam.
Nói ngắn gọn, kết quả cuối cùng của Chương trình khảo sát này gì, thưa ông?
Đó là đưa ra các bằng chứng mang tính hệ thống nhằm đánh giá tác động của đầu tư nước ngoài tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam thông qua việc đánh giá tác động của khu vực đầu tư nước ngoài tới sự phát triển của khu vực trong nước.
Kết quả khảo sát cũng sẽ làm rõ những gì đang có trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI, sự khác biệt chính xác giữa những cam kết và việc thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với những dữ liệu được cập nhật, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có được bức tranh đầy đủ để làm căn cứ trong xây dựng, điều chỉnh chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài trong từng giai đoạn một cách phù hợp và hiệu quả.
Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ được lợi gì từ Chương trình khảo sát này?
Kết quả của cuộc khảo sát sẽ được tích hợp trên hệ thống có tính tương tác dựa trên nền tảng web là Hệ thống theo dõi đầu tư Việt Nam và được cập nhật 2 năm một lần. Hệ thống này cho phép các chủ thể liên quan, bao gồm cả các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, có thể tra vấn thông tin.
Các con số cụ thể, mang tính chính thức và cập nhật về tình hình hoạt động, quy mô của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, xu hướng thị trường, sản phẩm… sẽ là dữ liệu đầu vào quan trọng trong các kế hoạch, quyết định đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, khảo sát này là một hoạt động trong 3 hợp phần của Chương trình trao đổi thầu phụ và Lập quan hệ đối tác. Kết quả khảo sát sẽ là đầu vào cho 2 hoạt động tiếp sau là trao đổi thầu phụ và lập quan hệ đối tác. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể tìm kiếm các hỗ trợ về quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các doanh nghiệp lớn. Như vậy, có thể nói, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ các chương trình này.
Khánh An
Đầu tư
|