Thứ Ba, 31/08/2010 09:48

Nhà mạng làm... thám tử tư

Mạng di động Vinaphone vừa tung ra dịch vụ cho phép các thuê bao của mạng này biết được vị trí người khác (cùng thuê bao Vinaphone) qua tin nhắn SMS. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại dịch vụ này hoàn toàn có thể bị lợi dụng để xâm phạm đời tư, gây xáo trộn đời sống tinh thần mỗi người...

Dịch vụ này mang tên Family Care, theo giới thiệu của Vinaphone, là “dịch vụ cung cấp các tiện ích giúp các thuê bao Vinaphone có thể nhận được thông tin về vị trí (thông qua tin nhắn SMS) của người thân, thành viên trong gia đình như bố mẹ có thể tìm kiếm, quản lý vị trí của con cái hoặc của các thành viên khác...”.

Mục tiêu: quản lý con cái

Theo hướng dẫn sử dụng của dịch vụ này, thuê bao Vinaphone A muốn xác định vị trí của thuê bao Vinaphone B có thể nhắn tin yêu cầu mạng cung cấp vị trí (mức độ chính xác tùy thuộc khu vực có mật độ các trạm thu phát sóng BTS nhiều hay ít), nếu thuê bao B nhắn tin trả lời đồng ý thì số điện thoại của B sẽ được đưa vào danh sách “tìm kiếm” của A.

Từ đó về sau thuê bao A có thể nhắn tin để biết vị trí của thuê bao B đang ở đâu mà không cần phải có sự đồng ý của thuê bao B. Tất nhiên, dịch vụ này chỉ có hiệu lực khi điện thoại của thuê bao B đang hoạt động trong vùng phủ sóng của mạng Vinaphone lúc thuê bao A nhắn tin kiểm tra.

"Người bị theo dõi sẽ cảm thấy phiền toái, rộng hơn nó sẽ tạo nên một sự xáo trộn về đời sống tinh thần rất lớn. Chưa kể còn rất nhiều vấn đề pháp lý có thể xảy ra nhưng khó giải quyết, yêu cầu bồi thường cũng không dễ"

Luật sư Lê Thành Kính

Ngay khi nghe thông tin về dịch vụ này, anh Dũng (quận Tân Phú, TP.HCM) tỏ ra bất bình: “Dịch vụ này hoàn toàn có thể bị lợi dụng để xâm phạm đời tư của người khác. Mặc dù điện thoại là phương tiện cá nhân nhưng cũng khó có thể đề phòng người khác chủ ý muốn theo dõi”.

Anh Dũng đưa ra ví dụ người khác có thể mượn điện thoại của mình với lý do nghe nhạc, chơi game hay nhắn tin... nhưng thật ra để họ trả lời tin nhắn yêu cầu đồng ý cho phép “mình bị theo dõi” với nhà mạng. “Hằng ngày có biết bao nhiêu tình huống mình có thể cho người khác mượn điện thoại, khi đó họ nhắn tin xong rồi xóa hết thì làm sao biết được” - anh Dũng lo lắng.

Trong khi đó, chị Phương Thảo - nhân viên kế toán - cho rằng dịch vụ này có hai mặt lợi hại khá rõ. “Với dịch vụ này sẽ giúp cha mẹ quản lý con cái của mình dễ dàng hơn. Chỉ một tin nhắn là có thể biết con mình đang ở đâu, chẳng hạn nó có đi học thêm không hay trốn đi chơi điện tử. Điều này giúp cha mẹ yên tâm hơn về con mình” - chị Thảo phân tích. T

uy nhiên với người lớn nếu áp dụng dịch vụ này, chị Thảo cho rằng sẽ tạo cảm giác khó chịu đối với người bị theo dõi, bởi cá nhân nào cũng cần có khoảng riêng tư. Vì vậy nhà mạng nên có quy định hay điều kiện cụ thể hơn về dịch vụ này.

Trước những lo ngại của người dùng đối với dịch vụ Family Care, đại diện Vinaphone cho biết đối tượng chính của loại dịch vụ này là hỗ trợ cha mẹ quản lý con cái. Các bậc cha mẹ thường không yên tâm khi con ra khỏi nhà. Họ luôn muốn biết con đang ở đâu, làm gì... để yên tâm hơn.

Còn với việc người yêu hay vợ chồng dùng để theo dõi nhau thì đó là vấn đề của mỗi gia đình. Dịch vụ chỉ có hiệu lực khi người chấp nhận bị theo dõi nhắn tin xác nhận với nhà mạng. Vị đại diện này còn cho biết hiện đang có khá nhiều người đăng ký sử dụng dịch vụ Family Care của Vinaphone.

Có thể gây xáo trộn đời sống tinh thần

Đánh giá về những tác động của loại hình dịch vụ trên, luật sư Lê Thành Kính - trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn - cho rằng cần thảo luận kỹ, bởi dịch vụ trên có liên quan trực tiếp đến bí mật đời tư không chỉ với mỗi gia đình mà với tất cả mọi người ngoài xã hội.

Những thành viên trong gia đình có đủ năng lực hành vi đều phải được tôn trọng đời tư lẫn nhau. Cho dù là vợ chồng đi nữa thì mỗi người vẫn có quyền bảo vệ đời tư của riêng mình. “Nếu một người sử dụng dịch vụ trên để theo dõi người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì sẽ vi phạm pháp luật” - luật sư Kính khẳng định.

Theo luật sư Kính, thực tế đã diễn ra rất nhiều trường hợp đời tư bị xâm phạm theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn trước đây đã có việc nhiều người dùng chứng minh nhân dân của người khác để đăng ký sim điện thoại... Với dịch vụ này, cần đặt ra câu hỏi liệu nhà mạng Vinaphone có đủ khả năng để kiểm soát tất cả các trường hợp có thể xảy ra không? Chẳng hạn những đứa con trong gia đình có chấp nhận để cha mẹ quản lý chúng theo cách đó, hay người chồng, người vợ có chịu bị theo dõi đời tư không?

Mở rộng thêm vấn đề, luật sư Kính chia sẻ: “Mục đích sử dụng dịch vụ của mỗi người cũng là một vấn đề cần bàn đến”. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể dùng để quản lý con cái chưa đủ năng lực hành vi thì có thể được vì những đứa trẻ cần có sự giám sát của bố mẹ, của nhà trường đối với việc học hành, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống bên ngoài xã hội.

Tuy nhiên với những người trưởng thành, điều này có thể gây xáo trộn rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi người. Đặc biệt, một số người xấu có thể sử dụng dịch vụ vào các mục đích không minh bạch. Chẳng hạn, người ta có thể lợi dụng để theo dõi đối thủ cạnh tranh, sếp theo dõi nhân viên, nhân viên theo dõi sếp... rồi dựa vào đó làm tổn hại đến uy tín người khác. “

Đây là những hậu quả rất nguy hiểm cho cả xã hội chứ không đơn thuần chỉ là chuyện cha mẹ quản lý con cái. Một dịch vụ cần phải có lợi cho cả cộng đồng nhưng không được xâm phạm đến đời tư của mỗi người” - ông Kính cảnh báo.

Đức Thiện

______________

Video Call cũng là một cách kiểm tra

Dịch vụ 3G gọi điện thoại có hình (Video Call) cũng là cách thức dùng để kiểm tra xem người thân đang ở đâu một cách khá hiệu quả. Chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò bỏ túi về vấn đề này trên diễn đàn Mobileworld.vn thì nhận được kết quả là hầu hết thành viên đều không chấp nhận bị theo dõi như vậy. Có thành viên cho rằng cách làm này không khả thi vì đối tượng có thể lách bằng cách đổ thừa sóng yếu, điện thoại sắp hết pin... Nhiều thành viên khác thẳng thừng “tắt luôn dịch vụ này để khỏi phiền phức”.

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Bình Dương: Mở đường thoát nước cho Vinamit (30/08/2010)

>   Vinashin có tổng giám đốc mới (30/08/2010)

>   'Việt Nam cần có nhiều Ngô Bảo Châu' (30/08/2010)

>   Khởi động lại dự án đường sắt cao tốc (30/08/2010)

>   Thủ tướng đình chỉ công tác tân Tổng giám đốc Vinashin (29/08/2010)

>   Đại gia ngại khoe giàu (27/08/2010)

>   Thấy gì từ việc chuyển nhượng vốn trong Liên doanh Khách sạn Fortuna? (27/08/2010)

>   Cướp 5 tấn quặng vàng tại Quảng Nam: Biến bức xúc thành sai phạm! (27/08/2010)

>   Vụ K+: Không có bản quyền, không được phát sóng (26/08/2010)

>   "Đánh úp" 10 nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã (26/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật