Tung Kuang xả thải trái phép: Nguy cơ bế tắc
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương cho hay, địa phương chưa tổ chức giám định thiệt hại do nước thải trái phép của Chi nhánh Cty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (HNX: TKU) gây ra hai năm qua trên sông Cầu Ghẽ dù dân rất muốn cơ quan chức năng làm việc.
Khó xử hơn vụ Vedan
Ông Lộc nói: "Chúng tôi không có trách nhiệm giám định vì toàn bộ vụ việc do bên công an thụ lý.
Theo ông Phạm Đức Thắp, Phó phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hải Dương, đơn vị ông không thụ lý vụ Cty Tung Kuang do Cục Cảnh sát Môi trường chuyển xuống Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự An toàn Xã hội thụ lý vụ này.
Trước câu hỏi: "Nếu truy tố Tung Kuang thì truy tố tội gì", ông Thắp cho rằng phải dựa vào chứng cứ thu thập được.
Ông Nguyễn Hữu Lộc nhớ rất rõ mức tiền và thời điểm Tung Kuang bị phạt: "Năm 2008, Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hải Dương phối hợp phạt 109.500.000 đồng. Năm 2009, Sở phạt 7.500.000 đồng".
Theo Luật sư Nguyễn Thị Việt Triều, Trưởng Văn phòng Luật Việt Triều, việc Tung Kuang hai lần bị xử phạt hành chính với những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường mà vẫn tái phạm là có cơ sở để xem xét khởi tố hình sự. Tuy nhiên, để có thể khởi tố, một trong những chứng cứ rất quan trọng bắt buộc phải thu thập là tổ chức giám định mức độ thiệt hại do nước thải chưa qua xử lý của Tung Kuang gây ra.
Theo ý kiến của TS. Vũ Đức Lợi, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, việc giám định sẽ rất khó khăn do chứng cứ trực tiếp hầu như không còn, trong khi hiểm họa gây ra cho cư dân bản địa thì rất khó lường.
"Nước thải như công nghệ ở Tung Kuang thường có crom, niken, kẽm, sắt, mangan, để nhuộm màu bề mặt. Loại crom hoá trị 6 (Cr6+) rất độc nếu không được xử lý. " - Th.S Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Công nghệ Xử lý Nước, Viện Công nghệ Môi trường, Viện KH&CN Việt Nam. | Nước thải của Tung Kuang đổ ra sông Tràng Kỹ hay còn gọi là sông Cầu Ghẽ, đoạn chảy qua xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, chủ yếu chứa thành phần hóa chất vô cơ độc hại không phải thành phần hữu cơ như xảy ra đối với Cty Vedan ở Đồng Nai.
Thành phần chính trong nước thải chưa qua xử lý của Vedan là hữu cơ, có thể gây ngộ độc lập tức cho thủy sinh vật trên sông Thị Vải, chủ yếu làm mất oxy trong nước, khiến thủy sinh vật chết ngạt. Vì thế, ngộ độc chất thải hữu cơ của Vedan có thể cảm nhận được ngay, nhìn thấy ngay.
Tuy nhiên, thành phần vô cơ trong nước thải chưa qua xử lý tại Cty Tung Kuang được xác định chủ yếu là các ion crom (Cr) có thể kết tủa và lắng xuống bùn, gây nhiễm độc cho sinh vật đáy trên sông Cầu Ghẽ như cua, ốc, lươn.
Nhà khoa học khẳng định, các ion Cr có thể không đủ lớn để gây ngộ độc cấp (ngay lập tức) cho thủy sinh vật nhưng, nguy hiểm hơn, lại có thể gây ngộ độc lâu dài. Các đối tượng bị nhiễm độc có thể không có biểu hiện ngộ độc cấp nhưng lại tích lũy kim loại nặng trong một thời gian dài và có thể làm gia tăng nhiều bệnh.
Cho tháo dỡ niêm phong nếu…
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, khẳng định: Sở TN&MT tỉnh đã làm hết trách nhiệm khi hai lần sở tham gia phạt vị phạm hành chính và tham mưu đưa Tung Kuang vào danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Vì sao Tung Kuang có hệ thống nước ngầm từ năm 2008 mà không được phát hiện và xử lý triệt để?
Đêm 13-4, lực lượng chức năng phát hiện ông Nguyễn Quang Chiến, công nhân điều hành khu xử lý nước thải của Tung Kuang, xả nước thải chưa xử lý qua đường ống ngầm ra sông Cầu Ghẽ. Hệ thống này hoạt động từ tháng 10-2008 cho đến khi bị phát hiện. Với việc xả thải chưa qua xử lý, mỗi tháng Tung Kuang tiết kiệm 100 triệu đồng. | Theo ông Lộc, nếu biết mà vẫn để cho thải ra sông thì ông nghỉ việc từ lâu rồi. "Tung Kuang trông bề ngoài rất sạch nhưng, qua phản ánh của dân, chúng tôi hai năm liền đưa họ vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm phải xử lý triệt để" - Ông Lộc nói.
Theo ông Vũ Đình Tạo, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh đang niêm phong các thiết bị, nhà xưởng ở Tung Kuang liên quan đến phát sinh nước thải. "Cty đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước tuần hoàn sục ozone để xử lý triệt để, thu hồi nước tuần hoàn, và cam kết không xả thải trong quá trình sản xuất nữa. Nếu đảm bảo, chúng tôi sẽ tháo dỡ niêm phong, cho hoạt động trở lại. Còn xử lý sai phạm trước đó vẫn sẽ xử lý".
Quốc Dũng
TIỀN PHONG
|