Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII:
Làm rõ vốn của dân trong các tập đoàn
Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Đinh Xuân Thảo cho rằng, chương trình kỳ họp thứ 8 sẽ rất nặng. Quốc hội sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc quản lý nợ công, sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
|
Ông Đinh Xuân Thảo |
Ông Thảo cho biết, tại kỳ họp này, Luật Bầu cử đại biểu HĐND sẽ được thông qua ngay trong một kỳ họp, với hình thức dùng một luật để sửa nhiều luật, để phục vụ cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND trong cùng một ngày vào năm 2011. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 nghị quyết…
Về kinh tế - xã hội, kỳ họp này sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
Quốc hội lần này diễn ra đúng dịp kết thúc 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (2005- 2010), kết thúc chiến lược 10 năm (2001- 2010), nhất là khi chúng ta vừa trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế.
Giờ đây, phải đánh giá lại xem hiện nay chúng ta đang ở đâu. Điều này phải được đánh giá kỹ để tìm ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2010, kế hoạch năm 2011.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 21 chỉ tiêu chủ yếu thì có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đánh giá chung là nền kinh tế phục hồi khá nhanh, tốc độ tăng trưởng về cuối năm càng tăng cao hơn.
Vậy những hạn chế, yếu kém cần được Quốc hội mổ xẻ làm rõ là gì, thưa ông?
Theo tôi đó là vấn đề tổ chức tái cơ cấu nền kinh tế triển khai chậm. Lĩnh vực cung ứng điện khiến xã hội kêu nhiều. Thiếu điện trầm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thị trường tài chính chưa ổn định, lãi suất ngân hàng cao đã gây khó khăn cho đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị yếu kém, thiếu đồng bộ đã hạn chế sự phát triển. Đời sống nhân dân, nhất là vùng bị thiên tai, lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này có yếu tố khách quan, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành chưa tốt.
Ví như Hà Nội vừa rồi, tổ chức Đại lễ lớn như vậy, nhưng hôm bế mạc đi vào sân vận động Mỹ Đình không nổi. Rõ ràng, cơ sở vật chất, điều kiện của chúng ta chỉ có vậy thôi. Nhưng ở đây là sự quản lý yếu kém, không trù liệu hết các phương án. Rất nhiều con đường có thể vào sân vận động Mỹ Đình, lẽ ra phải có một con đường riêng cho khách mời nhưng lại không làm, để cho hỗn loạn lên như vậy.
Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ quan ở đây là năng lực quản lý. Quốc hội cần tập trung thảo luận để có giải pháp trong quản lý, điều hành xã hội của các cơ quan nhà nước trong giai đoạn tới.
Một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có một báo cáo về tình hình nợ công, trong đó có việc sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, quan điểm của ông ra sao?
Hiện nay thì chưa thấy có báo cáo này. Thực ra, việc sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã được giám sát, nhưng hướng khắc phục ra sao vẫn chưa rõ. Vấn đề nợ công tôi nghĩ phải có báo cáo rõ bởi liên quan đến tình hình bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp đi vay nước ngoài.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc Quốc hội quyết ngân sách vẫn còn hình thức?
Tôi nghĩ vấn đề là phải công khai, minh bạch thông tin, nhất là những khoản Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay. Nếu doanh nghiệp thua lỗ là Nhà nước phải gánh hậu quả. Do vậy, Quốc hội cần phải được báo cáo kịp thời để chủ động giám sát.
Theo tôi, tại những phiên họp về ngân sách, cần có đại diện của Kiểm toán Nhà nước tham dự. Khi đại biểu nghe Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo thì có thể hỏi luôn Kiểm toán Nhà nước xem giải trình như vậy đúng chưa. Từ đó sẽ tăng thêm sự rõ ràng, minh bạch, niềm tin của đại biểu và nhân dân.
Cám ơn ông.
Hà Nhân thực hiện
tiền phong
|