Cười cũng phải… đúng liều!
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” – ông bà ta từ lâu đã nói như vậy. Khoa học hiện đại cũng đã minh chứng tiếng cười lành mạnh đem lại nhiều giá trị bổ dưỡng cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên vì là “thuốc bổ” nên việc sử dụng tiếng cười cũng cần có tính hợp lý.
Một hoạ sĩ biếm hoạ đã phát biểu: “Tôi vẽ biếm hoạ có khi châm chọc, đả kích rất sâu cay nhưng mục đích sau cùng là gây cười. Tôi chỉ mong góp phần làm mọi người cười để khỏe hơn bằng vẽ tranh biếm hoạ”. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tiếng cười rất có lợi cho sức khỏe. Nụ cười không chỉ để làm duyên, lấy lòng người đối diện mà còn là thuốc bổ giúp duy trì sức khỏe.
Một phút cười bằng 45 phút nghỉ ngơi
Con người luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt tác nhân về tinh thần, tâm lý, như: bị khủng hoảng trong làm ăn (lãnh đạo một công ty có nguy cơ phá sản), trong học tập (sắp đến ngày thi mà còn nhiều bài vở học chưa xong), trong trở nghịch tình ái… Khi đó nhờ stress – tình trạng căng thẳng của cơ thể, ta có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng và thường là thành công. Tuy nhiên nếu stress lặp đi lặp lại và ta không làm chủ, không thích ứng với những biến đổi của nó, sẽ đưa đến cơ thể bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi stress, cơ thể có những biến đổi và có thể trở thành nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp, nhiễm trùng, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch. Ngoài ra, stress thường xuyên cũng dễ đưa đến các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược, tâm thần, trầm cảm… Người bị stress cũng thường xuyên ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện…
Nếu stress được ví như sự bốc hỏa thì cười được xem như ly nước mát xoa dịu sức nóng của nó. Người ta đã chứng minh cười giúp cơ thể phóng thích nhiều hơn endorphin (gọi tắt của morphin nội sinh, tức là loại ma tuý được sản xuất trong chính cơ thể).
Endorphin còn gọi là hormon hạnh phúc bởi vì nhờ nó ta cảm thấy yêu đời, tâm trạng phiền muộn được giải toả. Theo một nghiên cứu tại đại học California (Mỹ), sau khi xem một bộ phim hài, mức trầm cảm của nhóm được theo dõi giảm xuống 98%. Người ta cũng ghi nhận, một phút cười thoải mái có tác dụng bằng 45 phút nghỉ ngơi thật sự.
Giúp bồi bổ cơ thể, chống bệnh tật
Y học hiện đại đã chứng minh: “Cười là thể dục tốt cho tim mạch”. Cười có tác dụng tăng cường tim mạch, giúp đưa nhiều máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Những người vô tư, luôn tươi cười ít bị tăng huyết áp. Cười giúp cung cấp nhiều oxy đến tim, ngăn chặn các rối loạn về tim, đặc biệt làm giảm nguy cơ máu bị vón cục, dễ đưa đến bệnh tim mạch vành.
Cười cũng giúp máu lưu thông nhiều hơn đến não. Không những thế, cười còn kích thích hai bán cầu đại não, tăng cường tiếp thu và lưu trữ thông tin mới. Bằng chứng là khi dạy trẻ với không khí vui vẻ đầy ắp tiếng cười, sẽ thấy trẻ tiếp thu nhanh hơn và nhớ lâu hơn.
Y học hiện đại đã chứng minh cười có tác dụng tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa...tăng cường tiếp thu và lưu trữ thông tin mới ở não. Những người luôn tươi cười ít bị tăng huyết áp. |
Cười giúp tăng cường chức năng hô hấp. Đặc biệt khi cười thoải mái, phổi sẽ làm việc tốt, tăng cường năng lực nạp khí, tăng lượng oxy vào máu, làm sạch đường thở, đẩy các khí độc ra khỏi cơ thể. Khi cười, các cơ bụng co bóp, tác động vào bộ máy tiêu hoá, giúp ruột tăng nhu động, vì thế còn giúp chống táo bón. Cười cũng giúp tăng cường hoạt động các tuyến tiêu hoá, làm tăng tiết dịch vị, dịch tuỵ, mật… vì thế giúp quá trình tiêu hóa và hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng. Các cơ quan như gan, thận, lách… cũng nhờ cười mà chức năng của chúng hoạt động tốt hơn.
Tiêu hao năng lượng thừa, làm đẹp da mặt
Hệ miễn dịch bao gồm các loại tế bào bạch cầu có khả năng thực bào tiêu diệt mầm bệnh, đặc biệt có các kháng thể, kháng độc tố… tham gia vào cơ chế đề kháng, bảo vệ cơ thể.
Một nghiên cứu của đại học Indiana (Mỹ) cho thấy xem phim hài hước, cười thoải mái có thể tăng cường 40% hệ miễn dịch của con người. Muốn ngừa cảm, viêm họng hãy cười thật nhiều vì cơ thể sẽ sinh ra bạch cầu, kháng thể tại mũi và đường hô hấp nhiều hơn để chống lại sự xâm nhập vi khuẩn và vi rút.
Cười to thoải mái còn được xem không khác gì tập thể dục. Một phút cười sảng khoái không khác đã bỏ ra 10 phút tập bơi, 15 phút đạp xe đạp. Người muốn giảm cân, ngoài ăn uống kiêng khem, vận động tích cực, cũng không nên bỏ qua “liều thuốc bổ” vừa kể.
Khi cười, các cơ mặt co dãn nhịp nhàng nên giúp làm mờ các vết nhăn và tăng cường lưu thông khí huyết, góp phần làm tươi tắn làn da. Người có tính tình vui vẻ, luôn tươi cười sẽ giữ được nét mặt trẻ lâu. Tại sao ta không chăm sóc da mặt bằng loại “mỹ phẩm” miễn phí và hiệu nghiệm là sự tươi cười? Hãy luôn luôn tươi cười để sống khỏe.
Tiếng cười có… tác dụng phụ
Đã có người vừa phẫu thuật ở vùng bụng, vùng ngực phải quay lại bệnh viện sau một cơn cười quá to, khiến bị toác vết mổ. Cũng có người bị sai khớp hàm do cười quá sảng khoái.
Lại có người phải đến bệnh viện cấp cứu vì hóc xương, bị sặc, bị thức ăn lọt vào khí quản… do cười ngặt nghẽo ngay trong bữa ăn.
Những tai nạn kể trên cho thấy tiếng cười cũng có phần nào những tác dụng phụ (thuốc bổ nào chẳng thế!). Động tác cười ngặt nghẽo, cười to quá mức sẽ làm thần kinh giao cảm hưng phấn quá độ, kích thích tuyến thượng thận tăng tiết adrenalin, làm tim đập nhanh, các cơ bắp phải hoạt động nhiều, gây tiêu hao năng lượng, dẫn đến bất lợi cho sức khoẻ.
Người yếu cơ vòng niệu đạo ở cổ bàng quang, cơ vòng hậu môn cũng nên hạn chế cười một cách quá đà vì áp suất trong ổ bụng tăng đột ngột sẽ khiến không thể chủ động việc đại tiểu tiện.
Những người bị thoát vị bẹn, thoát vị đùi hoặc thoát vị cơ thành bụng cũng được khuyên không nên cười to. Phụ nữ có thai nên thận trọng khi cười, bởi nếu cười to quá, đột ngột quá, tử cung có thể bị ảnh hưởng không tốt, gây hại đến thai. |
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Sài Gòn Tiếp Thị
|