Doanh nghiệp nên coi lạm phát là một biến số thường xuyên
Trước một số quan ngại về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng qua và những tháng tới, TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả khẳng định, điều quan trọng nhất không phải là mức tăng CPI 8% trong năm nay mà là không tạo ra hệ quả CPI tăng cao trong năm tới.
|
Theo TS Vũ Đình Ánh, mục tiêu phải nỗ lực đạt được trong năm nay là CPI tăng 1 con số (dưới 10%). |
- Thưa ông, trước những biến động liên tục về giá trong tháng 9 và hiện tượng giá vàng, USD - những “phong vũ biểu” của nền kinh tế - ở mức cao kỷ lục, nhiều người cho rằng nền kinh tế Việt Nam lại đối diện với nguy cơ lạm phát cao. Vậy quan điểm của ông thì sao?
Theo báo cáo tháng 9 của Tổng cục thống kê, CPI so với cùng kỳ 2009 đã tăng 8,92%, còn bình quân 9 tháng đã tăng 8,64%. Như vậy lạm phát ở nước ta tính theo CPI đã khá cao.
Hơn nữa, CPI các tháng cuối năm 2010 khó có thể giữ ở mức thấp nên xác suất lạm phát cao cả năm tương tự như năm 2004 - 2005 đang ngày càng gia tăng. Cái tôi cho rằng sẽ quyết định vấn đề lạm phát năm 2010 là những vấn đề liên quan đến công tác quản lý điều hành, đặc biệt là vấn đề quản lý điều hành giá cả. Đây đang là một vấn đề rất lớn mà hiện chúng ta đã cố gắng xử lý nhưng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
- Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do nguyên liệu đầu vào tăng. Với tư cách một chuyên gia chuyên nghiên cứu thị trường và giá cả, ông có cách lý giải nào khác không?
Giá cả và lạm phát tăng cao ở nước ta thường do nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi nguyên nhân lại chiếm ưu thế trong từng thời kỳ nhất định. Theo tôi, lạm phát 2010 là sự kết hợp của cả yếu tố giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu tăng, đi đôi với VND mất giá, trong khi sức mua trên thị trường cũng tăng mạnh, điển hình là tổng mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ 9 tháng qua đã tăng tới 25,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng tới 15,4%. Bên cạnh đó, cầu đầu tư cũng rất cao, với nhiều dự án đầu tư lớn, khiến cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng lên tới 44,2% GDP.
Rõ ràng lạm phát 2010 là do các yếu tố thị trường hàng hóa và thị trường tài chính tiền tệ biến động trên nền các nguyên nhân cố hữu liên quan tới chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại và chính sách đầu tư.
- Nhưng với tốc độ tăng CPI như 9 tháng vừa qua, đặc biệt là mức tăng kỷ lục trong tháng 9, theo nhiều chuyên gia, khả năng kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức 8% trong năm nay sẽ khó đạt được?
Với tôi, kiềm chế lạm phát năm 2010 không quan trọng ở con số CPI tăng bao nhiêu phần trăm. Tôi cho rằng, mục tiêu phải nỗ lực đạt được trong năm nay là CPI tăng 1 con số (dưới 10%). Quan trọng hơn là không tạo ra hệ quả CPI tăng cao trong năm tới, ngược lại kiềm chế tăng CPI năm 2011 càng thấp càng tốt và càng lâu càng tốt, gắn CPI với chương trình cấu trúc lại nền kinh tế, theo đó, điều chỉnh lại các chính sách kinh tế vĩ mô cho phù hợp.
- Nếu muốn đạt được mức lạm phát 1 con số như ông nói, chúng ta cần phải có những biện pháp cấp thiết và dài hạn như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng biện pháp chúng ta nói nhiều, thậm chí quá nhiều, song vấn đề lại là triển khai thực hiện như thế nào. Để kiểm soát lạm phát cả trong trước mắt, trung hạn và dài hạn, tôi cho rằng phải kết hợp cả 4 chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản là: chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ tín dụng và chính sách thương mại. Khuyết một trong các chính sách này đều dẫn đến “méo mó”, hạn chế tác động và hiệu quả kiềm chế lạm phát của mỗi chính sách. Trong ngắn hạn thì tôi cho rằng, phải kịp thời thắt chặt chính sách tiền tệ khi nguy cơ lạm phát dâng cao.
Thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ điều chỉnh phù hợp với trạng thái thắt chặt hay nới lỏng chính sách |
- Cái gì cũng có tác động 2 chiều, những biện pháp này sẽ giúp kiềm chế lạm phát nhưng đương nhiên nó cũng sẽ ảnh hưởng tới thị trường, tới khối doanh nghiệp sản xuất?
Các biện pháp chính sách trung dài hạn buộc các doanh nghiệp phải tự cấu trúc lại để tồn tại và tiếp tục phát triển. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nếu có, sẽ buộc các doanh nghiệp phải hoạch định lại kế hoạch đầu tư sản xuất của mình cho phù hợp.
Nhưng theo tôi, chúng ta không cần phải lo lắng nhiều. Thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có những điều chỉnh phù hợp với trạng thái thắt chặt hay nới lỏng chính sách.
- Vậy theo ông, ở thời điểm này doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?
Tôi không thể khuyên gì cho các doanh nghiệp. Chỉ có điều doanh nghiệp nên đặt biến động giá cả và lạm phát như một biến số thường xuyên, quan trọng hàng đầu trong kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh của mình, cả biến động giá “đầu vào” cũng như biến động giá “đầu ra”, cả biến động thị trường hàng hóa lẫn thị trường tài chính, cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài để sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp, tránh chỉ kêu ca trước các biến động đó.
Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ, trong mọi trường hợp, nhất là trong trường hợp lạm phát cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp phải xuất phát từ mức chi phí thấp nhất có thể chứ không phải từ giá bán cao nhất có thể.
- Xin cảm ơn ông!
Tăng cường các biện pháp bình ổn giá
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010.
Chỉ thị nêu rõ, những tháng cuối năm, kinh tế còn khó khăn, nhất là vốn cho sản xuất, cung ứng điện, cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, dịch bệnh gia súc có thể diễn biến theo chiều hướng không thuận sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả, thị trường.
Để bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức khoảng 8%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất đã được đề ra tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ
Chỉ thị cũng nêu rõ, chậm nhất trong quý 4 năm nay, các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng phải hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu như xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực và thuốc chữa bệnh. |
Ngọc Nhi
diễn đàn doanh nghiệp
|