Thứ Năm, 09/09/2010 08:42

Dệt 8-3 bán đất cho Vincom, công nhân vây tập đoàn

Hàng trăm nữ công nhân bao vây trụ sở Tập đoàn Dệt may Việt Nam sáng 8 -9

Hôm qua, hàng trăm nữ công nhân Cty TNHH Nhà nước một thành viên Dệt 8-3 (sau đây gọi là Cty Dệt 8-3), tụ tập trước trụ sở Tập đoàn Dệt may Việt Nam, phản đối chính sách lương và chuyện nhà máy của họ được Vincom (VIC) lấy xây dựng khu đô thị, nghi ngờ có khuất tất.

Đất vàng vào tay đại gia

Theo yêu cầu của Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội, Cty Dệt 8-3 phải di dời ra ngoại thành. Vì thế, Cty Dệt 8-3 đã liên doanh với Cty Cổ phần Vincom xây dựng dự án thành phố sinh thái Eco City trên nền diện tích hơn 20 ha đất nhà máy. Cạnh khu đất của Cty Dệt 8-3 là khu đất của Cty Dệt may Hà Nội, hơn chục héc ta. Khu đất này cũng được Cty Cổ phần Vincom thâu tóm. Dự án thành phố sinh thái Eco City, có tổng diện tích 37 ha. Khu đất này nằm trên tuyến phố Minh Khai.

Tuy nhiên, theo nhiều lao động, việc liên doanh liên kết này có nhiều uẩn khúc, vì đây là khu đất vàng rất thuận lợi cho việc sử dụng vào nhiều mục đích khác. Tập thể người lao động (NLĐ) Cty Dệt 8-3 khẳng định, đây là nguyên nhân khiến gần 900 LĐ rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay. “Chúng tôi sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng để họ điều tra, làm rõ những uẩn khúc trong việc mua bán giữa Cty Dệt 8-3 với Cty Cổ phần Vincom liên quan đến lô đất này” - đại diện NLĐ cho biết.

Ngày 12-8, Tổng giám đốc Cty Dệt 8-3 ký thông báo số 153 gửi đến toàn bộ cán bộ, công nhân nhà máy, chuẩn bị di dời ba xí nghiệp sợi, dệt may và nhuộm, ứng với ba địa điểm chuyển đến là: huyện Phú Xuyên (Hà Nội); thị trấn Yên Mỹ và Khu Công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên). Ngay sau khi nhận được thông báo, nhiều công nhân đã phản đối, vì các nơi chuyển đến đều cách xa nội thành 30-50 km.

Chị Đinh Thị Thu Hồng, làm việc ở Xí nghiệp sợi Cty Dệt 8-3 được 22 năm, 6 tháng nói: “Lương thấp, chỉ trên dưới một triệu đồng/tháng, ở nội thành chúng tôi còn khó sống, huống hồ giờ phải đi hàng chục km xuống tận Hưng Yên và Phú Xuyên làm việc, lấy đâu tiền để sống và nuôi con”.

Đi cũng dở, ở không xong

Theo thông báo số 153, Cty Dệt 8-3 sử dụng hết và bố trí đủ việc làm cho NLĐ tại nơi mới với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng (bao gồm BHXH, BHTN, BHYT). NLĐ đi theo dự án, được nghỉ việc 6 tháng nhưng vẫn hưởng lương và được đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm; được hỗ trợ khoản tiền mỗi năm công tác 1/2 tháng lương. Những lao động không đi theo dự án, buộc phải chấm dứt hợp động lao động và chỉ được hưởng 3 tháng lương; được hỗ trợ đóng BHYT bằng 4,5% trong 3 tháng ngừng việc; được chi trả trợ cấp thôi việc...

Cty Dệt 8-3 được xây dựng năm 1960. Đây từng là niềm tự hào của thời kỳ đầu xây dựng CNXH. Bởi vậy, với đa số lao động, họ đều đã làm việc và gắn bó với Cty hàng chục năm trời.

Được biết, chiều nay, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo Cty Dệt 8-3 và đối thoại với NLĐ để tìm biện pháp giải quyết.

Theo nhiều lao động, số tiền hỗ trợ kể trên là quá thấp, vì mức lương Cty Dệt 8-3 trả cho công nhân hiện rất thấp, nên với mức hỗ trợ trên, người LĐ được hỗ trợ không đáng là bao, người công tác lâu năm chỉ nhận được vài chục triệu đồng, người ít chỉ vài triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hải, làm việc cho Cty đã hơn 20 năm cũng cho biết, đa số lao động đều đang dở khóc, dở cười. Nếu đi theo dự án cũng chết mà không đi cũng chết. Làm trong nghề dệt đa số là nữ, ngoài thời gian ở Cty họ còn phải lo cho gia đình. Nếu đi theo dự án, với mức lương thấp như hiện nay còn chưa đủ sống, lấy đâu tiền để thuê nhà, rồi đi lại. Lấy ai để chăm sóc con cái, trong khi tuổi của NLĐ đa số đều ngoài 40.

Dù đã cống hiến cho Cty nhiều năm nhưng vì chưa đủ năm đóng BHXH nên nhiều người không đi theo dự án sẽ không có chế độ lương hưu. “Với tuổi tác hiện nay, nếu ra ngoài xin việc, chắc chắn sẽ không có Cty nào tiếp nhận, chúng tôi sẽ phải sống ra sao khi không có việc làm” - chị Hải lo lắng.

“Đem thắc mắc hỏi lãnh đạo Cty, họ bảo lên mà hỏi Tập đoàn dệt may Việt Nam. Giờ lên hỏi Tập đoàn, họ lại bảo đó là trách nhiệm của Cty. NLĐ chúng tôi không biết đâu mà lần” - một LĐ bức xúc.

Phong Cầm - Minh Dương

TIỀN PHONG

Các tin tức khác

>   Những quyết định khó hiểu của một Thứ trưởng Dược (08/09/2010)

>   Vì sao bầu Đức kiện UBND tỉnh Lâm Đồng? (07/09/2010)

>   Bầu Đức kiện UBND tỉnh Lâm Đồng (07/09/2010)

>   Thuê trực thăng đi lừa đảo  (05/09/2010)

>   Vì sao 4 quan chức cấp cao Vinashin bị bắt? (03/09/2010)

>   Khám xét nhà 4 quan chức Vinashin (03/09/2010)

>   Cười cũng phải… đúng liều! (03/09/2010)

>   Truy tố bị can bơm thuốc trừ sâu vào sữa để tống tiền (02/09/2010)

>   Kèn Vuvuzela hết đất sống tại Châu Âu (02/09/2010)

>   Khởi tố vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại (01/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật