Kỳ vọng thay đổi chính sách
Báo cáo phân tích triển vọng thị trường tháng 9 vừa được một số tổ chức công bố, đặt kỳ vọng lớn vào khả năng điều chỉnh chính sách, từ đó tạo lực đẩy cho TTCK.
Theo CTCK SME, NĐT có thể kỳ vọng vào một số điều chỉnh trong Thông tư 13 và Nghị định 141. Những văn bản này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến thị trường. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản nào khẳng định sẽ trì hoãn hay thay đổi hoàn toàn Thông tư 13. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể thực hiện cũng chưa được ban hành. “Chúng tôi không kỳ vọng vào khả năng thay đổi cơ bản nội dung của thông tư vì về dài hạn đây là chiến lược đúng đắn của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi quy mô nền kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, NHNN hoàn toàn có khả năng gia hạn một số nội dung nhạy cảm để tránh tác động quá mạnh tới thị trường. Nếu khả năng này xảy ra, thị trường sẽ được hỗ trợ tích cực”, SME nhận định.
Một thay đổi nữa được nhắc đến là chính sách lãi suất. Theo SME, tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng bằng đồng USD đã chậm lại tương đối và khả năng sẽ không còn đột biến như 6 tháng đầu năm khi tỉ giá có xu hướng điều chỉnh. Để giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức tối thiểu như 6 tháng đầu năm thì công cụ còn lại dựa nhiều vào đồng nội tệ. Sau khi tin đồn giảm lãi suất cơ bản chính thức bị bác bỏ, công cụ còn lại là chính sách trên thị trường mở và điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 13 và Nghị định 141. SME nhận định cơ hội chia đều cho 4 tháng còn lại của năm 2010.
Theo báo cáo phân tích của CTCK Thăng Long, để hạ mặt bằng lãi suất xuống hơn nữa, NHNN cần có các phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn. Lạm phát ở mức thấp trong tháng 8 đã tạo điều kiện để NHNN nới lỏng tiền tệ với việc bơm ròng qua thị trường mở khoảng 5.784 tỉ đồng. Tuy nhiên, các khoản vay này chỉ có kỳ hạn 1 đến 4 tuần nên không có tác động nhiều đến lãi suất thị trường.
Báo cáo này cho rằng lãi suất cao đang cản trở hoạt động đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân. Thống kê cho thấy cầu nội địa đang thấp trong khi lượng hàng tồn kho tăng cao. Mặt khác, lãi suất cao có thể tạo rủi ro cho thị trường ngoại hối khi DN tiếp tục lựa chọn các khoản vay bằng USD để tận dụng mức chênh lệch 7%-8% giữa chi phí vốn vay bằng VND và USD. “Chúng tôi tin rằng nếu lãi suất không giảm, sẽ rất khó cho nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn. Theo chúng tôi, bên cạnh việc tiếp tục đáp ứng thanh khoản cho các ngân hàng thông qua thị trường mở, NHNN cần thực hiện mua trái phiếu với kỳ hạn dài hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn. Nếu không thực hiện điều này, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao”.
Theo CTCK Thăng Long, Chính phủ cần phải chọn một thời điểm để ứng phó với khả năng “lạm phát đình đốn”. Tất cả chỉ là vấn đề giảm lãi suất và đó sẽ là rủi ro biến số vĩ mô lớn nhất. Khi lãi suất cho vay trung-dài hạn luôn ở mức cao từ 13,5% đến 15,5% thì sản xuất công nghiệp sụt giảm trong khi nhu cầu hàng nhập khẩu gia tăng, thâm hụt thương mại lớn hơn, tăng trưởng giảm, nội tệ giảm giá và lạm phát tăng. Những kinh nghiệm quá khứ cho thấy can thiệp thông qua thị trường mở với kỳ hạn ngắn, kêu gọi các ngân hàng cùng hành động là không đủ. “Việc sửa đổi thông tư 13, bơm tiền qua thị trường mở có thể sẽ giúp ích một phần, lựa chọn thực tế và khả thi là NHNN mua trái phiếu với các kỳ hạn dài hơn. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ diễn ra vào quý cuối cùng của năm”.
H.Nguyên
lao động
|