Thị trường Myanmar: Từ những cơ hội bất ngờ
Từ những thành công có vẻ “bất ngờ”, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm được nhiều cơ hội tại Myanmar - thị trường ít được biết tới và còn rất nhỏ lẻ trong cách đánh giá của nhiều nhà đầu tư. Thực tế, tuy nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do nhiều năm bị Mỹ và EU cấm vận, nhưng với nguồn tài nguyên phong phú như gỗ quý, khoáng sản, dầu khí, thủy sản có trữ lượng lớn, đất đai phì nhiêu..., Myanmar đang vươn lên và là thị trường nhiều tiềm năng trong việc hợp tác kinh tế và thương mại với các nước. Bài toán của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này là: Tới ngay hay sẽ bị chậm chân?
Có đến 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng của Myanmar phải nhập khẩu từ hơn 115 nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đạt 15 tỷ USD, giá lao động thấp, nhiều lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ. Trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi mô hình kinh tế, Myanmar thực sự là một thị trường nhiều tiềm năng và phù hợp với các nhà đầu tư Việt Nam.
Dồn dập những đầu tư từ Việt Nam
Cách đây hơn mười năm, Công ty TNHH Điện Quang tìm được một đối tác tại Myanmar làm đại lý phân phối bóng đèn compact. Kể từ đó đến nay, Myanmar đã trở thành một trong ba thị trường chính của Điện Quang ở Đông Nam Á với doanh số tăng trưởng hằng năm là 20%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam - Myanmar 2010
Trường hợp của Điện Quang là một thành công khá bất ngờ tại Myanmar, vì lâu nay nhiều người cho rằng đây là một thị trường đóng và chậm phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang xuất hàng qua Myanmar đều tìm được đối tác. Hiện đã có không ít DN xuất khẩu hàng thành công qua Myanmar, như Lioa, Tôn Hoa Sen...
Một số DN cũng đầu tư vào thị trường này, như Viettel đã hợp tác mở vùng viễn thông ở đây; Vietnam Airlines mở chuyến bay thẳng Hà Nội - Yangon; Ngân hàng BIDV cũng mới mở văn phòng đại diện tại đây...
Ông Chu Công Phùng, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, đã đánh giá tổng quát về cơ hội tại thị trường Myanmar: “DN Việt Nam có nhiều thuận lợi khi thâm nhập thị trường Myanmar do hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và Myanmar đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu...”.
Ông Hlaing Myint, Phó Cục trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar, cũng cho rằng, dù thu nhập bình quân đầu người của người dân Myanmar không cao, nhưng với dân số khoảng 59 triệu người, sản xuất trong nước còn hạn chế nên nhu cầu tiêu dùng và sức mua rất lớn.
Trong đó có rất nhiều sản phẩm mà Myanmar có nhu cầu lớn và có thể đầu tư hiệu quả như: khai thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, viễn thông, du lịch, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam, thủy, nhiệt điện... Vì vậy, đây là cơ hội khả quan cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 5/2010, Myanmar là nước duy nhất cấp visa ngay tại cửa khẩu. Cụ thể, khách du lịch được cấp phép lưu trú 28 ngày (không gia hạn), DN được lưu trú 70 ngày (được gia hạn thêm), công vụ 28 ngày (được gia hạn).
Đặc biệt, ngoài bốn sân bay nội địa, hai đường bay quốc tế từ Việt Nam, Bangkok, tháng Tám này Myanmar sẽ có thêm đường bay trực tiếp từ Malaysia đến Yangon với giá chỉ còn 100 USD/2 chiều (trước đây là 400USD).
Ở lĩnh vực đầu tư, ông Hlaing Myint cho biết thêm: “Khác với một số nước châu Á, các nhà đầu tư nước ngoài vào Myanmar sẽ được đầu tư 100% vốn, không bị khống chế mức tối đa, nhưng bị khống chế mức tối thiểu, nghĩa là không được đầu tư dưới 35%”.
Trước nhiều triển vọng và tiềm năng, nhiều DN Việt Nam đã đến Myanmar tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhiều công ty đã đặt văn phòng đại diện, ký kết hợp tác đầu tư vào các dự án xây dựng khách sạn, trung tâm văn hóa - thương mại, trồng cao su, sản xuất tôn thép, khai thác mỏ đá, khoáng sản, cung cấp dịch vụ viễn thông, thiết bị điện, ngân hàng...
Một loạt DN Việt Nam đã theo chân cơ hội này sang Myanmar tìm kiếm cơ hội, như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Hoa Sen, Công ty CP Simco Sông Đà, Viettel, Tập đoàn Việt Á và Tập đoàn Hanaka...
Trong số đó, Tập đoàn ASV Holdings đã ký hai biên bản ghi nhớ với Hội nghề cá Myanmar và được giao chín hòn đảo, 2.000ha mặt nước để nuôi thủy sản và quyền đánh bắt cá ngừ tại Myanmar. Đồng thời tham gia khai thác và đầu tư thủy sản, dịch vụ du lịch trên ba hòn đảo và 5.000ha mặt hồ.
