Thứ Tư, 25/08/2010 17:22

Thị trường Myanmar: "Hoặc thắng lớn, hoặc thất bại"

Ngoài đặc thù của một nền kinh tế đang trong giai đoạn quá độ, Myanmar cũng có những khác biệt cần quan tâm đối với các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Cân nhắc về quy mô

Tuy được đánh giá là một thị trường dễ tính, nhưng không vì thế mà sản phẩm nào cũng dễ dàng được người tiêu dùng Myanmar chấp nhận. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng cần có chiến dịch tiếp thị, marketing dài hơi. Chẳng hạn, để tạo sự gắn kết, thân thiện của người dân với sản phẩm tôn Hoa Sen, Tập đoàn này đã tài trợ 300.000USD cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia Myanmar.

Tôn Hoa Sen tài trợ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Myanmar.

Đó là hướng đi của Hoa Sen, nhưng trong lưu ý khi làm ăn tại Myanmar, Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM (ITPC) cho rằng, một trong những điều cần biết đầu tiên khi làm ăn tại Myanmar là cần tìm hiểu kỹ các đối tác, bởi hiện nay có một số công ty của Myanmar bị Mỹ và EU cấm vận, phong tỏa tài sản nên các công ty này không thể thanh toán qua ngân hàng với các đối tác nước ngoài.

Ông Khin Zaw, Giám đốc Công ty Tour Mandalay kiêm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Myanmar, cho biết: “Muốn dễ dàng hơn trong việc đầu tư tại Myanmar, các DN nước ngoài nên hợp tác với các đối tác tại nước chủ nhà. Phải tìm hiểu kỹ luật pháp và phải nói tiếng Anh giỏi. Bên cạnh đó, doanh nhân Myanmar thường có thói quen làm ăn qua gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Vì vậy, nếu chỉ liên hệ, đàm phán qua điện thoại, internet thì rất khó thành công”.

Ông Phạm Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ thêm: “Do còn nhiều chính sách hạn chế và khó khăn, nên khi đầu tư các DN cần thận trọng, chỉ đi từng bước nhỏ. Sau đó, khi thấy sản lượng ổn định mới tiếp tục đầu tư nhà máy, nhưng chỉ ở quy mô bậc trung vì hiện nay giá điện, cước viễn thông, phương tiện vận chuyển ở Myanmar rất cao”.

Cũng do nhiều chi phí còn cao nên theo ý kiến của ông Nguyễn Quý Thích, Tổng giám đốc liên doanh ASV Electronics: “Nên chọn đầu tư về sản xuất hàng hóa hơn là dịch vụ. Song, muốn làm ăn tại Myanmar, điều quan trọng nhất là phải kiên trì. Thường quá trình thương thảo, chờ đợi xin giấy phép đầu tư rất lâu do cơ chế và dịch vụ viễn thông tại đây rất yếu kém.

Ngoài ra, hợp tác với DN Myanmar đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro, hoặc là thắng lớn, hoặc sẽ thất bại nếu sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tuyệt đối chấp thuận mọi yêu cầu của đối tác Myanmar, cho dù có thể không hài lòng với những điều lệ trong hợp đồng ghi nhớ. Khi gặp trở ngại nên tìm cách liên hệ với những người có chức vụ cao ở các bộ để nhờ họ can thiệp, vì Chính phủ Myanmar rất tôn trọng người nước ngoài”.

Nỗi lo phí vận chuyển

Một trong những nỗi lo lớn của DN Việt Nam xuất hàng sang Myanmar chính là cước phí vận chuyển. Ông Vòng Huy Cường, Công ty Kho vận Miền Nam (Sotrans), cho biết, Công ty đã làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa sang Myanmar được bốn năm nay. Vận chuyển hàng sang Myanmar qua đường hàng không nhìn chung không nhiều, đường thủy thì thông dụng hơn.

Tôn Hoa Sen chuẩn bị xuất hàng sang Myanmar.

Có điều, do chủ yếu là hàng hóa nhập vào Myanmar, nên xuất khẩu hàng từ Myanmar ra rất ít, dẫn đến tồn đọng nhiều container rỗng, làm cho giá vận chuyển tuyến đường biển này cao hơn các nơi khác. Có một số hãng nhiều khi phải tạm dừng hoạt động tuyến này để chờ giải tỏa các container rỗng.

Cách đây một năm, giá vận chuyển Việt Nam - Myanmar chỉ từ 500 - 600 USD/container, nay đã tăng gấp đôi, và được coi là mức tăng cao nhất trên tuyến vận tải biển ở châu Á. Ngoài ra, do thủ tục hải quan kém, ngoài khó khăn khi làm thủ tục nhập, nếu phải xuất ngược lại vì không có đủ giấy phép thì còn khổ hơn nữa, DN phải mất vài tuần mới làm xong thủ tục.

Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas), nhấn mạnh, thủ tục hải quan của Myanmar được ví giống như thủ tục của Việt Nam cách đây 15 năm nên khá rắc rối. Khi xuất hàng qua, DN phải có đủ bộ chứng từ gồm: giấy phép nhập khẩu, giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng mua bán, hóa đơn, bảng kê hàng đóng gói, chứng từ vận tải, L/C. Thời gian xin giấy phép nhập khẩu thường mất 14 ngày, thời gian hoàn thành thủ tục mất 7 - 10 ngày và chỉ chấp nhận thanh toán bằng L/C.

Thanh toán khéo léo

- Hiện Mỹ và EU điều chỉnh chính sách với Myanmar theo hướng mềm mỏng hơn, triển khai cả hai biện pháp là trừng phạt và tiếp cận. Theo đó, có khả năng Mỹ sẽ từng bước dỡ bỏ cấm vận và cải thiện quan hệ nếu Myanmar đáp ứng yêu cầu.

Bà Phan Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho biết, không chỉ với riêng Việt Nam, nhiều quốc gia làm ăn với Myanmar cũng thường thanh toán qua ngân hàng ở Singapore. Hiện VietinBank có một khách hàng lớn là Petro Việt Nam cũng đang có dự án đầu tư tại Myanmar, và việc thanh toán không khó khăn gì. Hiện việc thanh toán ở thị trường này bằng USD và Euro cũng rất phổ biến.

Khác với VietinBank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại mạnh dạn hơn trong chuyện “cắm rễ” tại Myanmar. Hiện BIDV đang trong quá trình xin thành lập công ty đầu tư phát triển ở Myanmar, có thể được thành lập vào cuối năm nay. Tiếp đó, một ngân hàng thương mại của BIDV cũng sẽ được thành lập tại Myanmar để hỗ trợ DN Việt Nam vay vốn cũng như thanh toán khi làm ăn với thị trường Myanmar.

Thanh toán thì có nhiều loại: thư tín dụng, nhờ thu, chuyển tiền, tài khoản mở. Nhưng với Myanmar, theo bà Hải, hình thức thanh toán phổ biến của các DN Việt Nam đang áp dụng khi làm ăn với khách hàng Myanmar là L/C, chủ yếu thông qua một số ngân hàng ở Singapore, như Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và Ngân hàng HSBC tại Singapore hoặc chi nhánh của hai ngân hàng này tại TP.HCM.

Các công ty của Myanmar bị Mỹ và EU cấm vận

1. Htoo Trading Company

2. Asia World Company

3. Zaykabar Co., Ltd.,

4. Max Myanmar Co.

5. Dagon Group

6. Ayeyar Shwe War Co.

7. Kambawza Co., Ltd.,

8. Shwe Than Lwin Co.

9. Yuzana Co., Ltd.,

10. Olympic Co., Ltd.,

(Nguồn: Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM).

Lâm Thao

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bất đồng vì nâng tầm lên quá (25/08/2010)

>   PetroVietnam vẫn đang cân nhắc việc mua tài sản của BP (25/08/2010)

>   Vinamit vi phạm môi trường: Khó sửa sai (25/08/2010)

>   Hàng công nghệ bắt đầu "nóng" cùng tỷ giá (25/08/2010)

>   Rolls-Royce tìm kiếm hợp đồng mới tại Việt Nam (24/08/2010)

>   Siêu xe buýt chở 1.400 người sắp chạy (24/08/2010)

>   Bão đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh (24/08/2010)

>   Tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào (24/08/2010)

>   Khởi công tuyến metro số 2 tại TP HCM (24/08/2010)

>   "Không có dự án nào "ăn theo" trục Hồ Tây - Ba Vì (24/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật