Lâm Đồng: Thu hút đầu tư, liệu có gặp khó?
Ngày 17.10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công bố danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2020 theo quyết định mới đây do Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hòa bút phê (quyết định số 2231/QĐ-UBND).
Theo quyết định này, từ nay đến 2020, trên địa bàn Lâm Đồng có 29 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 6 dự án trọng điểm.
Nằm trong chiến lược phát triển
Sáu dự án được xác định là “trọng điểm” để kêu gọi đầu tư nói trên, gồm: Làng đại học quốc tế, khu du lịch hồ Prenn, khu du lịch Dan Kia, khu đô thị mới Liên Khương, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm. Về quy mô kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án, thấp nhất là dự án đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm 320 triệu USD, cao nhất là khu đô thị mới Liên Khương 3 tỉ USD; các dự án còn lại có vốn từ 1 tỉ đến 2,2 tỉ USD. Ngoài ra, 23 dự án còn lại được “phân bổ” cho nhiều lĩnh vực, với quy mô từ vài trăm USD đến hàng ngàn USD.
Như vậy, tuy số lượng dự án không nhiều nhưng quy mô các dự án kêu gọi đầu tư của Lâm Đồng giai đoạn từ nay đến 2020 được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay. Song, vấn đề đáng quan tâm là, sau những “cuộc chấn chỉnh đầu tư” trong thời gian gần đây ở Lâm Đồng, không ít người quan ngại rằng việc kêu gọi đầu tư vào địa phương sẽ gặp những khó khăn nhất định. Vấn đề này sẽ được lý giải như thế nào? Trước hết, cần thấy rõ, hầu hết các dự án đưa ra lần này đều nằm trong chương trình huy động vốn từ diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên của tỉnh Lâm Đồng hồi cuối 2009.
Tuy nhiên, so với diễn đàn trên, một số dự án kêu gọi đầu tư mà tỉnh Lâm Đồng đưa ra lần này có quy mô lớn hơn về vốn (ví dụ như dự án đường cao tốc Liên Khương – Dầu Giây đã tăng từ 65 triệu USD lên 2,2 tỉ USD). Vấn đề đáng quan tâm nữa là, chương trình kêu gọi vốn đầu tư của Lâm Đồng không nằm ngoài chiến lược phát triển KT-XH của địa phương là “phát huy tối đa nguồn nội lực, thu hút có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao nhịp độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển...” mà Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định.
Làm trong sạch môi trường đầu tư
Trong thời gian gần đây, Lâm Đồng là một trong những địa phương “nổi tiếng” là đang chủ trương siết chặt các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, theo chủ trương của UBND tỉnh, toàn bộ các dự án du lịch và bất động sản trên địa bàn Lâm Đồng đều phải được rà soát để có những chấn chỉnh kịp thời (dự kiến vào giữa tháng 11 tới sẽ hoàn tất). Cũng cần nói thêm rằng, trong số gần 600 dự án đầu tư đã cấp phép trong hơn 6 năm qua, Lâm Đồng đã “mạnh tay” thu hồi 170 dự án bởi các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết; trong đó, có khoảng 40 dự án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp với tổng diện tích đất bị thu hồi lên đến gần 5.000ha. Và, chắc chắn sau cuộc rà soát các dự án đầu tư du lịch (đang tiến hành), sẽ có thêm một số chủ đầu tư sẽ “ra đi”.
Tại một vài cuộc hội thảo về thu hút đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Đức Hòa vẫn thường xuyên nhắc lại ý: Lâm Đồng sẽ “ưu đãi tốt nhất có thể” cho nhà đầu tư trong khung ưu đãi mà Chính phủ cho phép; đồng thời, “sẵn sàng nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhà đầu tư”.
Việc rà soát các dự án đầu tư để kịp thời chấn chỉnh song song với thực hiện kêu gọi đầu tư là việc làm cần thiết, nhằm làm trong sạch môi trường đầu tư và phát huy chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi “Việc thu hút đầu tư vào Lâm Đồng từ nay đến năm 2020 liệu có gặp khó khăn gì không?”.
Khắc Dũng
lao động
|