Thứ Ba, 14/09/2010 08:54

Vụ mua thuốc phòng chống cúm A/H5N1:

Các công ty dược quyết không nộp 6,6 triệu USD

Sáng 13-9 tại TP.HCM, các công ty dược tham gia sản xuất thuốc Oseltamivir (theo hợp đồng với Bộ Y tế) tổ chức họp báo về những vấn đề báo chí nêu trong mấy ngày qua liên quan đến vụ mua thuốc phòng chống cúm A/H5N1.

Tại cuộc họp báo, các doanh nghiệp không đồng ý nộp lại 6,6 triệu USD như Thanh tra Chính phủ yêu cầu

Thay mặt bốn doanh nghiệp, bà Trần Thị Đào - tổng giám đốc Công ty Imexpharm - khẳng định khoản tiền 6,694 triệu USD mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu bốn doanh nghiệp phải nộp lại cho Nhà nước đã được hạch toán đầy đủ, đúng pháp luật trong sổ sách kế toán của các công ty và đã được cơ quan kiểm toán độc lập ghi nhận. Do đó, việc yêu cầu thu số tiền này của các công ty là không có cơ sở.

“Chúng tôi không nộp”

Theo các doanh nghiệp, vào thời điểm cuối năm 2005 khi đại dịch cúm A/H5N1 đang đe dọa toàn thế giới, VN được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là “điểm nóng” của dịch, với đỉnh dịch dự kiến xảy ra vào tháng 3 và 4-2006. Lúc này bốn doanh nghiệp đã chấp nhận tham gia một dự án đầy rủi ro cả về tài chính và kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất thuốc Oseltamivir dự trữ phòng chống dịch.

Phản đối Bộ Y tế

Tại cuộc họp báo, các công ty dược này bày tỏ ý kiến phản đối việc ông Nguyễn Huy Quang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - khẳng định trên một tờ báo: “Đây là vụ tiêu cực lớn nhất bị phát hiện trong ngành y tế...”. Theo các công ty, đây là “một khẳng định vô căn cứ” khi các cơ quan pháp luật chưa hề đưa ra kết luận.

Theo bà Đào, lúc đó Bộ Y tế yêu cầu các công ty phải tìm mua cho được nguyên liệu sản xuất thuốc nên các công ty đã tìm và đặt cọc “chốt” ngay với đối tác. “Khi đó, Nhà nước hứa ứng tiền trước nhưng không có khoản nào ứng hết. Bây giờ Nhà nước lại đòi khoản bồi thường này là vô lý. Nếu Nhà nước đòi thì đòi Bộ Tài chính chứ chúng tôi không nộp”.

Về hạn dùng của thuốc, các công ty giải thích: “Việc công bố hạn dùng thuốc là hai năm không có nghĩa thuốc sẽ không còn chất lượng sau hai năm kể từ ngày sản xuất mà chỉ có nghĩa là tại thời điểm sản xuất, chúng tôi chỉ có đủ dữ liệu khoa học để định ra hạn dùng này. Sau hai năm, nếu chất lượng thuốc còn đảm bảo, nhà sản xuất tiếp tục xin phép cơ quan quản lý dược cho nâng hạn dùng các lô thuốc sản xuất trong tương lai”.

Sau họp báo, bà Đào cho Tuổi Trẻ biết: theo lý thuyết, 1kg nguyên liệu sản xuất được 10.100 viên Oseltamivir, nhưng thực tế mà Imexpharm sản xuất là 9.000-9.500 viên. Chính vì vậy, ngày 14-3-2006, Imexpharm đã có văn bản gửi Stada Hong Kong yêu cầu hỗ trợ thiệt hại 986.000 USD, phía Stada Hong Kong sau đó có văn bản đồng ý bồi thường số tiền thiệt hại này. Bà Đào khẳng định ba doanh nghiệp còn lại cũng bị thiệt hại tương tự và đã yêu cầu Stada Hong Kong hỗ trợ thiệt hại với cách tính giống như với Imexpharm.

Bị thanh tra ép?

Ông Ông Văn Dũng - tổng giám đốc Stada VN - nói rằng cả đoàn Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra đều dùng các thông tin của Công ty F. Hoffmann La Roche (gọi tắt là Roche) làm mấu chốt để so sánh. Theo ông Dũng, nếu các công ty VN không tham gia sản xuất Oseltamivir thì ít nhất Roche cũng được món lợi 240 tỉ đồng nếu cung cấp thuốc cho VN. Khi họ bị mất đi thì “không thể vui vẻ với chúng tôi được”. Thế nhưng, thay vì xem xét toàn diện mối quan hệ giữa các công ty VN và Roche để có nhận định khách quan thì Thanh tra Chính phủ lại xem Roche là chuẩn mực.

Ông Dũng cho biết thời điểm năm 2005, giá nguyên liệu “nóng” trên toàn cầu. Ở thời điểm bình thường giá nguyên liệu (thô) để tổng hợp ra Oseltamivir chỉ khoảng 70-80 USD/kg. Thế nhưng, lúc đó giá tại Trung Quốc đã lên đến 500-600 USD/kg. Việc giá thành nguyên liệu thô để tổng hợp ra Oseltamivir lên cao như vậy ảnh hưởng đến giá Oseltamivir.  “Khi chúng tôi chào giá thành phẩm Oseltamivir là 1,9 USD/viên, Bộ Y tế chưa có ý kiến gì. Sau đó qua nhiều cuộc họp của các ban ngành lại áp giá 1,75 USD cho các công ty. Do đã đặt cọc mua nguyên liệu, ở vào thế giữa mất nhiều và ít, các công ty phải chấp nhận mất ít và đi đến quyết định “không làm cũng không được”!

Có ghi thỏa thuận điều khoản bồi thường trong hợp đồng mua bán không? Trả lời câu hỏi này, bà Đào nói tuy hợp đồng mua bán không có điều khoản bồi thường nhưng hợp đồng chuyển giao công nghệ có điều khoản quy định nếu hàm lượng sản xuất cho hiệu suất thấp hơn mức quy định thì phía cung cấp nguyên liệu phải bồi thường. “Thanh tra đến ép tụi tôi là trong hợp đồng mua bán không có ghi điều khoản bồi thường này mà cho là liên quan đến khoản mua nguyên liệu. Chúng tôi đã giải thích nhiều lần nhưng không được chấp nhận” - bà Đào cho biết.

Đợi kết luận của Thủ tướng

Trong khi đó, liên quan đến 526 tỉ đồng dự trữ Oseltamivir 75mg đang gây xôn xao dư luận, trao đổi với Tuổi Trẻ hôm qua, đại diện Bộ Y tế cho biết ba doanh nghiệp gồm Công ty Stada VN, Công ty cổ phần Dược và vật tư y tế Phú Yên, Công ty Imexpharm kiến nghị không nộp trên 2,8 triệu USD nhận lại từ nhà cung cấp nguyên liệu, do các công ty cho rằng đây là tiền nhà cung cấp hỗ trợ ba công ty, không phải tiền hoa hồng.

Về phía mình, Bộ Y tế cho rằng việc ba doanh nghiệp có phải chuyển khoản tiền trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ như kết luận thanh tra, việc có chuyển cơ quan điều tra tiếp tục điều tra quá trình cả bốn công ty (thêm Công ty cổ phần Dược Cửu Long) mua nguyên liệu ở nước ngoài và khoản tiền trên 3,8 triệu USD Công ty cổ phần Dược Cửu Long nhận lại từ nhà cung cấp nguyên liệu sẽ phải đợi chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ Y tế, Công ty cổ phần Dược Cửu Long đã có giải trình khoản tiền trên 3,8 triệu USD kể trên để ngoài sổ sách, do họ có... sổ riêng để theo dõi công nợ. Về việc này, kết luận của đoàn thanh tra cho rằng công ty đã không thực hiện đúng Luật kế toán. Về giá mua nguyên liệu Oseltamivir, có thông tin cho hay giá nguyên liệu không cao nhưng sau khi có đơn đặt hàng từ Bộ Y tế, các công ty đã ủy thác nhập khẩu qua một công ty khác, việc mua bán lòng vòng này đã dẫn đến giá mua nguyên liệu tinh tăng lên đến 18.000 USD/kg.

Lan Anh

Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   APS: Ông Nguyễn Đỗ Lăng không hề bị khởi tố (13/09/2010)

>   Lâm Đồng sẵn sàng đối chất với 'Bầu' Đức tại tòa (13/09/2010)

>   'Bầu' Đức kiện Sở Tài chính Lâm Đồng (13/09/2010)

>   Chủ tịch một công ty chứng khoán lớn ở HN bị khởi tố? (11/09/2010)

>   Giả bán cổ phiếu, mỹ nhân lừa 50 tỷ đồng (10/09/2010)

>   Nguyên bộ trưởng Y tế: 'Không có tiêu cực, tư lợi khi mua Tamiflu' (09/09/2010)

>   Dệt 8-3 bán đất cho Vincom, công nhân vây tập đoàn (09/09/2010)

>   Những quyết định khó hiểu của một Thứ trưởng Dược (08/09/2010)

>   Vì sao bầu Đức kiện UBND tỉnh Lâm Đồng? (07/09/2010)

>   Bầu Đức kiện UBND tỉnh Lâm Đồng (07/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật