Vinamit vi phạm môi trường: Khó sửa sai
Vinamit đã quyết định tự đóng cửa tạm ngưng sản xuất tại nhà máy ở huyện Bến Cát (Bình Dương) vào chiều ngày 23.8. Ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Vinamit đã có lời xin lỗi về sự chậm trễ, sai trái trong việc giải quyết hệ thống xử lý nước thải. Nhưng việc xin lỗi của ông Viên có thật tâm, khi Vinamit không phải vi phạm lần đầu?
Hệ thống thoát nước “ngầm” của Vinamit mà cảnh sát môi trường phát hiện vào ngày 20.8. |
Theo biên bản kiểm tra mới đây của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh Bình Dương, Vinamit có hệ thống xử lý nước thải công suất 260m3/ngày đêm, nhưng hai đường cống thoát nước thải của công ty đấu nối vào cống thoát nước thải của quốc lộ 13 là chưa được phép của công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Bình Dương (Becamex IDC) cũng như của ban quản lý quốc lộ 13. Ngoài ra, Vinamit còn để một phần nước thải sản xuất chảy vào hố ga thoát nước mưa gần xưởng sản xuất, chưa được thu gom xử lý, khoảng 4m3/ngày đêm.
Trước đó, Vinamit bị lập biên bản vi phạm về việc thoát nước thải vào ngày 21.7.2009. Trong biên bản đó, các sở, ngành đều thống nhất cho Vinamit được thu gom, đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung của đường đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13 cũ) do Becamex IDC quản lý, với nhiều điều kiện cụ thể đính kèm.
Thực hiện những điều trên, tất cả hệ thống bể chứa, lọc, xử lý nước thải đều đã được Vinamit hoàn tất và được chứng nhận theo quyết định của sở Tài nguyên và môi trường Bình Dương ngày 28.6.2010. Chỉ còn một điều kiện là phải có thoả thuận giữa Vinamit và Becamex IDC bằng văn bản về việc Vinamit được đấu nối đường cống thoát nước thải của công ty vào cống thoát nước chung trên đại lộ Bình Dương là chưa đạt được.
Ông Nguyễn Lâm Viên nhìn nhận việc Vinamit chưa được Becamex IDC chấp nhận mà đã đấu nối và xả thải vào cống thoát nước chung là sai. Ông Viên cũng giải thích đây là khó khăn, vướng mắc mà Vinamit hiện đang không có cách nào giải quyết vì tuy yêu cầu Vinamit làm một số việc trước khi thoả thuận nhưng đến giờ, Becamex IDC lại cho biết cống thoát nước của đại lộ Bình Dương chỉ đáp ứng việc thoát nước mặt của đại lộ.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Bùi Văn Đức, phó tổng giám đốc Becamex IDC khẳng định các hộ dân cũng không được đấu nối đường nước thải vô đường cống chung trên đại lộ Bình Dương, nên Vinamit không thể ngoại lệ. Ở Bến Cát, Becamex IDC chỉ có hệ thống thoát nước trong từng khu dân cư do Becamex IDC đầu tư hạ tầng, còn những nơi khác thuộc trách nhiệm của huyện. Theo ông Đức, Vinamit nên bỏ tiền ra đầu tư đường cống riêng dài hơn 2km, chi phí khoảng trên 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc làm thế nào Vinamit có thể được phép làm khi liên quan đến việc đào đường, liên quan đến nhà dân để đường cống đi qua phải thông qua một đơn vị được phép như Becamex, thì ông Đức trả lời: “Họ phải tự đi khảo sát, phải làm việc với UBND tỉnh xin phép, cho phép làm thì mới làm được”.
Vào ngày 17.8.2010, Vinamit đã gửi công văn đến Becamex IDC đề nghị được gặp để thảo luận việc đấu nối đường ống thoát nước. Giải pháp xả thải cho Vinamit đã vượt tầm giải quyết giữa hai doanh nghiệp. Vinamit đã gửi công văn lên UBND tỉnh Bình Dương, xin được chỉ đạo để tìm hướng tốt nhất giúp doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống xả thải.
Các Ngọc
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|