Quy mô TTCK: Bao nhiêu là đủ?
Tuy không đưa ra một định lượng cụ thể về quy mô phát triển của TTCK, nhưng xuất phát từ thực tiễn thành công của thị trường tài chính các nước Đông Á, GS.TS Hansjorg Herr, Trường đại học Kinh tế - Luật Berlin (Đức) khuyến nghị, Việt Nam chỉ nên phát triển TTCK ở mức độ vừa phải, tránh xu hướng để thị trường này bành trướng so với thị trường tiền tệ và thị trường nợ.
Theo ông Herr, nếu đặt trong mối tương quan với thị trường tiền tệ, TTCK cần ở quy mô hẹp hơn, thì mới có lợi cho nền kinh tế.
Cái lý để ông Herr đưa ra đề xuất trên tại Hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế: phân bổ nguồn lực tài chính và vai trò của kinh tế tư nhân", do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, là dòng vốn ra - vào TTCK có diễn biến rất nhanh, nên mỗi khi tình hình kinh tế vĩ mô biến động không tích cực sẽ khiến TTCK có những phản ứng tiêu cực trở lại nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động của các DN. Hơn nữa, ngay cả khi Việt Nam xây dựng thành công các công cụ hữu hiệu để quản lý dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại trên TTCK, thì thực tiễn cho thấy, khi tình hình kinh tế toàn cầu có biến động, rất khó giữ dòng vốn này ở lại lâu cho nền kinh tế. Hệ luỵ của những cú "đảo chiều" dòng vốn này rất khó lường.
Với lập luận hiện chưa có một đánh giá xác thực nào chứng minh một nền kinh tế phát triển thì hệ thống ngân hàng "to" hơn TTCK là tốt, hoặc ngược lại, nên TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, rất khó để đưa ra một "vạch cứng" giới hạn sự phát triển của TTCK trong tổng thể chiến lược phát triển thị trường tài chính. Thay vì loay hoay, thậm chí sẽ gặp bế tắc khi đi tìm giới hạn này, Việt Nam nên phát triển thị trường tài chính theo hướng đa dạng và luôn nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ, để tận dụng thế mạnh, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của TTCK đối với nền kinh tế.
Chia sẻ ý tưởng của ông Thành, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận, một nước theo đuổi mục tiêu phát triển thị trường TTCK phải cân bằng với thị trường tiền tệ, như Malaysia, nhưng có những thời điểm giá trị vốn hoá của TTCK chiếm tới 150% GDP.
Điều này cho thấy, việc đưa ra một giới hạn phát triển TTCK mang tính định lượng "cứng" là không có lợi cho DN, cũng như nền kinh tế, bởi sẽ hạn chế nhu cầu tiếp cận vốn đa dạng của DN.
Minh chứng cho nhận định này là từ đầu năm 2010 đến nay, trong khi DN khó tìm kiếm nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, thì chính TTCK đã chia sẻ gánh nặng cung vốn cho nền kinh tế, trở thành kênh tài trợ vốn đắc lực cho DN.
Trong chiến lược phát triển TTCK, vấn đề quan trọng là phải luôn chú trọng về chất, chứ không phải thiên về lượng. Mục tiêu này chỉ có thể trở thành hiện thực khi các giải pháp phát triển thị trường phải đảm bảo vững chắc, hiệu quả.
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
|