Trái phiếu chuyển đổi: Cách mới để lách luật?
Thời gian gần đây, nhiều DN chọn cách huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ). Điều này, nhìn ở góc độ tích cực là giúp DN tăng lượng vốn huy động để phát triển hoạt động kinh doanh mà chưa làm tăng ngay vốn chủ sở hữu. Nhưng ở khía cạnh khác, đây có thể là cách để một số ban lãnh đạo DN thực hiện mục tiêu riêng, khi quy định về phát hành TPCĐ đang có kẽ hở.
Quy định pháp lý lỏng lẻo
Theo thống kê sơ bộ của CTCP Chứng khoán Âu Việt, nửa đầu năm 2010, trên TTCK Việt Nam có gần 20 DN đã và đang có kế hoạch thực hiện huy động vốn bằng việc phát hành TPCĐ. Đa số DN lựa chọn phát hành riêng lẻ, thời gian chuyển đổi ngắn (thường dưới 2 năm) và lãi suất thấp hơn so với lãi suất vay vốn ngân hàng. Theo giải thích của một số DN, ngoài những lợi ích, sự thuận lợi của phát hành TPCĐ, còn do DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ gặp khó khăn khi quy định giới hạn thời gian chuyển nhượng tối thiểu 1 năm.
Khi các quy định về phát hành TPCĐ quá lỏng lẻo, sẽ là điều kiện thuận lợi cho những DN thực sự có nhu cầu huy động vốn và có ban lãnh đạo công tâm. Nhưng sự lỏng lẻo cũng sẽ tạo ra cơ hội nếu ban lãnh đạo DN?muốn lạm dụng để kiếm tiền không chính đáng.
Tại Nghị định 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu DN, các quy định về điều kiện, phương thức phát hành TPCĐ hết sức sơ sài. Điều 20 quy định đối tượng được phát hành là công ty cổ phần. Điều 21, 22, 23 quy định về nguyên tắc phát hành, thời hạn chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi… nhưng theo hướng mở, trao quyền tự quyết cho DN, miễn là đảm bảo tính minh bạch.
Thông tư số 17/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có đề cập đến việc chào bán TPCĐ ra công chúng, trong đó hồ sơ chào bán trái phiếu được liệt kê chi tiết, nhưng không có ràng buộc nào khiến DN phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn phát hành TPCĐ hay các công cụ khác. Để phát hành trái phiếu, DN chỉ cần có sự thông qua của ĐHCĐ, có phương án phát hành, sử dụng nguồn vốn rõ ràng, ghi rõ thời gian, tỷ lệ chuyển đổi…
Cơ hội lách luật
Sự kiện gây xôn xao dư luận gần đây là việc Tổng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) thực hiện phát hành riêng lẻ 3,5 triệu TPCĐ, mệnh giá 100.000 đồng/TP, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 8%/năm. Việc phát hành TPCĐ đã được ĐHCĐ KSS thông qua từ ngày 29/4/2010, với việc toàn bộ phương án phát hành, thời gian chuyển đổi… được ủy quyền cho HĐQT KSS quyết định. Ngày 27/7, KSS công bố kế hoạch phát hành 3,8 triệu TPCĐ vào ngày 2/8/2010, nhưng đến ngày 4/1/2011, 80% số trái phiếu này sẽ được chuyển đổi thành cổ phần theo tỷ lệ 1:10, chỉ có 20% số trái phiếu còn lại phải chờ đến khi đáo hạn mới được chuyển đổi. Điều này có nghĩa là, chỉ cần chờ 4 tháng, những người may mắn trở thành trái chủ sẽ được mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP và cũng không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng. Trong khi đó, giá cổ phiếu KSS trên thị trường xấp xỉ 40.000 đồng/CP. Một kế hoạch mua quá hấp dẫn!
Nhưng chỉ 1 ngày sau đó, KSS đã công bố hủy kế hoạch phát hành TPCĐ nói trên với lý do đây là lần đầu tiên KSS triển khai huy động vốn bằng TPCĐ nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, sai sót. Tuy KSS đã hủy phương án phát hành trên, nhưng từ sự kiện này, dư luận không khỏi lo lắng khi không ít phương án phát hành TPCĐ đã được cổ đông thông qua và "ủy quyền cho HĐQT lựa chọn phương án phát hành". Nguy cơ là, kẽ hở từ quy định pháp lý có thể giúp DN phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp, nhưng trá hình bằng bước trung gian là TPCĐ. Khi đó, những cổ đông trót "ủy quyền" cho HĐQT có thể sẽ phải ngậm đắng nuốt cay, vì thấy mình quá thiệt thòi mà không có cơ sở để kiện ban lãnh đạo DN.
