Chủ Nhật, 25/07/2010 11:12

Các tập đoàn đua nhau phát hành trái phiếu quốc tế

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn là chuyện bình thường. Đấy là một cách vay tiền của những người mua trái phiếu. Trái phiếu lại có thể được mua đi bán lại (trên các thị trường tài chính hay trên sàn chứng khoán) nên có thể là một công cụ đầu tư hấp dẫn (đối với người cho vay) và là một kênh huy động vốn tốt.

Chỉ có các doanh nghiệp có uy tín mới có thể phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam (cả tư nhân lẫn nhà nước) đã phát hành trái phiếu nội địa, tuy chưa nhiều, nhưng chưa có kinh nghiệm gì về phát hành trái phiếu quốc tế. Thay vào đó, Chính phủ Việt Nam đã phát hành thành công hai đợt trái phiếu trên thị trường tiền tệ quốc tế với tổng giá trị 1,75 tỉ USD để cho các Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn điện lực (EVN) vay lại.

Trong phát hành trái phiếu quốc tế, những người cho vay hay tổ chức dàn xếp phát hành đều là các công ty tài chính chuyên nghiệp. Điều kiện (số lượng, thời hạn, lãi suất, phí)  của họ tuỳ thuộc vào uy tín, hiệu quả làm ăn, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp phát hành. Mối quan hệ ấy cũng gần giống như của doanh nghiệp đi vay và ngân hàng cho vay.

Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay phá sản thì người cho vay có thể mất trắng, hay chỉ thu được một phần gốc (khi đó trái phiếu của doanh nghiệp phát hành không hơn gì tờ giấy lộn, hay giá giao dịch của nó rớt khủng khiếp).

Doanh nghiệp làm ăn khấm khá trả được lãi và gốc khi trái phiếu đáo hạn cho những người cầm trái phiếu lúc đó.

Phát hành thành công trái phiếu quốc tế với các điều kiện tốt là một dấu hiệu thành công của doanh nghiệp.

Nhìn từ khía cạnh đó nên khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam (cả tư nhân lẫn nhà nước) học tập, tìm hiểu và xúc tiến phát hành trái phiếu quốc tế.

Nhưng việc này không hề dễ.

Vay các ngân hàng trong nước đã khó, phát hành trái phiếu trong nước không dễ, thì phát hành trái phiếu quốc tế còn khó hơn. Chính sự khắt khe và những cái khó đó buộc những người đi vay phải cẩn trọng, phải có kế hoạch rõ ràng, phải tính toán về cách sử dụng tiền vay sao cho có hiệu quả, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Hoàn cảnh khắt khe, khó khăn, ép doanh nghiệp vào kỷ luật tài chính, ít được giúp đỡ và khó có thể mong được cứu vớt khi gặp nạn, được gọi là ràng buộc ngân sách cứng (tương tự như hoàn cảnh của đứa trẻ có bố mẹ nghèo hay nghiêm khắc). Ngược lại, nếu doanh nghiệp có thể kiếm vốn dễ dàng, những người cho vay không khắt khe, không ép họ phải có kỷ luật, họ được ưu ái hay khi gặp khó khăn thì luôn được sự giúp đỡ hay cứu vớt, thì người ta nói ràng buộc ngân sách là mềm (tương tự như hoàn cảnh của đứa trẻ luôn được bố mẹ nuông chiều).

Hiện tượng ràng buộc ngân sách đã được các nhà kinh tế học nghiên cứu từ lâu và rút ra kết luận: muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì ràng buộc ngân sách phải cứng (và phải đối mặt với cạnh tranh). Cũng giống như những đứa trẻ được nuông chiều quá đáng chẳng thể tự lập.

Doanh nghiệp có ràng buộc ngân sách mềm hoặc không phải cạnh tranh thì hoạt động không hiệu quả. Vừa có ràng buộc ngân sách mềm lẫn không phải cạnh tranh thì càng không hiệu quả (đó là tình trạng của nhiều tập đoàn hiện nay).

Chính vì thế khi những người cho vay, thí dụ các ngân hàng, nghiêm khắc có các điều kiện khắt khe, luôn xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu vay tiền, đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp thông tin kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả nợ, tìm cách theo dõi việc sử dụng vốn của khách hàng,..., là họ đã giúp xã hội, giúp chính doanh nghiệp siết chặt ràng buộc ngân sách, buộc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và như thế là giúp cho chính mình và doanh nghiệp đi vay cũng như toàn xã hội. Người ta hay kêu ngân hàng “làm khó” doanh nghiệp, nhưng nhìn từ khía cạnh này, thì việc “làm khó” như vậy là lành mạnh và vô cùng cần thiết.

Nghe nói hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế vào quý 4 năm 2010: PVN dự kiến phát hành 1 tỉ USD trái phiếu (và sẽ còn vay tiếp vì cần đến 10 tỉ USD cho giai đoạn 2009-2015); Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam dự kiến phát hành 500 triệu - 1 tỉ USD; EVN 1 tỉ USD v.v…

Tất cả các tập đoàn này, kể từ ngày 1.7.2010 đã hoạt động với tư cách các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty trách nhiệm hữu hạn có nghĩa là nó chỉ chịu trách nhiệm với các bạn hàng (trong đó có các chủ nợ) ở mức vốn của riêng nó và trong trường hợp phá sản thì người chủ (Nhà nước trong trường hợp này) không phải chịu trách nhiệm hơn số vốn điều lệ đã cấp cho doanh nghiệp (nếu chính phủ không bảo lãnh các khoản vay). Với tư cách như vậy người cho vay sẽ phải tính toán kỹ đến khả năng trả nợ của người đi vay.

Chính phủ không nên bảo lãnh các khoản vay của doanh nghiệp, nếu muốn chúng hoạt động có hiệu quả. Lưu ý việc Nhà nước bảo lãnh một hay vài lần cho một doanh nghiệp có thể không tạo ra ràng buộc ngân sách mềm, nhưng nếu bảo lãnh nhiều và tạo cho các doanh nghiệp tâm lý hay kỳ vọng sẽ được bảo lãnh, sẽ được giúp đỡ, sẽ được cứu vớt (như đã làm với Vinashin) thì ràng buộc ngân sách sẽ mềm và hoạt động của doanh nghiệp không thể hiệu quả.

Rất đáng tiếc cách hành xử như vừa qua đã tạo cho các doanh nghiệp nhà nước tâm lý ấy, kỳ vọng ấy và ràng buộc ngân sách của chúng là rất mềm và đó là một trong vài nguyên nhân chính khiến chúng hoạt động kém hiệu quả.

Nguyễn Quang A

lao động

Các tin tức khác

>   SHI sẽ phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu (23/07/2010)

>   Không có nhiều "đất" để doanh nghiệp phát hành trái phiếu (23/07/2010)

>   Trái phiếu TP4A3404: Chốt quyển hưởng lãi ngày 26/07/2010 (22/07/2010)

>   Trái phiếu CP4A3304: Chốt quyền hưởng lãi ngày 26/07/2010 (22/07/2010)

>   Trái phiếu QH061109: Chốt quyền hưởng lãi ngày 26/07/2010 (22/07/2010)

>   Trái phiếu VDB110029 giao dịch phiên đầu ngày 22/07/2010 (22/07/2010)

>   HPG phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu  (22/07/2010)

>   CCM xin ý kiến phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi  (20/07/2010)

>   VIP sẽ phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu (19/07/2010)

>   DTL phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong tháng 7 (19/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật