TTCK quý 3: Vẫn khó đột phá !
Xu thế sideway tiếp tục kéo dài trong tháng 7 bất chấp kết quả kinh doanh của DN đã công bố cũng như sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế vĩ mô. Tình trạng này, một phần do ảnh hưởng của tình hình chung toàn cầu, phần khác có thể bắt nguồn từ tính chu kỳ kinh tế chung.
Thông thường, kết quả kinh doanh quý 2/2010 khó tạo bất ngờ do đây không phải là mùa sản xuất kinh doanh cao điểm của hầu hết các nhóm ngành. Tuy nhiên, bước sáng quý 3, vào khoảng tháng 8 và tháng 9, kỳ vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn khi DN bước vào mùa phục vụ các lễ hội lớn, cũng như sự khơi thông dòng tiền vốn vẫn vẫn “chảy” khá chậm từ đầu năm tới nay.
Động lực
Vấn đề quan trọng nhất có tác động mạnh đến sự tăng trưởng của TTCK là sự xuất hiện của dòng tiền mới. Một động thái được xem là tích cực khi mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong tháng 8/2010. Tuy dòng vốn này không hướng trực tiếp đến TTCK nhưng với mục tiêu tăng trưởng, dòng tín dụng này cũng sẽ giúp DN giải quyết khó khăn trong kinh doanh. Do đó, khi dư nợ tín dụng được đẩy mạnh, kỳ vọng kết quả kinh doanh của DN sẽ có những đột phá trong quý 3. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu còn cho biết, dòng tiền sẽ không được ưu tiên vào các lĩnh vực nhập khẩu và khu vực đô thị mà tập trung vào đầu tư cấu trúc sản xuất như xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn. Sự ưu đãi còn thể hiện cả ở chính sách lãi suất khi hiện tại lãi suất cho vay khu vực nông thôn khá thấp từ 12 - 12,5%/năm, thấp hơn cả thời kỳ ổn định 2006 - 2007, thời kỳ này lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn lên tới 13,2%/năm.
|
Trong một báo cáo về phân bổ ngành mới đây của SME, khi so sánh tình hình với quý 3/2009, phòng phân tích của Cty này cho rằng: “trong khi quý 3/2009, NHNN bắt đầu chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ thì chúng tôi kỳ vọng vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý 3/2010”. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng trưởng 10,5% trong tổng số 25% mục tiêu của năm. Với đặc điểm áp lực lạm phát quý 4, quý 3 có thể rơi vào trung tâm của sự điều chỉnh chính sách tiền tệ. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là mặt bằng lãi suất khá cao trong khi việc điều chỉnh mặt bằng lãi suất tính đến cuối tháng 7 vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để có thể đẩy mạnh hơn dòng tiền vào thị trường, NHNN có thể thực hiện một số nghiệp vụ như: thay đổi các quy định về sử dụng nguồn tiền từ thị trường mở phục vụ mục đích cho vay; thay đổi cách đưa nguồn tiền vào lưu thông thay vì chú trọng vào thị trường mở như giai đoạn hiện nay. NHNN có thể lựa chọn một số tiêu chí DN/ngành/lĩnh vực sản xuất,... để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi; hay thực hiện các biện pháp hành chính khác tác động tới thị trường tiền tệ.
Chọn ngành nào?
Mặc dù nhận được nhiều lực đỡ từ dòng tiền cũng như tính chất mùa vụ, nhưng đại diện của SME vẫn cho rằng TTCK VN khó có những đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới: “Chúng tôi không kỳ vọng vào sự đột phá mạnh mẽ của thị trường như năm 2009. Tuy nhiên cũng không quá bi quan so với quý 2 do mặt bằng chung của kinh tế toàn cầu đã sáng sủa hơn tương đối”. Thực tế là, tính đến thời điểm này tâm lý của nhà đầu tư vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2010. Lo ngại lớn nhất của nhà đầu tư là nếu kinh tế toàn cầu đi xa hơn dự báo, VN sớm muộn gì cũng bị ảnh hưởng, khi đó thị trường sẽ rơi vào suy thoái kép. Trong điều kiện thị trường đang chịu sức ép tâm lý như giai đoạn hiện nay, khả năng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu là yếu tố chi phối không nhỏ đối với thị trường chứng khoán trong hai tháng cuối quý 3/2010.
Khá nhiều Cty chứng khoán đưa ra dự báo, một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong thời điểm này như định nhóm ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng và bất động sản có khả năng tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của VN-Index trong khi nhóm ngành sản xuất công nghiệp, nguyên vật liệu và dầu khí phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng hồi phục của thị trường thế giới và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 3. Với áp lực của nguồn cung trong 6 tháng cuối năm, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng có khả năng tiếp tục đi lùi so với mặt bằng chung của thị trường.
Phạm Lan
diễn đàn doanh nghiệp
|