Thứ Sáu, 27/08/2010 11:30

Thấy gì từ việc chuyển nhượng vốn trong Liên doanh Khách sạn Fortuna?

Kỳ I: Thực chất của việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn từ 40% xuống 30%

Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Công ty liên doanh Khách sạn Fortuna cho thấy nhiều vấn đề đang nổi lên trong việc thực thi pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp. Đây cũng là những bài học hữu ích đối với các đối tác tham gia liên doanh, các cơ quan chủ quản và với cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Vài nét về Công ty Liên doanh Khách sạn Fortuna Hà Nội

Công ty Liên doanh Khách sạn Fortuna Hà Nội được hình thành trên cơ sở Hợp đồng liên doanh ngày 29/11/1994 giữa Công ty TNHH Thắng Lợi (nay là Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư - Thương mại và Du lịch Thắng Lợi - Công ty Thắng Lợi) với Công ty Chng Holdings PTE. Ltd (Singapore).

Liên doanh được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư số 1129/GP ngày 9/2/1995 với thời hạn hoạt động 30 năm tại 6B - Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), vốn pháp định 6 triệu USD, trong đó Bên nước ngoài góp 60%, bên Việt Nam góp 40% bằng giá trị quyền sử dụng 4.250 m2 đất trong thời hạn 30 năm kể từ ngày 9/2/1995 với giá trị 1.894.200 USD và các khoản khác do các bên thoả thuận.

Cũng theo Giấy phép đầu tư nói trên, hết thời hạn liên doanh 30 năm, khi Công ty Liên doanh kết thúc hoạt động, toàn bộ tài sản cố định của bên nước ngoài trong Liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam.

Qua nhiều lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư (lần cuối cùng là Giấy chứng nhận đầu tư số 011022000093 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 15/11/2007), Liên doanh có tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD vốn điều lệ là 18 triệu USD, trong đó bên Việt Nam góp 30%, trị giá 5,4 triệu USD bằng quyền sử dụng 3.482 m2 đất trong thời hạn 40 năm và các khoản khác do các bên thoả thuận.

Trong những năm đầu hoạt động, Công ty liên doanh bị thua lỗ lớn. Theo báo cáo của Công ty liên doanh, lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2002 là hơn 8,4 triệu USD. Trước những khó khăn về tài chính, được sự chấp thuận và chủ trương của Liên minh HTX Việt Nam, ngày 14/2/2008, Bên Việt Nam (Công ty Thắng Lợi) đã có Công văn số 053/CV-TGĐ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỏi về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Bên Việt Nam trong Liên doanh cho Bên nước ngoài. Đến ngày 3/11/2009, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã có Công văn số 1020/CV-LMHTXVN gửi Bộ Tài chính hỏi về việc này.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có 2 vấn đề lớn nổi lên trong hoạt động của Liên doanh. Thứ nhất, là việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của bên Việt Nam từ 40% theo thoả thuận ban đầu giữa các bên xuống 30% vào năm 1997. Thứ hai, là chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bên Việt Nam cho Bên nước ngoài được Liên minh HTX Việt Nam phê chuẩn vào năm 2008, mặc dù đến nay chủ trương này chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chuẩn y.

Vì sao phải giảm tỷ lệ góp vốn của Bên Việt Nam từ 40% xuống 30%

Trong Hợp đồng Liên doanh ban đầu, hai bên thỏa thuận tỷ lệ góp vốn của Bên Việt Nam là 40% bằng quyền sử dụng 4.250 m2 đất trong vòng 30 năm với giá 16 USD/m2/năm và các khoản khác.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1417/TC/TCĐT, ngày 31/12/1994 của Bộ Tài chính về việc ban hành các quy định về tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển áp dụng với các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì khung mức tiền thuê đất nhóm I (Nhóm cao nhất) cũng chỉ 13,6 USD/m2/năm.