Ngay cả khi các cổ đông nhỏ lẻ không đồng ý với phương án phát hành TPCĐ của DN thì khả năng phương án phát hành được thông qua tại ĐHCĐ vẫn rất lớn. Câu chuyện về CTCP Dược Hà Tây vừa qua cho thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn (1 tháng), một nhóm cổ đông có tiềm lực tài chính hoàn toàn có cơ hội mua thâu tóm một DN nếu tỷ lệ sở hữu của cổ đông bên ngoài DN lớn và tính thanh khoản của cổ phiếu cao. Khi đó, một kịch bản có thể xảy ra là: nhóm NĐT A hợp tác với ban lãnh đạo DN X đưa ra phương án phát hành TPCĐ cho chính nhóm NĐT A và có lợi cho A. Sau đó, nhóm NĐT này thực hiện mua vào khối lượng lớn cổ phiếu X trước ngày chốt danh sách cổ đông xin ý kiến để đảm bảo phương án phát hành trên được thông qua và sau đó bán ngay số cổ phiếu X đã mua trên thị trường. Những cổ đông đến sau, dù không hài lòng với quyết định của ban lãnh đạo DN, nhưng cũng khó lòng "cãi" vì họ không có quyền biểu quyết và theo quy định thì DN không phạm luật. Kịch bản này không phải là không có cơ sở, khi một NĐT lớn tại TP. HCM đã từng phát biểu với lãnh đạo một DN rằng: "Nếu các anh không làm theo phương án của tôi, tôi sẽ sở hữu cổ phiếu đúng vào đợt các anh xin ý kiến cổ đông để phương án phát hành của các anh không thể thành công được".
Hiện nhiều NĐT đang mong đợi cơ quan quản lý có sự giám sát chặt chẽ hơn việc phát hành TPCĐ của DN. Trong khi việc huy động vốn bằng cổ phiếu, dù DN chọn cách phát hành đại chúng hay riêng lẻ, đều có sự giám sát chặt chẽ của các quy định pháp lý, thì hình thức phát hành TPCĐ đang có lợi thế do sự dễ dàng về pháp lý và có khoảng rộng để trực lợi nếu muốn. Trong các tình huống này, các cổ đông nhỏ lẻ luôn là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Thống kê sơ bộ các DN niêm yết phát hành TPCĐ từ 1/1 - 30/6/2010
Công ty |
Hình thức phát hành |
Giá trị (tỷ đồng) |
Mệnh giá (ngàn đồng) |
Lãi suất (%/năm) |
Thời hạn |
CII |
Riêng lẻ (NN) |
20 – 25 triệu USD |
|
4 |
5 năm |
MCG |
Riêng lẻ |
45,9 |
100 |
12 |
3 năm |
SSI |
Riêng lẻ |
2.000 |
1.000 |
4 |
1 năm |
VFC |
Riêng lẻ |
150 |
100 |
Chưa xác định |
1 năm |
TMS |
Riêng lẻ |
100 |
1.000 |
8 |
2 năm |
LTCT |
Riêng lẻ |
30 |
100 |
15 |
18 tháng |
HUT |
Riêng lẻ |
200 |
1.000 |
8 |
1 năm |
ALP |
Riêng lẻ |
100 |
100 |
Thỏa thuận |
3 năm |
LCG |
Riêng lẻ |
300 |
1.000 |
5 |
1 năm |
HSI |
Riêng lẻ |
200 |
100 |
12 |
2 năm |
UNI |
Riêng lẻ |
50 |
1.000 |
10 |
1 năm |
NVN |
Riêng lẻ |
40 |
1.000 |
4 |
1 năm |
CTG |
Riêng lẻ |
3.000 |
1.000 |
Thả nổi |
2 năm |
SHB |
Công chúng |
1.500 |
100 |
10,48 |
1 năm |
REE |
Công chúng |
810 |
1.000 |
8 |
13 tháng |
TDH |
Công chúng |
600 |
100 |
7 |
3 năm |
Nguồn: CTCP Chứng khoán Âu Việt |
Bùi Sưởng
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|