Ngoài ra, Chính phủ Myanmar cũng đã nhất trí việc xem xét thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn ASV Holdings tại Myanmar. ASV Holdings được giao thăm dò năm lô dầu khí M15, M16, M17, M18 và A5 thuộc vùng biển phía nam Myanmar.
Đánh giá cơ hội đầu tư vào Myanmar, Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết: “Ngoài quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Myanmar đang diễn ra tốt đẹp, nhu cầu hợp tác kinh doanh và đầu tư của Myanmar lớn, thị trường này còn có lợi thế là giá lao động thấp, khoảng 60 - 80 USD/lao động phổ thông/tháng và từ 200 - 400 USD/lao động cấp trung.
Ngoài ra, nguyên liệu chế biến nông nghiệp lẫn công nghiệp ở Myanmar rất nhiều nên đầu tư vào ngành sản xuất ở Myanmar có nhiều triển vọng. Bên cạnh đó, do nhu cầu hàng hóa hiện tại đang rất lớn nên các DN đầu tư có thể đẩy mạnh các hoạt động thương mại”.
Tính toán trước một thị trường sắp mở cửa
Ông Thiện cũng cho rằng, với đặc điểm là nền kinh tế còn đang đóng cửa, tương tự như điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn 1984, nếu không nhanh chân đi trước một bước, khi Myanmar mở cửa thì DN Việt Nam rất khó chen chân cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Thích, Tổng giám đốc liên doanh ASV Electronics, đánh giá: “Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng hiện nay nền kinh tế Myanmar vẫn đang mang nặng cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp, cơ chế thuế quan chưa thông thoáng và vẫn còn bao cấp giá đối với một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, như nhà ở cho công chức, điện, nước sinh hoạt, cước phí điện thoại, giá xăng dầu, vận tải...”.
Theo ghi nhận chung, nhiều DN Việt Nam vẫn ngại chính sách hai giá của Chính phủ Myanmar áp dụng cho một số mặt hàng như: cước phí điện thoại, giá điện, xăng, giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ khách sạn, giá thuê nhà, giá một số dịch vụ vận tải. Mặt khác, thủ tục pháp lý còn nặng nề và trì trệ, các điều luật còn cứng nhắc, chi phí thành lập DN khá cao.
- Với dân số khoảng 59 triệu người cùng nền sản xuất chậm phát triển, khả năng tự cung tự cấp của nền sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Hiện GDP tính trên đầu người của Myanmar chỉ khoảng 300 - 400 USD/năm, người tiêu dùng khá dễ tính, không đòi hỏi khắt khe về chất lượng, mà ưu tiên giá rẻ nên cơ hội cho hàng Việt là rất lớn, đặc biệt là hàng tiêu dùng.
- Trong năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myanmar đạt 74 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Myanmar ước đạt 24 triệu USD. | Ông Phạm Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cũng cho biết: “Tập đoàn Hoa Sen đã chính thức xuất khẩu sản phẩm tôn, sắt... sang thị trường Myanmar và đang có chiến lược đầu tư sản xuất tôn, thép, vật liệu xây dựng tại Myanmar với tổng vốn đầu tư là 300 triệu USD. Tuy nhiên, do bị Mỹ và EU cấm vận nên việc đầu tư kinh doanh vào Myanmar gặp nhiều khó khăn, nhất là thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa.
Một số DN, trong đó có Hoa Sen, chọn giao dịch theo phương thức đổi hàng hóa. Song, giao dịch này cũng không hẳn phù hợp với nhu cầu của DN. Chẳng hạn, có một DN Myanmar muốn đổi giày dép của Biti’s, nhưng lại đổi bằng các sản phẩm đậu xanh hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của Biti’s”.
Trong khi đó, do quy mô xuất nhập khẩu của Myanmar còn nhỏ, nên các ngân hàng và DN Myanmar rất thiếu ngoại tệ mạnh... Vì vậy, họ không thể mua ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại của Myanmar, mà chỉ mua ngoại tệ mạnh ở thị trường chợ đen với giá gần gấp đôi. Một khó khăn khác, theo ông Hla Aye, Giám đốc Công ty Du lịch Shan Yoma Myanmar, là hiện nay giá vé máy bay từ Hà Nội - Yangon khá cao (250 USD/hai chiều), trong khi từ Bangkok - Yangon chỉ 100 USD/2 chiều.
Phí visa cũng cao hơn, Việt Nam 55USD, Thái Lan miễn phí và Malaysia chỉ 6USD. Ngoài ra, do vị trí địa lý khá xa nên bất lợi cho các DN Việt Nam là chi phí vận chuyển bằng đường bộ khá cao, trong khi phí vận chuyển bằng đường sông từ Thái Lan rẻ hơn nhiều, dẫn đến giá bán một số mặt hàng Việt Nam cao hơn Thái Lan và Trung Quốc.
Lữ Ý Nhi
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|