Vào thời điểm đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cưha đáng kể. Quy định nói trên được Bộ Tài chính đưa ra nhằm minh bạch hoá tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, diện tích đất đo đạc thực tế là 3.892 m2 (không phải 4.250 m2 như ước tính ban đầu). Vì vậy, trong "Biên bản xác định vốn ngân sách nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng đất góp vốn hợp tác kinh doanh" số 37/BB-LDNN, Sở Tài chính Hà Nội đã thống nhất xác định diện tích đất là 3.482 m2, giá cho thuê đất là 13,6 USD/m2/năm và giá trị vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất của Bên Việt Nam chỉ còn 1,852 triệu USD. Như vậy, số tiền còn thiếu theo thoả thuận ban đầu là 1,148 triệu USD.

Ông Nguyễn Hải Giang, Tổng giám đốc Công ty Thắng Lợi cho biết, với Công ty Thắng Lợi, việc huy động để có đủ số tiền trên góp vốn vào Liên doanh là vô cùng khó khăn và trên thực tế đã không thể thực hiện được. Bên Việt Nam đã liên hệ với rất nhiều ngân hàng thương mại để vay vốn, nhưng không thành công, vì vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra, kinh tế bị suy thoái, tất cả các ngân hàng đều gặp khó khăn về vốn. Để tìm kiếm nguồn vốn góp vào Liên doanh, ngày 22/10/1997, Liên minh HTX cũng đã có Công văn số 208/BGĐ-CV gửi Tổng cục Đầu tư phát triển (Bộ Tài chính) về việc xin vay vốn tín dụng ưu đãi để bổ sung vốn pháp định đối với dự án liên doanh, nhưng được trả lời là Công ty Thắng Lợi không thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi nhà nước năm 1997.

Trong bối cảnh nói trên và trước nguy cơ bị thu hồi Giấy phép đầu tư do không đủ vốn pháp định để góp vào Liên doanh theo thoả thuận, Công ty Thắng Lợi đã báo cáo Ban Thường trực Liên minh HTX Việt Nam và ngày 2/10/1997, Đảng đoàn, Ban Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đã họp và thống nhất chỉ đạo Công ty Thắng Lợi đàm phán với đối tác nước ngoài để giảm 10% vốn điều lệ và yêu cầu phía nước ngoài hỗ trợ không điều kiện cho phía Việt Nam 398.000USD còn thiếu để Bên Việt Nam có đủ 30% vốn pháp định trong Liên doanh.

Ngày 24/10/1997, Liên minh HTX Việt Nam đã có Công văn số 120/VP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh tỷ lệ góp vốn pháp định của Công ty Thắng Lợi trong Liên doanh xuống 30% Đồng thời, Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna cũng có văn thư đề ngày 24/10/1997 kèm Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 12/10/1997 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin điều chỉnh tỷ lệ vốn pháp định của hai bên liên doanh.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ và căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1129/GPĐC3 ngày 14/11/1997 chuẩn y việc điều chỉnh tỷ lệ vốn pháp định của hai bên trong Công ty Liên doanh Khách sạn Hà Nội Fortuna, trong đó Bên Việt Nam góp 2,25 triệu USD, chiếm 30% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng 3.892 m2 đất trong thời hạn 35 năm, trị giá 1,852 triệu USD và các khoản khác do hai bên thoả thuận.

Như vậy, có thể thấy việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của Bên Việt Nam trong Liên doanh từ 40% xuống 30% là "bất đắc dĩ" trong bối cảnh "cái khó bó cái khôn" và đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Hữu Tuấn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Cướp 5 tấn quặng vàng tại Quảng Nam: Biến bức xúc thành sai phạm! (27/08/2010)

>   Vụ K+: Không có bản quyền, không được phát sóng (26/08/2010)

>   "Đánh úp" 10 nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã (26/08/2010)

>   Đề nghị báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin (26/08/2010)

>   Ông chủ Kềm Nghĩa sắm du thuyền (26/08/2010)

>   Ajax và Tottenham vào vòng bảng Champions League (26/08/2010)

>   Lãnh đạo Đảng chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (26/08/2010)

>   Thị trường Myanmar: Từ những cơ hội bất ngờ (12/08/2010)

>   Thị trường Myanmar: "Hoặc thắng lớn, hoặc thất bại" (25/08/2010)

>   Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bất đồng vì nâng tầm lên quá (25/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật