"Khó giữ mức nợ công, nợ nước ngoài ở mức an toàn”
Quốc hội họp phiên cuối cùng của năm và là phiên áp chót của nhiệm kỳ. Đại hội đảng bộ các địa phương đã hay sắp kết thúc. Rất nhiều chỉ tiêu được đưa ra và thoạt nhìn nếu đạt được các chỉ tiêu ấy tương lai của đất nước xem ra khá sáng sủa. Hãy xem qua vài con số chỉ tiêu.
Từ 07 đến 14-10-2010, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khoá X) đã họp Hội nghị lần thứ 13 và đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-7,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.000USD, tăng 1,7 lần năm 2010; năng suất lao động năm 2015 gấp 2 lần năm 2010. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, kiểm soát nhập siêu đến năm 2015 còn dưới 15% kim ngạch xuất khẩu.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP. Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bình quân 5 năm ở mức dưới 5% GDP, phấn đấu đến năm 2015 còn 4,5%. Giữ mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% tổng lao động xã hội; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, tỉ lệ che phủ rừng vào năm 2015 đạt 42%...”.
Tuy nhiên, cũng nên xem xét các chỉ tiêu này từ nhiều khía cạnh.
Từ mục tiêu tăng GDP bình quân 7-7,5%/năm và đạt 2.000 USD GDP bình quân đầu người vào năm 2015, gấp 1,7 lần năm 2010, suy ra con số GDP/đầu người của 2010 là 1.176,5 USD. Cứ cho rằng GDP tăng trưởng với mức cao nhất nêu trên, 7,5%/năm, thì GDP năm 2015 bằng 1,44 lần của năm 2010. Giả như dân số Việt Nam không tăng trong thời gian đó, thì GDP/đầu người sẽ tăng 1,44 lần. Như thế con số tăng 1,7 lần là con số hơi khác, được tính theo giá thực tế đã bị tác động của lạm phát, nói cách khác mức tăng thực sự sẽ thấp hơn 1,44 lần.
Nhìn các đại hội địa phương, nơi nào cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao và nếu các địa phương làm được vậy thì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải là hai con số chứ không thể là 7-7,5%/năm được.
Tăng trưởng cao chưa có ý nghĩa nếu nó không bền vững, nếu huỷ hoại môi trường, nếu chỉ dựa vào tăng vốn đầu tư (và trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế giảm như các năm vừa qua, thì có nghĩa là tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào vốn nước ngoài).
Muốn năng suất lao động tăng 2 lần trong 5 năm thì tốc độ tăng năng suất lao động phải ở mức 14,4%/năm. Đáng tiếc đây là con số khó có thể đạt được nếu không có các chính sách phù hợp vì mấy năm nay tốc độ tăng năng suất là âm.
Lạm phát luôn là mối lo của mọi chính phủ, và tất nhiên là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Lạm phát cao sẽ khiến dư địa của các chính sách vĩ mô bị hẹp lại và khó phát huy tác dụng, đó là chưa nói đến những đau khổ do nó gây ra, nhất là với những người nghèo. Lạm phát, đồng tiền mất giá luôn là một loại thuế trá hình đánh vào tất cả mọi người và đánh nặng nhất vào những người nghèo. Lạm phát thấp phải là một mục tiêu cơ bản (nếu không nói là mục tiêu cơ bản nhất) của các chính sách kinh tế. Lạm phát trên 5% được coi là cao. Xét như thế thì thật khó hiểu khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chỉ tiêu “tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7%/năm”. Phải hạ chỉ tiêu này xuống.
Chỉ tiêu bội chi ngân sách, tức là mức nhà nước chi nhiều hơn thu và phải đi vay để chi tiêu, được đặt ra là, “bình quân 5 năm ở mức dưới 5% GDP, phấn đấu đến năm 2015 còn 4,5%”. Từ hàng chục năm nay, nếu chỉ tiêu “bội chi ngân sách dưới 5% GDP” thì năm nào chính phủ cũng báo cáo bội chi là 5% hay 4,9%, nhưng các tổ chức quốc tế cho rằng bội chi cao hơn nhiều. Liệu tập quán đó có tái diễn? Không nên đề ra các mục tiêu lỏng lẻo như vậy mà phải siết chặt kỷ luật chi tiêu của chính phủ. Quốc hội có quyền quyết định mọi vấn đề ngân sách, nhưng nếu “đường lối” là vậy thì liệu Quốc hội có thực thi được quyền của mình (mà danh nghĩa là quyền của nhân dân) hay không.
Tốc độ tăng nợ công của Việt Nam mấy năm vừa qua tăng rất nhanh, tiếp tục để thâm hụt ngân sách như vậy và chủ trương “đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP”, thì rất khó để “giữ mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn”.
Đấy là mới nhìn khái quát về các chỉ tiêu.
Nguyễn Quang A
lao động
|