Quản lý giá tốt, CPI cả năm không vượt quá 8%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đang gây lo ngại khó đạt được mục tiêu giữ tốc độ tăng CPI cả năm nay ở mức 8%. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa xung quanh việc khống chế để CPI không tăng quá mức trên.
Ông có thể lý giải hiện tượng CPI tháng 9 vừa rồi tăng tới 1,31%?
- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: CPI 9 tháng đầu năm nay tăng 6,46% so với tháng 12-2009 và tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2009. CPI 9 tháng qua tăng do nhiều nguyên nhân tác động: giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng, các yếu tố tài chính, tiền tệ, cung cầu... Riêng CPI tháng 9 tăng cao hơn các tháng trước chủ yếu là do có hai nhóm hàng giá tăng khá cao đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, đó là nhóm giáo dục (tăng 12%) và nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống (tăng 0,79%).
Hai nhóm hàng này đã đóng góp vào mức tăng của chỉ số tăng giá chung 1,31% là 1,003% (chiếm 76,56%). Còn các nhóm hàng khác chỉ tăng ở mức tăng xấp xỉ của tháng 8-2010.
Việc tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội có "đóng góp" gì cho mức tăng mạnh vừa qua của CPI?
- Thời điểm diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội không nằm trong thời điểm tính CPI tháng 9, do vậy không có tác động không nhiều đến CPI tháng 9 (mặc dù việc chuẩn bị được tổ chức từ nhiều tháng qua). Tuy nhiên, nó sẽ đóng góp vào mức tăng khá của CPI tháng 10.
Những ngày cuối tháng 9 và trong các ngày đại lễ diễn ra giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, chủ yếu tăng ở các chợ đầu mối và bán lẻ. Mặt hàng tăng chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau, củ, quả.
Có khả năng giá điện sẽ tăng theo xu hướng này không khi mà EVN dự báo vẫn thiếu điện ngay cả trong mùa mưa lũ?
- Thực hiện lộ trình điều hành giá điện theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010-2012, từ ngày 1-3-2010 giá điện đã được điều chỉnh (ở mức có kiềm chế) tăng 6,8% so với giá hiện hành. Sau khi điều chỉnh, giá điện được giữ ổn định đến hết năm 2010.
Xu hướng tăng giá hiện nay có kéo dài trong 3 tháng còn lại hay không, thưa ông?
- Ba tháng còn lại của năm 2010, tuy có những nhân tố tác động kiềm chế tốc độ tăng giá nhưng cũng có khá nhiều nhân tố gây sức ép đẩy mặt bằng giá tăng lên, cụ thể như nền kinh tế thế giới được đánh giá là sẽ phục hồi khá hơn nên nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng sẽ đẩy giá tăng ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên, cần hết sức chú ý đối với những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới sẽ tác động mạnh vào thị trường trong nước, như chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước lớn để giúp phục hồi nền kinh tế, biến động của giá vàng, giá xăng dầu và giá của các đồng tiền chủ chốt.
Về kinh tế trong nước, tuy sản xuất đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và làm tăng chi phí sản xuất.
Cuối năm thì nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tăng. Vì thế, bình ổn giá phải tập trung vào các sản phẩm chủ yếu là xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi măng, lương thực, thuốc chữa bệnh. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá; hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh các hàng hóa dịch vụ thiết yếu chiếm thị phần lớn để thực hiện các chương trình bình ổn giá. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu; giữ ổn định giá một số hàng hóa quan trọng; kiểm soát chặt chẽ việc định giá, đăng ký, kê khai giá…
Trên cơ sở những giải pháp trên, tôi cho rằng nếu được chỉ đạo thực hiện kiên quyết, đồng bộ thì CPI 3 tháng còn lại của năm 2010 có thế chỉ tăng khoảng 1,5% và cả năm có thể kiểm soát được ở mức tăng khoảng 8%.
Bộ Tài chính sẽ có biện pháp gì nếu giá cả vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu?
- Về công tác quản lý điều hành giá, thứ nhất, giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như giá điện, giá than (bán cho 4 khách hàng tiêu thụ than lớn là xi măng, điện, giấy, phân bón), giá nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng đường hàng không, giá vé vận tải hành khách bằng ghế ngồi cứng trên phương tiện đường sắt... sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước chi cho các phương án giá, mức giá hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ nhà nước đặt hàng; hàng hóa còn được trợ cước trợ giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện chính sách xã hội... hạn chế tối đa trường hợp vượt mức dự toán, ứng vốn.
Thứ ba, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi mức giá đối với 17 mặt hàng phải đăng ký giá như xi măng, thép xây dựng, ga, than, phân bón, đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi... và 6 mặt hàng phải kê khai giá như thuốc phòng chữa bệnh cho người, cước vận tải bằng ô tô, dịch vụ tại cảng hàng không…
Thứ tư, chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tăng cường kiểm soát thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận gắn liền với kiểm tra giá, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật. Kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá ở các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Bùi Thị Thanh Hương
tbktsg
|